Làm từ thiện - cũng phải “căn cơ”

(PLO) - Thời điểm bão lũ gây khốc hại miền Trung cũng là lúc tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt được thể hiện rõ nhất. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, việc làm từ thiện tự phát, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm cũng đã cho thấy rõ những bất cập.
Đoàn tự thiện của Đàm Vĩnh Hưng cứu trợ đồng bào miền Trung.
Đoàn tự thiện của Đàm Vĩnh Hưng cứu trợ đồng bào miền Trung.

Lúng túng vì tự phát

Rất nhanh chóng ngay sau những thông tin bão lũ gây thiệt hại nặng nề đến bà con miền Trung, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã lên tiếng kêu gọi quyên góp, ủng hộ để thực hiện các chuyến cứu trợ. Những chuyến xe chở thực phẩm, nhu yếu phẩm, tiền bạc… liên tục lên đường ra miền Trung, bất chấp mưa do khắc nghiệt. Những thông tin liên tục cập nhật tình hình bà con đã được nhận thực phẩm, thuốc men, đó đây đã giải quyết được cái đói, cái rét, tình người lan tỏa khắp nơi.

Nhưng, ở thời điểm càng về sau, khi mà những lời kêu gọi ủng hộ nổ ra quá nhiều thì những bất cập bắt đầu xảy ra. Ngoài các cơ quan nhà nước như Ủy ban, Mặt trận, đoàn thể… những tổ chức, cá nhân kêu gọi ủng hộ từ thiện khắp nơi. Từ các tổ chức từ thiện, các hội nghề nghiệp như luật sư, doanh nhân đến nghệ sĩ, người nổi tiếng và cả những cá nhân có chút danh tiếng trên cộng đồng mạng, đâu đâu cũng thấy kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung.

Và tất nhiên, bên cạnh những con người nhiệt tình, tâm huyết muốn góp sức mình giúp đỡ đồng bào, vẫn có những người lợi dụng lòng từ thiện của cộng đồng để trục lợi. Một quỹ từ thiện nhỏ do một số cá nhân ở TP HCM tổ chức, mới đây đã có thành viên lên tiếng tố cáo người giữ quỹ thiếu minh bạch, số tiền đem đến tay đồng bào vùng lũ thấp hơn nhiều so với tiền mà các mạnh thường quân đóng góp.

Kể cả với những người có tâm huyết thật sự, việc tự mình đứng ra kêu gọi ủng hộ từ thiện, danh nghĩa cá nhân, nhưng số tiền quyên góp lớn hơn dự kiến, không biết cách quản lý và minh bạch tiền bạc, không có khả năng sử dụng hiệu quả để đưa đến cho người dân, cũng đã gây ra những lùm xùm, mất lòng tin lẫn nhau.

Cạnh đó, việc các đoàn từ thiện tổ chức nhỏ lẻ nhiều mà thiếu sự liên kết đã gây ra nhiều bất cập trong công tác cứu trợ. Có những đoàn cứu trợ quy mô lớn, với tổng số tiền cứu trợ vài trăm triệu, hàng tỉ đồng, tuy nhiên, cũng không ít đoàn nhỏ, vài chục triệu đồng, việc tổ chức đến tận nơi đã gây ra sự lãng phí đáng kể về sức người, sức của. Đó là chưa kể đến việc nhiều đoàn kéo đến cùng một lúc đã khiến các địa phương lúng túng trong đón tiếp, sắp xếp. 

Sự thiếu liên kết giữa các đoàn từ thiện cũng đã khiến tình trạng nơi thì quá nhiều đoàn, người dân nhận hàng cứu trợ không hết, có nơi người dân thiệt thòi vì không đoàn nào đến. Chị Thanh Nhàn, người dẫn đầu một đoàn từ thiện đi từ TP HCM đến Quảng Thủy, Quảng Bình đã phải thốt lên: “Trước khi đi nghe người ta nói mì gói, bánh kẹo dư người dân không cần, hóa ra đến đây mới thấy chưa có đoàn nào đến, người dân trông chờ từng gói mì, gói bánh, thương quá”.

Làm từ thiện bài bản, có chiều sâu

Lũ đã rút đi, trên căn bản người dân vùng lũ cũng đã được cứu trợ kịp thời, tránh khỏi đói, rét, được cung cấp thuốc men chống bệnh tật… Tuy nhiên, nhiều người làm từ thiện vẫn đau đáu với trăn trở rằng cái nguy nhất thời đã qua, nhưng lũ rút rồi, cái đói lại kéo tới, nhà cửa mất sạch, người dân trắng tay, trẻ em thiếu quần áo, sách vở đến trường… phải làm sao để giúp khắc phục cho rốt ráo? Đây mới là điều căn bản, lâu dài của công tác từ thiện, chứ không chỉ là ùn ùn kéo đến với hàng hóa, thực phẩm.

Khá nhiều nhóm từ thiện cũng đã kịp thời “chuyển hướng” để đi cùng bà con lâu dài. Một nhóm luật sư và nhà báo tại TP HCM đã trao 20 con bò giống cho những bà con nghèo, khuyết tật vùng lũ bảy xã thuộc hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để bà con có kế sinh nhai lâu dài sau lũ. Một quỹ từ thiện của các nhà văn tại TP HCM đã góp những học bổng để các em nhỏ vùng lũ có sách vở, quần áo và học phí để nhanh chóng đi học trở lại. Nhiều nhóm thanh niên đã tình nguyện đến dựng lại nhà, mua lại dụng cụ kiếm sống như cày cuốc, cần câu… 

Đặc biệt, một dự án giúp người dân vùng lũ đang được cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ, đó là dự án nhà chống lũ. Xuất phát từ ý tưởng nhà bè chuối của cha ông xưa, nhà phao chống lũ đã được thực hiện với dạng nhà nổi, trên là kết cấu nhẹ (khung gỗ/sắt, vách, mái tôn), dưới là thùng phuy nhựa/sắt để khi nước dâng cao đến đâu, nhà nổi đến đấy.

Dự án do một đội ngũ bao gồm các mạnh thường quân và các tình nguyện viên đến từ tổ chức, công ty, sinh viên đại học… Mục tiêu dự án hướng đến là xây dựng những ngôi nhà có thể an toàn qua mùa lũ ở các vùng nhiều thiên tai, lũ lụt. Trước mắt, nhà phao chống lũ sẽ được hỗ trợ cho bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi… Đây cũng là một dự án từ thiện xã hội có tính ứng dụng cao, có thể giúp người dân một cách căn cơ, lâu dài, trong nhiều mùa lũ…

Nhìn rộng ra, việc làm từ thiện hiện nay đang được xã hội hóa một cách mạnh mẽ, phổ biến. Tuy nhiên, với tình trạng người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính bài bản sẽ dễ xảy ra những tình trạng tiêu cực, lãng phí. Làm thế nào để hoạt động từ thiện có chiều sâu, có tác động đến cộng đồng một cách tích cực, bền vững là một câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ.

Đọc thêm