Lanh Lùng Tám níu chân du khách…

(PLO) - Từ sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Hà Giang, giờ đây Lanh Lùng Tám đã theo chân du khách xuống núi về Hà Nội và đi xa hơn để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một sản phẩm độc đáo thấm đượm văn hóa tinh hoa người Việt…
Chủ nhiệm HTX  Vàng Thị Mai
Chủ nhiệm HTX Vàng Thị Mai
Độc đáo nghề dệt lanh truyền thống
Từ Cổng trời Quản Bạ nhìn xuống, Lùng Tám là một xã nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương bốn mùa mây phủ. Mấy năm gần đây, Lùng Tám là một trong các địa chỉ để du khách tìm về sau khi mãn nhãn với vẻ hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn hay vẻ đẹp hút hồn của núi đôi Cô Tiên…
Ngay sát trụ sở của HTX dệt lanh Lùng Tám là cửa hàng giới thiệu sản phẩm và cũng là nhà riêng của Chủ nhiệm HTX, bà Vàng Thị Mai. Vồn vã như gặp lại người quen, người phụ nữ có vẻ ngoài rất chân chất này nhanh tay lựa chọn cho chúng tôi những chiếc áo đang trưng bày trong cửa hàng và tự tay mặc áo, đội khăn, đeo túi, rồi tất tả chạy vào phòng trong tìm vòng bạc…
Phút chốc chúng tôi trở thành những cô gái Mông thực sự trong cảm giác thích thú, gần gũi…
“Không phải tiếp thị đâu, người dân tộc thật lắm!”- Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quản Bạ, anh Lê Tuấn Quang ghé tai nói nhỏ. “Tôi đặt mỗi cái áo mà mấy tháng nay vẫn chưa được nhận, mà có ít tiền đâu…”- anh Quang cho biết.
Sau một vòng giới thiệu về tổ sản xuất, trong không gian sắc màu thổ cẩm với những tiếng cười rộn rã bên khung cửi, bà Mai bảo: “Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám. Khắp vùng cao Hà Giang chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm. Nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được…”.
Quả thật, để làm ra một sản phẩm không hề đơn giản, phải mất hơn 21 công đoạn mới hoàn thành. Đầu tiên là trồng lanh, sau hơn 2 tháng thu hoạch, lanh được phơi khô để chế biến thành sợi. Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. 
Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột, chỉ còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn và đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. 
Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Sau đó, vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng. 
Tiếp đến là công đoạn nhuộm chàm và công đoạn này cũng lắm công phu. Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Vải được ngâm trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp. 
Quy trình đó được lặp đi lặp lại 5-6 lần mới đem vải đi phơi. 
Khi nào mảnh vải khô, nó lại được mang vào ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 8-10 lần. Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3- 4 ngày là có thể nhuộm xong; nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, khoảng thời gian đó có khi kéo dài tới 2 tháng. 
Điều đặc sắc là tất cả những màu sắc của vải đều được tạo bởi cỏ cây hoa là và các công đoạn được xử lý rất kỳ công nên màu rất bền và luôn cho cảm giác tươi mới. 
“Tuy vất vả là vậy, nhưng chính sự mộc mạc, thủ công này đã tạo nên sự khác biệt và độc đáo của thổ cẩm Lùng Tám…” - bà Mai thổ lộ.
Dệt lanh
Dệt lanh 
Sống dậy làng nghề
Một tấm vải lanh làm ra kỳ công là vậy song sản phẩm làm ra cũng chỉ để may váy áo mặc trong các ngày hội hay lễ, tết truyền thống, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. 
“Ngày ấy bản tôi nghèo lắm. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn trăm bề, phụ nữ chỉ biết lên rẫy và sinh đẻ. Mình làm Chủ tịch hội phụ nữ xã thấy mà buồn, mà xót, cứ trăn trở mãi tại sao vậy trong khi bản mình có nghề dệt truyền thống…”- Chủ nhiệm HTX Dệt Lanh Lùng Tám, bà Vàng Thị Mai nhớ lại. 
Nghĩ là làm, bà vận động bà con trong bản góp vốn (200 ngàn/xã viên) để thành lập HTX nhưng cũng phải mãi 3 năm sau, năm 2001, HTX Dệt Lanh Lùng Tám mới chính thức ra đời, năm 2003 HTX được tiếp thêm nguồn lực khi được vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách. 
Từ 5 xã viên ban đầu rồi tăng dần lên 10, 50 xã viên và hiện con số này là trên 130 người đang tham gia tại 9 tổ sản xuất của HTX.
HTX ra đời song làm thể nào để có thể tiêu thụ được sản phẩm lại là câu chuyện không dễ. “Đầu tiên tôi phải một mình xuống núi, đem sản phẩm về Hà Nội tham gia nhiều hội chợ, giới thiệu sản phẩm…” – bà Mai nhớ lại. 
Sau nhiều năm vật lộn với bộ trang phục người Mông, lang thang khắp các cửa hàng lưu niệm, hàng thủ công, tìm hiểu thị trường và chào hàng, bà nhận ra rằng phải cải thiện chất lượng và đa dạng sản phẩm và thay vì may áo váy truyền thống bà hướng dẫn chị em làm thêm những mặt hàng lưu niệm như khăn, ví, túi xách, váy, quần áo, khăn trải bản, khăn dùng, tấm lót chén…, nên sản phẩm đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. 
Năm 2006, thông qua Hội phụ nữ, HTX Dệt lanh Lùng Tám đã có chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ và được hỗ một phần kinh phí để đưa kỹ thuật nhuộm màu vào sản xuất, tìm các nguồn đặt hàng, đồng thời ký kết với tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp Association Batik International mở lớp hướng dẫn nâng cao tay nghề may, dệt thổ cẩm. 
Sự thay đổi này cùng với tham gia các hội trợ trong nước và quốc tế; hợp tác với tổ chức Craft Link (thông qua Trung tâm Nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du lịch quốc tế..., đã giúp nhu cầu sản phẩm làm từ vải lanh tăng nhanh. 
Không chỉ theo chân du khách, thổ cẩm Lùng Tám còn được các Đại sứ quán Pháp, Nhật, Canada… tìm đến đặt hàng. Bà Mai còn nhớ hồi năm 2013, người của Đại sứ quán Canada đến “nằm vùng” cả tháng trời để hàng ngày theo sát việc thực hiện hợp đồng theo mẫu đặt sẵn của họ, qua đó những xã viên HTX cũng được làm quen với nhu cầu thị hiếu và cách làm việc của bạn hàng. 
Giờ thì lanh Lùng Tám đã có mặt ở Bảo tàng Việt Nam; ở các cửa hàng trên Hàng Ngang, Hàng Gai (Hà Nội); Các nhà hàng, khách sạn như Nikko, Horison…; vào Huế, Sài Gòn, qua cả bên Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Thụy Sĩ… Còn Chủ nhiệm HTX Vàng Thị Mai cùng có nhiều cơ hội được đi nước ngoài để quảng bá sản phẩm và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Từ khi nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, đời sống của bà con Lùng Tám ngày càng khấm khá lên. Đặc biệt, lớp trẻ trong vùng đã bắt đầu tiếp cận và ham thích học nghề, tạo cơ hội mới cho các em có thêm việc làm, phụ giúp gia đình tăng thêm thu nhập. 
Minh chứng cho điều này, chị Lù Thị Vàng (thôn Hợp Tiến) là thợ dệt được 10 năm cho hay, trước kia, cuộc sống của vợ chồng chị và các con rất khó khăn. Nhưng từ khi nghề dệt được khôi phục đến nay thu nhập hàng tháng của chị cũng được trên 2,5 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống gia đình dần ổn định, các con được cắp sách tới trường. 
“2- 3 triệu đồng là số tiền không lớn đối với các tỉnh miền xuôi nhưng ở chỗ chúng tôi, mỗi vụ ngô bán ra chưa được 3 triệu đồng, một năm bán con lợn cũng chỉ 3 triệu đồng, do vậy chị em rất gắn bó với HTX…”- Chủ nhiệm Vàng Thị Mai cho biết.
Du khách bất ngờ với trang phục người Mông khi đến với Lùng Tám
Du khách bất ngờ với trang phục người Mông khi đến với Lùng Tám 
Trăn trở…
Mặc dù lanh Lùng Tám đã được nhiều du khách biết đến và đã vượt biên giới để có mặt ở những kinh đô hoa lệ song Chủ nhiệm HTX Vàng Thị Mai vẫn còn nhiều trăn trở. “Làng nghề đã hồi sinh nhưng sự phát triển của nghề dệt lanh Lùng Tám hiện vẫn mang tính có thêm thu nhập và giải quyết công việc lúc nông nhàn, chưa có tính chuyên nghiệp cao. 
Hơn nữa, sản phẩm bán ra cũng mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng khách du lịch, giới thiệu sản phẩm qua hội chợ, hay “số đỏ” thì bán theo đơn đặt hàng từ các đại sứ quán..., chưa có một chiến lược chủ động nào để mở rộng thị trường ra nước ngoài. Vì thế, trong thời gian tới, rất cần có sự quy hoạch cụ thể để phát triển và mở rộng sản xuất. Có vậy mới có thể vừa bảo tồn bản sắc văn hoá, vừa tạo công ăn việc, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở vùng cao. …”- bà Mai trăn trở.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì những phần việc trong quy trình sản xuất như: sơ chế nguyên liệu, như se lanh, sơ chế cây lanh... theo bà Mai, cần được rút ngắn lại. Trao đổi với chúng tôi, bà Mai mong muốn có sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc cải tiến kỹ thuật, thiết bị sản xuất để vừa tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo được tính độc đáo trong sản phẩm vải lanh của người Mông. 
Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực cũng cần phải đầu tư, sắp xếp lại bởi những mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu và bán cho khách du lịch, nhưng phần lớn các xã viên ở đây không biết tiếng Anh, nên việc tiếp cận và khai thác thị trường “ngoại” còn hạn chế. 
Được biết, hiện chính quyền huyện Quản Bạ đang từng bước xây dựng Lùng Tám thành mô hình làng nghề gắn với du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguyên liệu đầu vào, vì không thể cùng một lúc bỏ ngô, lúa... để trồng lanh được, trong khi quỹ đất sản xuất được trên địa bàn chỉ có 19%/hơn 50 ha; tiếp đến là nhân lực và quản lý. 
Vì thế, theo ông Hạng Dương Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, để phát triển làng nghề Lùng Tám, ngoài việc xây dựng quy hoạch và đầu tư phát triển, xác định yếu tố văn hoá bản địa làm nền tảng, cải tiến đổi mới công nghệ thì điều quan trọng là bà con phải thay đổi tư duy sản xuất, giúp bà con bố trí nguồn lực đầu vào thế nào cho hiệu quả và chuyên nghiệp./.

Đọc thêm