Lãng tử say đắm với hoa đào…

(PLO) - Không biết tự bao giờ, hoa đào gắn với sự chuyển mình của đất trời vào xuân, gắn với những thăng trầm trong lịch sử dân tộc…  Trong tràn ngập hương xuân, bên những luống đào đang cựa mình nảy nụ, có một “lãng tử trồng đào” tên Hồ Việt Hoa đã ca khúc ca say đào, yêu đào ….
Anh Hồ Việt Hoa bên những gốc đào thất thốn
Anh Hồ Việt Hoa bên những gốc đào thất thốn
Là người con của đất đào Nhật Tân, tình yêu mãnh liệt của anh Hồ Việt Hoa với đào cũng là một lẽ đương nhiên như cái tên cúng cơm mà cha mẹ đặt cho anh vậy. 28 năm gắn bó công việc phát hành báo chí nhưng chưa lúc nào anh Hoa gạt bỏ hoa đào ra khỏi tâm thức say mê của mình. Cũng vì thế mà như nhiều người dân làng Nhật Tân khác, anh rưng rưng khi quá trình đô thị hóa và kinh tế thị trường biến ngôi làng thành một khu toàn chung cư biệt thự, buộc người và hoa phải phiêu dạt ra tận ngoài đê sông Hồng.
Chuyến ra đi vì đào giữa đêm tối
Thời gian đó, anh Hoa như người ngơ ngẩn vì đau lòng xót thương cho đào, lúc nào trước mắt anh cũng hiện lên những cánh hoa đào khẩn thiết vùng vẫy, mong được sống tiếp cuộc đời đào hoa. “Không đành lòng nhìn những cây đào cứ chết dần chết mòn như thế, tôi đã quyết định dứt áo lên đường tìm vùng đất mới để cứu hoa. Tôi đã bán căn biệt thự khang trang ở Hà Nội để lấy vốn đi tìm vùng đất mới cho đào Nhật Tân, mặc cho gia đình, bạn bè xì xào bảo tôi bị thần kinh, lập dị” – anh Hoa nhớ lại.
Vào một đêm tối trời của năm 2010, anh Hoa lặng lẽ từ biệt đất Nhật Tân với quyết tâm“nhất định phải tìm bằng được đất cho hoa đào, không thành công không về”. Trên chặng đường bôn ba tìm đất cho đào ấy, rất nhiều địa phương khắp miền Bắc đã in dấu chân người con làng Nhật Tân như: Đại Lải, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Tây cũ), Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương...  
Anh Hồ Việt Hoa hướng dẫn công nhân tỉa lá cho đào
Anh Hồ Việt Hoa hướng dẫn công nhân tỉa lá cho đào 
“Sống rồi đào hoa ơi!”
Đến với đất Bắc Giang, anh Hồ Việt Hoa đã đi khắp tất cả các huyện, để rồi khi đến khu đồi rừng Hố Cấm ở thôn Trấn Sơn, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên đã không kìm được sung sướng mà hét to: “Tìm ra rồi, đây mới chính là đất của đào. Sống rồi đào hoa ơi!”.
Đất ở khu đồi rừng Hố Cấm này là chất đất sỏi mun, thoạt nhìn khô cằn nhưng phía dưới lại ẩm, rất mát đất. Đào là giống hoa thích “tôi luyện trong cực khổ” nên không chịu được đất quá màu mỡ, nhiều nước. Vì thế, khi làng Nhật Tân mất đất, người Nhật Tân ra bãi trồng đào, nhưng đất bãi bồi phù sa quá tốt nên không phù hợp với cây đào, vốn ưa đất cằn, không úng nước.
Bên cạnh chất đất sỏi mun, khu đồi rừng Hố Cấm khí hậu cũng rất ôn hòa, trong lành nên sẽ rút ngắn thời gian trưởng thành của đào, cây đào trồng đất này một năm bằng chỗ khác ba năm. “Biết tin tôi tìm được đất, người làng khăn gói lặn lội lên xem, xúc một xẻng đất, bóp vụn trong tay, nhiều người đã thốt lên: Đây mới là đất trồng đào!” – anh Hoa kể.  
Tìm được đất như mong ước nhưng khó khăn nào đã hết, bởi 4ha đất khu đồi rừng đó vô cùng hoang vu, cỏ mọc cao lút đầu người, rắn rết nhiều vô kể. Đã thế, đường đi lối lại từ quốc lộ vào cũng vô cùng khó khăn để phục vụ cho quá trình xây dựng trang trại trồng hoa.
Người chủ đất cầm 600 triệu tiền bán đất, thay vì vui mừng lại ái ngại mà nói với anh Hoa rằng: “Chắc anh ăn phải gan giời nên mới dám bỏ ra đầu tư một số tiền lớn như vậy vào nơi toàn đá sỏi, đến vải thiều còn chẳng sống nổi huống chi là các loài hoa”. Khi ra làm thủ tục, cán bộ chính quyền vỗ vai hứa: “Nếu mà chú trồng được hoa đào ở đất này, tôi sẽ vái chú mấy vái cảm phục”…
Rượu và si rô đào mỗi năm cũng đem lại nguồn thu đáng kể
 Rượu và si rô đào mỗi năm cũng đem lại nguồn thu đáng kể
Hoa không phụ người
Xuân này, đi giữa những luống đào khoe sắc, anh Hồ Việt Hoa chẳng thể nào quên những ngày tháng một thân một mình, không người quen, không họ hàng, ngày ngày đánh vật với những bụi cây dại, dùng dao, cuốc, xẻng để xới tung những gốc vải thiều đã cằn cỗi, đêm về ngủ trong chòi, rắn rết bò cả vào gầm giường... 
Sau một năm miệt mài, đầu tư gần 10 tỷ đồng và nín thở chờ đợi, anh Hoa đã có thể mỉm cười khi những luống hoa đào đủ loại như đào bích, đào phai, đào bạch, đào Mông Tự, đào Lòng Chai, đào Thất Thốn... nhiều cây đã xum xuê tán. Các loài hoa khác như  hồng, huệ, lan, cúc, hibicus, chùm ngây.. cũng bén rễ và lớn lên từng ngày.
Mùa hoa đào đầu tiên của anh Hồ Việt Hoa ở khu đồi rừng Hố Cấm là Tết bước sang năm 2011, những cành đào tươi thắm được nhiều khách để ý nhưng anh không bán. Tất cả anh đem tặng bà con, cán bộ quanh vùng và họ hàng, láng giềng dưới Hà Nội, để cho mọi người thấy anh đã quyết định đúng và hoa đào không phụ tấm lòng của người yêu hoa.
Có một điều đặc biệt rằng, cây đào ở Hố Cấm ngoài việc cho hoa đẹp còn cho quả “sai như sung”. Một vạn gốc đào mỗi năm cho 8 tấn quả để làm rượu đào, si rô đào. Tết này  cái là  tết thứ tư hoa đào nở trên đất Trấn Sơn, mỗi năm anh Hồ Việt Hoa thu về ngót nghét một tỷ đồng từ bán hoa đào, bán rượu, si rô đào cho tới bán hạt đào làm giống.
Với mong muốn biến Trấn Sơn thành một làng đào Nhật Tân mới, mang lại sinh kế ổn định cho hàng trăm hộ gia đình nghèo nơi đây, anh Hồ Việt Hoa đã tặng bà con trong vùng hàng trăm gốc đào, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa. Nhiều gia đình ở Trấn Sơn đã bước đầu vững vàng trên con đường tạo lập hướng làm ăn mới trên đồng đất quê mình.
… Chia tay, giữa những luống đào rung rinh sắc thắm, anh Hồ Việt Hoa thốt nhiên trầm ngâm nói với tôi: “Mới ngày nào lạ nước lạ cái mà giờ nơi đây đã thành quê hương thứ hai của tôi. Đúng là “Hoa đào thắm đất Nhật Tân/ Đào lên xứ Bắc dừng chân bên đồi/ Bắc Giang ơi! Đã nên duyên/ Đào xanh bén rễ, nối liền hai quê”…./.

Đọc thêm