Lạng Sơn tiêu điều sau lũ

(PLO) - Ít ai ngờ dòng Kỳ Cùng vốn tô điểm cho thành phố Lạng Sơn và xóm núi thêm xinh đẹp, sau cơn lũ ảnh hưởng bởi bão số 2 vừa qua lại “làm mình làm mẩy”, đẩy nhiều hộ dân vào cảnh “màn trời chiếu đất”…
Những cánh đồng lúa bị tàn phá sau lũ
Những cánh đồng lúa bị tàn phá sau lũ
Đã lâu lắm rồi, những hộ dân phố núi này mới lại phải chạy nhà, chạy đồ và chạy cả cơ ngơi mà phải khó khăn lắm họ mới gây dựng được. Giặt lại mấy chiếc áo, phơi lại những chiếc màn đã hoen ố màu phù sa và phủi bụi hai, ba chiếc đệm kịp ôm đi khi chạy lũ, anh Hoàng Quang Minh vẫn chưa hết bàng hoàng kể về đêm lũ kinh hoàng ấy: “Đã lâu lắm rồi, Kỳ Cùng mới có lũ lớn thế này. Hai bên quốc lộ 1A đỏ ngầu vì nước sông dâng lên. Lũ về nhanh nhưng may tôi vẫn còn ôm được vài thứ cho mấy đứa nhỏ. Lũ rút hẳn rồi tôi mới dám về nhà”. Cùng cảnh ngộ với anh Minh là hàng chục hộ dân ven quốc lộ 1A, đoạn qua xã Com Pát, Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. 
Trong cơn lũ dâng cao, con đường 1A hàng ngày chắn ngang tầm mắt họ lại trở thành con đê cứu sống cả chục gia đình trong cơn bĩ cực. “Đồ đạc giá trị đi lên trước, gà vịt theo sau rồi cả gia đình ôm nhau sống trên đường đợi cho hết nước mà về” -  một người dân kể.
Đời sống người dân Lạng Sơn vẫn chưa ổn định sau lũ
Đời sống người dân Lạng Sơn vẫn chưa ổn định sau lũ
Chia tay những hộ dân ở xã Com Pát, Mai Pha, chúng tôi tiến sâu vào những địa bàn khác cũng chịu ảnh hưởng của cơn lũ lịch sử ở Lạng Sơn. Xơ xác, tiêu điều là những gì còn sót lại sau cơn “đại hồng thủy” này. Khu vực quanh thành phố Lạng Sơn nước đã rút nhưng hậu quả của nó vẫn vương đầy mặt phố. Rác hữu cơ, xác động vật chết, bùn đất và nhiều chất bẩn tích tụ mọi nơi, đặc biệt là các chợ đầu mối. Những con đường nay trở thành những bãi rác bất đắc dĩ. Người dân nơi đây chỉ còn cách thu rác thải để chờ xử lý.
Dọc quốc lộ 1A, xuôi theo Chi Lăng về thị trấn Đồng Đăng đâu đâu cũng thấy không khí khẩn trương. Không phải vì người dân chạy lũ mà tập trung “chạy lúa”. Lũ về nhanh quá, những hộ thu hoạch trước thì lo phơi lại số lúa bị ướt. Còn lại họ đổ ra đồng mà cứu lúa. Những ruộng lúa bình thường uốn lượn xung quanh chân núi như dải lụa mềm, sóng sánh theo gió, giờ tả tơi oằn mình trong  nước bùn. Chỉ còn cách phải gặt nhanh, thu nhanh để vớt vát hạt nào hay hạt ấy, không sẽ chịu mất trắng.
Cầm những bông lúa ướt sũng nước bùn, anh Ngô Thế Hùng khóc dở, mếu dở, xót xa bởi lúa đang độ chín mà gặp lũ dữ. Thu nhanh thì không có chỗ phơi vì ruộng vườn, nhà cửa còn ngập trong bùn lầy. Nhưng nếu không thu thì ngày mai, ngày mốt lúa nảy mầm, công sức cả năm làm lụng vất vả “đi tong”. 
“Cảnh ngộ” của anh Hùng cũng là tình cảnh chung của rất nhiều hộ dân ở thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Chi Lăng và nhiều địa phương khác, nơi sông Kỳ Cùng chảy qua. Xác động vật chết, chất hữu cơ phân hủy ngập trong bùn lầy có ở khắp nơi. Môi trường ô nhiễm và thiếu nước sạch sau lũ là một thực tế đáng báo động ở Lạng Sơn. Nhiều hộ dân ngoại thành phải đi rất xa mới có nước sạch, thậm chí phải mua nước sạch để dùng trong mấy ngày này. 
Các ngành chức năng Lạng Sơn đã nhanh chóng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế Lạng Sơn đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn bị ảnh hưởng bởi lũ phun thuốc chống uế, khử trùng, phân phát phèn miễn phí giúp người dân lọc nước... Lạng Sơn đang làm tất cả những gì có thể để đưa cuộc sống của người dân trở lại với nhịp độ bình thường. 

Đọc thêm