Lặng người nghe con trẻ hát ru...

(PLO) - Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” có đặt một câu hỏi rằng: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ, mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?”. 
Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Câu hỏi đó tưởng như giữa xã hội hiện đại này với những bà mẹ nuôi con bằng bình, ru con bằng nhạc trẻ loa đài đã bị lãng quên, không có câu trả lời. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, bởi “Lời ru từ mẹ sang con/ Từ con sang cháu mãi còn à ơi” là điều tôi đã được thấy.

Tại Liên hoan Hát ru tỉnh Hải Dương diễn ra ngày 16/10, trong đội hình của 12 huyện đi thi có rất nhiều thí sinh nhỏ tuổi. So với các thành viên trong đội, các em chỉ nhỏ về tuổi đời, non về chất giọng chứ không hề có sự khác biệt trong độ ngọt của câu hát. “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” – bé Nga 11 tuổi, Đội huyện Ninh Giang đã lấy được xúc cảm của khán giả khi em cất lên những lời ru đằm thắm này. 
Nga đi thi cùng mẹ, trước hội thi tỉnh cả hai mẹ con đã đứng đầu vòng thi huyện. Từ nhỏ, Nga lớn lên trong lời ru ầu ơ của mẹ, để đến một hôm nghe Nga hát hết một bài hát ru, mẹ em ngỡ ngàng, xúc động và quyết định dạy con hát. 
Còn Thu Hương là một cô bé thoạt trông rất hoạt bát, nghịch ngợm, có vẻ như không hợp với làn điệu ru mượt mà. Vậy mà khi em cất lời hát, khán giả lặng đi. “Con được chọn đi thi vì ở trường con toàn hát ru cho các bạn nghe, con biết hát từ nhỏ, đến 10 tuổi thì hát thành thạo những bài ru dài, nhiều làn điệu, con hay hát ru em” – Hương cho biết. Điều thú vị ở chỗ, mặc dù cả bố mẹ đều biết hát ru nhưng chính bố là người ru Hương nhiều nhất, dạy Hương hát và đích thân đưa Hương đi thi…

Cảm xúc của tôi cũng như nhiều khán giả có mặt ở Liên hoan Hát ru hôm đó là nổi da gà khi những làn điệu ru đầu tiên cất lên. Lời ru như một cánh cửa mở về quá khứ, tự dưng thấy mình nhỏ lại, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ những tháng ngày êm đềm bên cha, bên mẹ, giông bão cuộc đời như chưa hề chạm tới. Và để rồi từ đó đau đáu câu hỏi ở trong lòng rằng liệu những câu hát ru còn sống được bao lâu nữa nếu như những em bé không còn được nghe tiếng ru của bà, của mẹ, của chị.

Cuộc sống quá bận rộn, phương tiện truyền thông thừa mứa khiến người lớn bị quay cuồng trong nhịp sống hối hả, không còn bình tâm để đưa con trẻ vào giấc ngủ êm đềm qua lời ru nữa. Biết vậy mới thấy trân trọng và cảm phục những nỗ lực bảo tồn hát ru của những người làm công tác gia đình văn hóa ở tỉnh Hải Dương, để những câu ru luôn vang lên trong các gia đình, để người ru và những làn điệu ru không bị rơi vào quên lãng. 
Bởi rằng, những câu hát ru chính là những bài học đầu đời mà các thế hệ mẹ Việt Nam đã truyền lại cho mai sau. Bởi rằng, “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết những lời mẹ ru”

Đọc thêm