Làng cổ Cự Đà im lìm bên dòng sông chết

(PLO) - Làng cổ Cự Đà (thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nằm bên dòng sông Nhuệ là ngôi làng có điện thắp sáng đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ, được đánh số nhà rất hiện đại và khoa học, có đồng hồ treo ở giữa cổng làng để người dân tiện theo dõi giờ giấc. Tuy nhiên, ngôi làng từng được đánh giá là văn minh nhất nhì quê Lụa hiện đang kêu cứu…
Nhiều biển số nhà được đánh cách đây từ hơn 100 năm vẫn được lưu giữ
Nhiều biển số nhà được đánh cách đây từ hơn 100 năm vẫn được lưu giữ 
“Quả cầu sáng” đầu tiên của tỉnh Hà Tây (cũ)
Theo trí nhớ của các bô lão làng Cự Đà thì làng được sử dụng điện từ những năm 1930 của thế kỷ trước, năm mà đời sống của người dân nhiều nơi vùng Đồng bằng Bắc bộ vẫn còn phải đối diện với giặc đói. Khi ấy, một người trong làng là cụ Vũ Tư Đường, con của một gia đình thuộc tầng lớp tư sản, trong quá trình học tập ở Hà Nội được tiếp xúc nhiều với nền văn minh tiến bộ của phương Tây đã nảy ra ý định mang điện về làng thắp sáng cho người dân. 
Để thực hiện ý định đó, cụ Tư Đường bàn bạc trước với dân làng rồi ra Hà Nội mua các cột đèn đúc bằng gang của Pháp thải bỏ từ Phủ Toàn quyền đang đem bán đấu giá về lắp. Cụ mua được 12 cái, lắp từ cửa nhà cụ qua Miếu Thánh đến chợ,  rồi đến Đình Vật, cứ 50m lại lắp một cái. 
Lắp đặt xong xuôi, cụ thuê máy phát điện của Pháp về, chăng dây, lắp bóng điện. Máy phát điện vừa chạy, điện đã sáng trưng khắp nhà cụ và cả con đường làng. Người dân trong làng nhìn thấy thích thú lắm, trẻ con vui sướng chạy nhảy khắp làng hò reo. 
“Nên nhớ là trong những năm ấy, điện ở tỉnh thành còn là của hiếm, nhiều thị xã ở trung du còn chưa biết điện là gì. Các dinh công sứ còn dùng đèn măng sông, còn dân phố chỉ dùng đèn hoa kỳ, đèn dầu lạc, ấy vậy mà người Cự Đà đã biết dùng đèn điện” - cụ Vũ Văn Thân (82 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã) tự hào cho biết. 
Đến năm 1982, một số cán bộ ở Tỉnh ủy Hà Đông về thăm làng thấy các cây cột đèn đẹp mà bỏ không đã thuyết phục cụ và dân làng cho đem về trang trí ở vườn hoa của tỉnh. Vì vậy mà nay ở Cự Đà chỉ còn lại hai cây cột đèn trồng ở trước Miếu mà thôi.
Cùng với việc thắp điện, các ngôi nhà ở Cự Đà còn được đánh số một cách bài bản để tiện cho việc quản lý. Các ngôi nhà được đánh số lần lượt từ 1 cho đến hết, theo hình chữ U chứ không đánh theo kiểu bên chẵn, bên lẻ như nhiều nơi bây giờ vẫn làm. Những bảng số này được làm bằng sắt tráng men sành. Song song với đánh số nhà, Cự Đà còn làm những tấm bảng khắc rõ tên xóm để ở đầu ngõ cho người dân dễ tìm. 
Làng của những ngôi nhà cổ
Cùng với việc thắp điện, đánh số nhà, tên ngõ, từ sớm Cự Đà đã nổi tiếng là một ngôi làng sở hữu nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 – 200 năm. Những ngôi nhà cổ này mang kiến trúc đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc bộ, ngói mũi hài, cột gỗ lim, các hoa văn trên gỗ được chạm khảm cầu kỳ, tinh xảo, ngoài ra còn có những ngôi nhà cổ hai tầng mang kiến trúc kiểu Pháp nằm dọc đường làng. 
Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà cho biết, hiện tại trong làng có khoảng hơn 500 nóc nhà thì có đến gần 100 nhà cổ, những ngôi nhà cổ mang kiến trúc Pháp có khoảng 20 căn. Tuy nhiên, đa số chủ nhân của những ngôi nhà này đều không còn sống ở làng mà định cư ở nước ngoài. Hiện ở Pháp còn có một ngôi làng toàn người Cự Đà sinh sống. 
Sau khi rời làng ra nước ngoài, một số người quay về bán lại ngôi nhà của mình cho người khác, số khác trước khi đi nhờ họ hàng trông hộ nhưng không quay về nữa. Một trong những ngôi nhà còn lưu giữ lại được những nét cổ kính nhất là nhà ông Trịnh Thế Sủng ở xóm Đồng Nhân Cát. Theo niên đại ghi trên nóc nhà là năm 1864 thì đến nay ngôi nhà của ông Sủng cũng đã được 151 tuổi. Nhà được xây 5 gian với 35 cột gỗ, nhà trên, nhà dưới ngăn cách nhau bằng một khoảng sân. 
Ngoài kho tàng về nhà cổ, Cự Đà còn có chùa, miếu, nhà văn chỉ, nhà thọ từ, nhà hội đồng cũng có niên đại như thế. Một số công trình còn được xếp hạng là Di tích quốc gia. Đáng chú ý, ở Cự Đà vẫn còn Đàn Xã tắc làm bằng đá xanh được xây dựng vào đầu thế kỉ 20 để người dân tế lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa.
Sở dĩ làng trù phú, phong lưu vì trước đây nhờ nghề làm tương, làm miến và dệt lụa. Địa thế của làng nằm ven dòng sông Nhuệ khiến cho việc giao thương buôn bán được thuận tiện và nhanh chóng. Dòng sông Nhuệ khi ấy còn là trung tâm của nguồn sống khi hàng năm cung cấp một lượng lớn thủy sản cho người dân ven bờ. 
Sản phẩm từ nghề truyền thống đã có, giao thông đường thủy thuận lợi cộng với bản chất nhanh nhẹn, tháo vát của mình, người Cự Đà từ sớm đã giao thương buôn bán với người nước ngoài khiến cho bộ mặt kinh tế của Cự Đà ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tiếc là sau nhiều năm, dòng sông Nhuệ thơ mộng mát lành ngày nào đã biến thành một dòng sông chết vì ô nhiễm. Sông Nhuệ chết, người nơi khác vì thế mà ít biết đến Cự Đà. Sự sầm uất, náo nhiệt ngày nào đã chỉ còn trong dĩ vãng… 

Đọc thêm