Làng thuần nông quanh năm… sạch như Tết

(PLO) - Đến thôn này, đi trên đường làng hay ngõ xóm, mọi người có thể thong dong ngắm cảnh mà không lo giẫm phải “mìn” do các loại gia súc, gia cầm thải ra như ở nhiều nơi khác. Vài trăm nhà trong thôn, từ nhà giàu đến nhà nghèo, nhà nào cũng rất sạch sẽ, gọn gàng. Đó là thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội).

Cấn Hạ có nhiều bến nước sạch đẹp với những cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi.
Cấn Hạ có nhiều bến nước sạch đẹp với những cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi.
Quanh năm sạch như Tết
Sáng nào chị Nguyễn Thị Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cấn Hữu cũng dậy sớm. Chuẩn bị xong bữa sáng cho cả nhà là chị mang bộ ấm chén ra cọ rửa. Tiếp đó, chị lau chùi bàn ghế, đồ đạc, rồi quét nhà, quét sân và trước cổng. “Tôi ở thôn khác lấy chồng về đây, ngày nào cũng phải làm như vậy theo nếp sống của gia đình chồng, lúc đầu cũng thấy khó chịu và rất ngại nhưng dần dần cũng quen. Bây giờ thì thấy bẩn tý là tôi cũng không chịu được” - chị Minh tâm sự. 
Theo chị, thật ra công việc này cũng rất nhẹ nhàng và tốn ít thời gian do ngày nào cũng được duy trì, mọi người trong nhà ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh. Ngay cả chồng chị - anh Hoàn là sỹ quan quân đội cũng rất chịu khó. Thứ Bảy nào về nghỉ, anh cũng dành 30 phút lau án gian (bàn thờ) nên dù đã mua mấy năm nhưng nhìn vẫn như mới. 
“Án gian có rất nhiều chạm trổ chi tiết, rất dễ bắt bụi, nếu không lau thường xuyên sẽ rất bẩn. Công việc này đòi hỏi kiên trì và tỉ mỉ nhưng nhìn bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng sạch sẽ, ấm cúng, lòng tôi rất vui và thanh thản” - anh Hoàn chia sẻ. 
Ông Nguyễn Sơn (67 tuổi, bố chồng chị Minh) cho biết: “Bây giờ nếu có mất điện vào buổi tối vẫn có thể lấy được các vật dụng trong nhà dễ dàng vì ai làm xong, dùng xong cũng để vào đúng vị trí. Không chỉ nhà tôi mà nhà nào trong thôn cũng vậy. Khách vào các nhà trong làng không có chuyện được mời nước mà không dám uống vì chén bẩn hay giẻ lau cáu bẩn. Ở làng này, bàn ghế, ấm chén, giẻ lau lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm”.
Ông Sơn cho biết thêm, mùa gặt thì người dân xử lý lúa ngay tại đồng. Chính vì vậy, đường làng những ngày vụ gặt vẫn sạch sẽ, thoáng đãng, không còn tình trạng phơi lúa đầy đường như những năm trước. 
Điểm đặc biệt tại Cấn Hạ, người dân luôn giữ được môi trường và những cảnh quan di tích nguyên trạng từ xa xưa. Ông Sơn dẫn phóng viên đi xem hàng cây lộc vừng hàng trăm tuổi của Cấn Hạ. Ngay tại cổng đình, hai cây lộc vừng có thân to chừng 3 người ôm được trồng và chăm sóc chu đáo. Người dân còn be bờ và tạo nên điểm hấp dẫn khi giữa hồ nước lại cho hai cây lộc vừng to và cổ kính.
Cảnh quan cổ kính, thanh bình của làng.
Cảnh quan cổ kính, thanh bình của làng.
Những hàng lộc vừng chạy ven con sông Tích vắt qua thôn tạo điểm nhấn, như một dải lụa xanh mềm mại, giúp người dân và du khách có những chỗ nghỉ chân thơ mộng và mát mẻ trong ngày hè oi bức.
“Trong mùa xuân, hàng lộc vừng trăm tuổi này với những lộc non còn giúp người dân nơi đây có thêm món ăn với tép. Những nụ non của lộc vừng đã trấn được vị tanh của tép, tạo cảm giác bùi và đậm đà của món gỏi thôn quê. Đúng như câu ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” - ông Sơn tâm đắc.
Tạo sự đồng thuận với chính quyền
Làm việc với lãnh đạo thôn Cấn Hạ, chúng tôi càng hiểu được lý do vì sao môi trường và cuộc sống nơi đây lại tốt đẹp như vậy. Trưởng thôn Bùi Đào Hoàng – nguyên cán bộ tổ chức của Cty Bê tông Xuân Mai, đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn rất hăng hái với công việc của quê nhà. 
“Tôi nghỉ hưu về quê. Tháng 2/2009, tôi được bà con tín nhiệm bầu lên làm trưởng thôn. Trót nhận nhiệm vụ “người vác tù và hàng tổng”, tôi đã tâm niệm phải làm được cái gì cho quê hương mình” - ông Hoàng nhớ lại. 
Làng lưu giữ được nhiều cảnh quan di tích nguyên trạng từ xa xưa.
Làng lưu giữ được nhiều cảnh quan di tích nguyên trạng từ xa xưa.  
Một trong những thành công nhất của Cấn Hạ thời ông Hoàng làm trưởng thôn là việc quy hoạch được hệ thống xử lý rác sinh hoạt. Nơi thôn quê, việc xử lý rác vốn bị xem nhẹ nên dẫn đến tình trạng rác tồn ứ và làm ô nhiễm môi trường, nước bẩn ngấm vào nguồn nước giếng khoan ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Thông qua vận động và ký cam kết, đồng thời được sự hỗ trợ của chính quyền cấp xã và huyện, ông Hoàng đã cho xây dựng một khu vực đổ rác tách biệt khỏi khu dân cư, tránh ô nhiễm.
 “Hàng tháng, mỗi hộ dân trong thôn đóng không quá 10.000 đồng cho đội thu gom rác thải, gồm những phụ nữ gương mẫu của từng ngách, xóm trong thôn. Kinh phí thu được tôi không chia cho cá nhân mà để giúp cho các hội viên nữ làm vệ sinh đi du xuân hàng năm, qua đó động viên tinh thần của chị em” - ông Hoàng cho biết.
Toàn thôn có 515 hộ, hơn 2200 nhân khẩu, chia làm 4 xóm. Theo lãnh đạo thôn, năm 2013 thôn có 97% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 2% so với năm 2012; tỷ lệ bê tông hóa đường trong thôn đạt tới 90%, đường điện các các tuyến đường luôn được đảm bảo, mỗi xóm được chia ra nhiều ngách để đảm bảo công tác vệ sinh chung. 
Một trong những nét mới ở Cấn Hạ là chính quyền và người dân đồng lòng bảo quản hồ ao. Ông Hoàng cho biết, tận dụng nguồn nước ở các ao, hồ trong thôn, chính quyền bước đầu tạo điều kiện để các cá nhân đấu thầu nuôi cá tự nhiên (không dùng thức ăn công nghiệp để đảm bảo nguồn nước). Chính vì vậy, các hồ trong thôn đều trong xanh mát mẻ. Xung quanh các hồ, thôn đã cho xây dựng 8 cầu ao để người dân ra hóng mát và nghỉ ngơi ngày nóng nực.
Ông Hoàng còn giới thiệu việc bảo tồn di tích của thôn, đặc biệt là chiếc giếng cổ trước cửa chùa. Theo ông, giếng được xây dựng từ rất lâu và nguồn nước trong vắt, không bao giờ cạn. “Thời gian cải tạo lại cơ sở vật chất cho chùa, chúng tôi cũng ý thức trong việc xây dựng lại thành giếng, vệ sinh cảnh quan. Chính vì vậy, du khách tới đây đều cảm thấy nhiều nét đẹp cổ nơi thôn quê, dù không xa trung tâm Thủ đô là mấy”. 
Sạch sẽ không chỉ để sạch sẽ

Những gì người dân thôn Cấn Hạ đang làm có vẻ giống với 5S - một công cụ cải tiến năng suất chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản. 5S theo tiếng Nhật gồm: Seiri (Sàng lọc những thứ không cần thiết tại nơi làm việc và bỏ đi), Seiton (Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy), Seiso (Sạch sẽ, vệ sinh thiết bị, dụng cụ và nơi làm việc), Seiketsu (Săn sóc nơi làm việc bằng cách luôn thực hiện 3S trên) và Shitsuke (Sẵn sàng giáo dục rèn luyện để mọi người thực hiện 4S trên một cách tự giác). Mục đích của 5S là triệt tiêu sự lãng phí và tăng hiệu suất làm việc.

Toyota là một minh chứng điển hình nhất cho tính mục đích của 5S. Cuốn sách Toyota Way có ghi lại nhiều ví dụ. Điển hình là ở Trung tâm kỹ thuật của Toyota tại thành phố Michigan (Mỹ) - nơi đã thiết kế ra Camry và Avalon. Giám đốc Trung tâm là ông Masaki cứ hai lần một năm lại trực tiếp đến chỗ từng nhân viên và yêu cầu họ cho xem tủ hồ sơ. Ông rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo nó sạch sẽ và được sắp xếp hợp lý.

Toyota có tiêu chuẩn riêng cho việc sắp hồ sơ và giám đốc trực tiếp theo dõi xem nhân viên có “lệch” chuẩn không. Hơn thế, một Phó Giám đốc Trung tâm còn có nhiệm vụ kiểm tra đột xuất hệ thống email của từng nhân viên chỉ để đảm bảo rằng thư từ được sắp xếp hợp lý trong các thư mục và thư cũ phải xóa bỏ.

Đọc thêm