Làng ven sông Đà

(PLO) - Trước nay, nhắc đến địa danh Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội), người ta chỉ biết đó là nơi tắm nước nóng, cùng mạch nguồn với La Phù, Thanh Thủy (Phú Thọ), đối diện phía bên kia sông Đà. Những ông già nhàn tản ở Thủ đô hàng tuần đi xe buýt lên đây tắm, ăn thịt gà đồi, rau quê rồi lại thong thả đón xe về với con gà làm sẵn, vài bắp ngô non hay rau xanh, bí đỏ làm quà cho con cháu.
Cụm đa 300 tuổi của làng Thuần Mỹ
Cụm đa 300 tuổi của làng Thuần Mỹ
Thuần Mỹ với tôi là thế, nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ khá thú vị. Bữa ấy Noel, trời nắng mà lạnh giá, mấy ông bạn già rủ nhau từ Hà Nội lên tắm “tất niên dương lịch” ở đây. Đang loay hoay tìm góc chụp cụm đa 300 tuổi thì được một người đàn ông trung niên khỏe mạnh, hồng hào mời vào uống nước. 
Trụ sở xã nằm ngay dưới quần thể cây đa xanh tươi, người đàn ông đó là Phạm Văn Sơn - Bí thư kiêm Chủ tịch xã này. Ông Sơn tỏ ra lịch thiệp và dẫn dắt câu chuyện khéo léo. Biết chúng tôi thích cây và quý cây, ông bảo, ở làng ngoài cụm đa này còn cây gạo nghìn tuổi đã bao người đánh tiếng muốn mua nhưng xã nhất quyết không bán, ngược lại, chú trọng chăm sóc, bảo vệ cây, coi như linh mộc của làng xã. 
Thuần Mỹ vốn là xã nghèo, dân tứ xứ quần cư, những người khai sơn phá thạch, lập làng có gốc gác và nguyên nhân của các cuộc biến thiên thời cuộc, nạn nhân của binh đao hoặc bất ổn xã hội. Sông Đà thì thơ mộng và là nguồn sống đấy nhưng hơn chục năm trước, dòng nước đổi dòng, gây xói lở, tý nữa mất làng nếu không có sự tích cực từ cán bộ xã, sự đồng lòng bảo vệ làng xóm của dân và đặc biệt, sự kịp thời của Chính phủ đổ hàng chục tỷ đồng vào đây xây kè ngăn lũ. Đến bây giờ Thuần Mỹ vẫn là nơi sẵn sàng chấp nhận hy sinh bởi là địa điểm phân lũ của Thủ đô.
Thuần Mỹ chưa giàu nhưng cơ bản đã thoát nghèo, năm 2013 chỉ còn 3% hộ nghèo (41 hộ). Thu nhập bình quân đầu người của 6.400 nhân khẩu trong xã đạt hơn 24 triệu đồng một người/năm. Thuần Mỹ đang vững vàng trên con đường xây dựng nông thôn mới, đã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu để đến năm 2014 được công nhận danh hiệu này. 
Bây giờ, đến Thuần Mỹ đang ngổn ngang những công trường xây dựng, xe chở đất của Công ty Bình Minh chạy rầm rập suốt ngày, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng nước nóng, công trình “thế kỷ” đào sông dẫn nước sông Đà vào sông Tích giang đang khẩn trương đào múc với những xe xúc khổng lồ, đình làng 20 tỷ huy động từ vốn xã hội hóa sắp hoàn thành,… diện mạo đất “địa linh, nhân kiệt” đang thay đổi với chiều hướng tốt đẹp.
Vào thăm một gia đình nông dân ở xóm Đồi (ngoài bãi mới là trung tâm xã, nơi tập trung mạch nước nóng ngầm), chủ nhà tên Nam, gần 50 tuổi, đang giữ chức Trưởng khu. Vườn rộng, bát ngát rau xanh, ngô vàng, ao cá. Trong chuồng hơn chục con lợn béo tốt, đàn gà đồi vài chục con sẵn tiếp khách và đón tết. Nhà nằm ngay trên bờ con sông đào đang hình thành trên dòng cũ, chủ nhà bảo khi sông đào sâu hàng chục mét vẫn có củi, rác của đáy sông cũ để lại. Nhà cửa của người nông dân đã lên chức ông ngoại này rất khang trang, tiện nghi đầy đủ, cây cảnh, chim muông đều có, chủ nhân rõ là người biết làm, biết chơi. 
Bà lão mẹ ông Tâm, ngoài bảy mươi tuổi, răng đen nhức, vẫn còn lưu giữ những nét đẹp của cô thôn nữ ngày xưa, tiếp chúng tôi bằng nước cây đinh lăng. Bà kể là cái cây này cắm ở lối đi vào cổng, cho thu hoạch đều đều, mỗi cây 5 năm tuổi người ta mua với giá 300 nghìn đồng. Không ngờ, bà lão có nụ cười đen nhánh này từng giữ chức Bí thư Đảng ủy xã một thời, bà là vợ liệt sĩ, ông hy sinh lúc bà mới 26 tuổi, ở vậy thờ chồng, nuôi con. 
Nhà chồng là dòng trưởng, lại độc đinh mấy đời, giờ thì bà mãn nguyện bên con, bên cháu, đầy đủ, ấm no. Nhân lúc ngắm đàn gà trùng trục, ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã tiết lộ ý định phát triển đàn gà đồi Thuần Mỹ thành thương hiệu để du khách đến đây, sau khi thưởng thức có thể xách mấy con gà về làm quà (sao mà trúng ý chúng tôi thế!?). 
Nhân lúc trà dư  tửu hậu, cảnh vật hữu tình, ông Phạm Văn Sơn cao hứng đọc những bài thơ do ông sáng tác tặng các cụ cao niên. Ông kể là “nhân kiệt” làng này nhiều, các cụ tham gia cách mạng hưu trí khá đông mà cứ có điều gì trái ý các cụ là các cụ kiện cáo liền. Chính vì thế ông mới làm thơ, đọc tặng các cụ mỗi khi hội họp, đề cao đạo lý làm người, tôn  vinh “đức cao, đạo trọng” tuổi già, vận động các cụ góp tâm cùng con cháu xây dựng quê hương. 
Đến nay, toàn xã có 8 câu lạc bộ thơ, các cụ sinh hoạt vui vẻ lắm. Ông còn hát bài “xã ca” âm hưởng của dòng sông Đà ca ngợi Thuần Mỹ trên đường đổi mới. Vị này thật đa tài, không những quảng giao với bên ngoài mà dân vận bên trong cũng thật khéo. 
Ở Thuần Mỹ, không phải mọi việc đều thuần phác và mỹ mãn. Ví dụ như vận động nhân dân góp tiền của và công sức xây dựng để đạt các tiêu chí nông thôn mới, dân tích cực nhưng “trên” còn “nợ dân” nhiều, hứa rồi để đấy. Ngay cái hậu quả phân lũ mà dân phải gánh chịu, “trên” cũng chưa nghĩ ra phương án để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra. Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu trông vào sức dân và xã hội hóa, một số dự án đầu tư vào xã triển khai chậm…
Dẫu sao thì làng bên sông Đà đang thay da, đổi thịt, khởi sắc từng ngày. Rừng thiêng, đại thụ vẫn tồn tại bên dịch vụ tắm nóng, biệt thự tân kỳ cũng như bản sắc văn hóa truyền thống và tâm linh vẫn hiện diện ở nơi vừa dồn điền, đổi thửa thành công và có đến trên 80% gia đình văn hóa. Thuần Mỹ rồi sẽ đẹp, giữ gìn “ thuần phong mỹ tục”, phát huy “mỹ lý, danh hương”.

Đọc thêm