Làng hoa Tết Phú Mậu xác xơ vì lũ

(PLO) - Những ngày này, nhiều hộ dân trồng hoa ở làng hoa Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đang canh cánh nỗi lo trước nguy cơ mất mùa hoa Tết, khi chỉ còn hơn mười ngày nữa là đã đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Nhiều hộ nông dân ở  xã Phú Mậu trắng tay vì hoa mất mùa
Nhiều hộ nông dân ở xã Phú Mậu trắng tay vì hoa mất mùa

Từ lâu, làng hoa Phú Mậu (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) được nhiều người biết đến bởi hoa đẹp, bông to, nhiều chủng loại, lâu tàn… Nhiều năm nay làng hoa này đã khẳng định thương hiệu, uy tín, đáp ứng một phần đáng kể về nhu cầu sử dụng hoa của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Những vườn hoa xơ xác
Những vườn hoa xơ xác

Những năm gần đây, cuộc sống của bà con Phú Mậu phất lên nhờ trồng hoa. Hàng năm, mỗi gia đình thu được từ 10 đến 30 triệu đồng, tùy theo số lượng, chất lượng và đầu ra của hoa. Vụ hoa tết năm nay, tại đây có hơn 2.000 hộ tham gia trồng hoa cúc, tuy lip, hoa ly, đồng tiền,  phong lan ngoại, vạn thọ, hoa hồng... và hơn 10  hộ trồng cây cảnh các loại cung cấp cho thị trường với tất cả hơn 13 ha.

Bằng thời điểm này so với các năm trước, làng hoa Phú Mậu đã có hoa cúc, hoa ly... để bỏ cho các shop hoa ở TP Huế. Còn năm nay, liên tiếp các đợt lũ lớn vừa qua đã khiến phần lớn diện tích trồng hoa bị ngập nặng và hư hại. Đặc biệt, sau mưa lũ, nhiều vườn hoa đã bị mắc các chứng bệnh như thối gốc, lở cổ rễ, vàng lá… khiến cây phát triển èo uột và nguy cơ không kịp nở hoa dịp Tết rất cao.

Một số loài hoa sống sót sau lũ
Một số loài hoa sống sót sau lũ

Hơn 20 hộ dân trồng hoa cúc tại đây hầu như mất trắng. Trên cánh đồng khoảng 1ha với hơn 1 vạn gốc cây giờ đây hoang tàn xơ xác.Với quan niệm “còn nước còn tát”, người dân đang từng ngày, từng giờ bám vườn chăm sóc cây, bón phân, phun thuốc… nhằm hi vọng phục hồi “thể lực” cho hoa. Họ mong sao vớt vát, cứu sống được số hoa còn lại để thu lại vốn.

Nhiều nông dân trồng hoa đang phải tính đến phương án bù lỗ từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng cho một vườn hoa. Chỉ những loại hoa khác như hoa ly, lan phong ngoại… ươm ở vùng đất cao hơn nên không bị ngập úng mới may mắn ít bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Công Tân (54 tuổi, xã Phú Mậu) ngao ngán thở dài: “Gia đình tui có kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa Tết, nên từ tháng 10 âm lịch, vợ chồng tui đã bỏ vốn gieo giống trồng 20 nghìn cây hoa các loại như hoa đồng tiền, hoa cúc, vạn thọ, xác pháo... Tuy nhiên, thời tiết năm ni quá bất thường, những đợt lũ vừa qua đã cuốn đi tất cả, đến chừ sát Tết rồi mà cây hoa sinh trưởng rất èo uột và chưa kịp nở nụ.

Cả gia đình tui như ngồi trên đống lửa, bởi khả năng thua lỗ khoảng 100 triệu đồng tiền vốn trong vụ hoa Tết năm ni là rất lớn”.

Cả vườn hoa nhưng chỉ có vài đóa hoa cúc mọc rải rác
Cả vườn hoa nhưng chỉ có vài đóa hoa cúc mọc rải rác

Ông Dương Quang (xã Phú Mậu) cũng than thở: “Hơn 2/3 trong số 9.000 cây hoa cúc vàng của gia đình tôi đã bị thối rễ và chết sau đợt mưa lũ kéo dài cuối năm rồi. Số còn lại thì sinh trưởng èo uột, không kịp ra hoa dịp Tết được, năm ni không còn hoa để bán Tết rồi. Mọi vốn liếng đều dồn vào lứa hoa vừa rồi hết, nếu thuận lợi cuối năm sẽ thu về 10 – 15 triệu, có cái để trang trải sắm tết. Giờ mất hết, gia đình tôi chừ không biết lấy chi ăn Tết đây”.

Cùng thời điểm này năm ngoái, rất đông thương lái từ khắp nơi đổ về các cánh đồng trồng hoa tại làng hoa Phú Mậu để xem và đặt cọc mua hoa bán tết. Còn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều nông dân trồng hoa cho biết hầu như không có hoa để bán, thi thoảng chỉ có vài người đến xem hoa, nhưng thấy nhiều loại hoa chết gần hết, chỉ còn lèo tèo vài cây còi cọc nên họ cũng bỏ đi hết.

Những cánh đồng hoa tiêu điều
Những cánh đồng hoa tiêu điều

Theo dự báo của giới trồng hoa, năm nay thị trường hoa Tết sẽ biến động theo xu hướng tăng giá và hút hàng bởi nhiều làng hoa trong tỉnh bị hư hại do mưa lũ. Tuy lượng hoa ở Phú Mậu cung cấp cho thị trường sẽ không nhiều so với những năm trước, nhưng khả năng giá hoa tăng cao nên bà con trồng hoa vẫn hy vọng.

Đọc thêm