Làng 'kỷ lục' về 'sâu rượu'

(PLO) -Dù làng đã được xếp vào những thôn nghèo nhất huyện, quá nhiều trẻ con nheo nhóc bỏ học, nhưng những bậc làm cha làm mẹ ở làng Đê Bơ Tứk (xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn cứ… nhậu suốt đêm ngày. 
Người dân làng Đê Bơ Tứk uống rượu suốt ngày đêm
Người dân làng Đê Bơ Tứk uống rượu suốt ngày đêm

Bán nương rẫy, trâu bò… mua rượu

Làng Đê Bơ Tứk chủ yếu là người dân tộc Jarai và Bana sinh sống. Nhà cửa ở đây đa phần là nhà tạm lụp xụp, hiếm hoi lắm mới thấy một căn nhà gạch. Gặp mấy người phụ nữ đang gùi củi về nhà, chúng tôi hỏi chồng con ở đâu mà phải đi làm một mình, họ đều chung câu trả lời: “Nó đi uống rượu trong làng rồi”.

Theo sự chỉ dẫn của các bà vợ, chúng tôi tìm đến căn nhà xập xệ nằm sau lưng lớp mẫu giáo của làng. Một nhóm 6 người trong đó có 5 người đàn ông, 1 người đàn bà đang ngồi túm tụm uống rượu. 

Thấy có người lạ ghé thăm, một người đứng dậy chạy ra kéo vào nhà. Sau khi uống 3 ly làm luật để nhập tiệc, chúng tôi hỏi tên chủ nhà, được một thanh niên tự giới thiệu tên là Đinh Rang (32 tuổi). 

Anh Rang cho biết, hai vợ chồng cưới nhau đã lâu mà không có con. Nhà cũng chỉ có 2 đám ruộng, thu hoạch đủ ăn khoảng 1 tháng. Thỉnh thoảng anh có đi rừng để kiếm củi, thời gian còn lại ở nhà uống rượu.

“Có khi uống nhiều ngày liên tục, cứ say ngủ xong dậy lại uống tiếp. Bây giờ tay run luôn rồi. Vợ mình cũng biết uống đấy, nó già hơn mình, uống rượu nhiều hơn cả mình nữa”, anh Rang nói như khoe.

Được mệnh danh là “sâu rượu” trong làng, anh Đinh Rinh (41 tuổi) nốc xong một ly cười sảng khoái, để lộ hàm răng đã gãy hết hàng cửa. Anh kể: “Hôm nhậu từ sáng tới chiều, say quá mình ngã từ cầu thang nhà sàn xuống, mặt đập vào cây gỗ, gãy mất 3 cái răng bên trên và 3 cái răng bên dưới”.

Ngoài gãy mất bộ răng cửa, anh Rinh bị bệnh gan, đau nằm mấy tháng liền không làm rẫy được. Vậy mà, hễ ai gọi đi uống rượu là tới ngay với lý do uống cho đỡ đau. Anh bảo không có tiền nên không đi khám bệnh, cứ để đó rồi bệnh tự khỏi. Chỉ cần 1 lít rượu, vài con cá khô là không cần bác sĩ làm gì.

Chị H’Van (39 tuổi), người phụ nữ từng được mệnh danh là “sâu rượu” của làng Đê Bơ Tứk thật thà nói đã cai bớt, bây giờ không say xỉn, không rượt chồng như trước nữa. Bây giờ, mỗi ngày chị chỉ uống 7.000 đồng tiền rượu. Chị không uống ban ngày nữa mà chỉ uống từ 19 đến 21h rồi đi ngủ.

Dường như người dân nơi đây ai cũng biết uống rượu. Họ cho rằng men rượu giúp mình hạnh phúc và thể hiện được bản lĩnh. Chỉ cần vài chai nhựa đựng rượu uống không, hoặc khá hơn thì quả xoài, vài món nhắm là người ta có thể ngồi lê la cả buổi. Rồi đến ngày hôm sau các “đệ tử lưu linh” không thể lên nương bởi chén chú chén anh hôm trước. 

Bà H’Lia, chủ một tiệm tạp hóa trong làng Đê Bơ Tứk cho biết, mỗi ngày quán của bà bán hơn 20 lít rượu. Ngày cưới xin, lễ hội, số lượng rượu bán ra có thể đến hàng trăm lít. Cứ sáng ra mở cửa là có người đến mua, nhiều người uống say nằm ra ngủ, chiều dậy uống tiếp. Mà trong làng có hơn chục quán tạp hóa bán rượu như thế.

“Những quán tạp hóa ở làng luôn sẵn rượu để cung cấp. Không có tiền mua rượu, chúng tôi có thể cho nợ, cấn trừ một vài thứ rau củ cũng như sản phẩm từ rừng. Họ cứ uống say, trưa ngủ rồi chiều tỉnh lại đi mua rượu uống tiếp. Làng này không có gạo cũng được chứ hết rượu, không chịu được đâu”, bà H’Lia cho biết.

Đa số nhà trong làng chỉ được che chắn tạm bợ vì nghèo đói
Đa số nhà trong làng chỉ được che chắn tạm bợ vì nghèo đói

Đói nghèo, bệnh tật, thất học

Theo thầy Bùi Trung Kỳ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Đăk Jơ Ta, quanh năm khi nào cũng thấy người dân trong làng Đê Bơ Tứk uống rượu. Hàng năm, số học sinh của trường bỏ học chỉ vì xấu hổ không dám đến trường do cha mẹ say xỉn, nhà nghèo nhiều không đếm xuể. 

“Không biết tình trạng này bao giờ mới chấm dứt dù các thầy cô giáo ở trường đã nhiều lần đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Thấy thầy cô đến trước cửa nhà, học sinh chạy trốn ra cửa sau, còn cha mẹ các em thì đã say nghiêng ngả hết cả rồi không quan tâm đến chuyện học hành của con cái”, thầy Kỳ cho biết.

Ông Lê Hồng Tá - Trưởng trạm Y tế xã Đăk Jơ Ta, cho biết: “Trong những đợt tuyển thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, các làng khác đều đạt. Nhưng riêng thanh niên làng Đê Bơ Tứk không ai trúng tuyển do uống nhiều rượu, thể chất suy yếu, còi cọc, không đạt tiêu chuẩn. Số người ốm đau, bệnh tật do rượu gây ra ở làng Đê Bơ Tứk cứ ngày càng tăng”.

Theo ông Đinh Văn Trứ - Chủ tịch UBND xã Đăk Jơ Ta, cả xã có 630 hộ, 2.773 khẩu với 4 thôn làng. Trong đó, làng Đê Bơ Tứk là làng nghèo nhất, với 139 hộ thì có 129 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo và 6 hộ mới thoát nghèo được vài năm. Mỗi năm, ở đây có hàng trăm vụ tai nạn xe máy do say rượu. Hàng năm, chính quyền xã đều tổ chức tập huấn nhiều cách nhằm giúp bà con nơi đây thoát nghèo như chương trình tập huấn làm nông nghiệp, giải thích tác dụng xấu của rượu, hướng dẫn cách trồng lúa, ngô.

“Có lần khuyến nông huyện đã xuống tận nơi cầm tay chỉ việc. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức, phong tục tập quán và đất bạc màu khiến người dân vẫn bị cái nghèo đeo bám. Nhiều khi tổ chức họp thôn, cán bộ xã xuống thông báo nhưng chỉ vài người tới dự. Lát sau, cán bộ quay lại thấy nhiều người đã say, chân đi xiêu vẹo. Như vậy, việc tuyên truyền, vận động không uống rượu gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trứ cho biết.

Chia tay những “con sâu rượu” làng Đê Bơ Tứk, chúng tôi thấy có những vạt rẫy lúa chín vàng ươm đang cần người thu hoạch, thế nhưng chẳng mấy ai thu hoạch. Trên đường đi vào làng, mấy thanh niên đã uống rượu mặt đỏ ửng, kẹp ba, kẹp bốn trên những chiếc xe máy chỉ còn trơ mỗi khung, phóng vèo vèo. 

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần vào cuộc hơn nữa để người dân nơi đây nhận thức được những hệ lụy đáng buồn của rượu. Đặc biệt là tương lai của những đứa trẻ đang trở nên mịt mờ vì những bậc làm cha làm mẹ suốt ngày chỉ biết lao đầu vào men rượu.

Đọc thêm