Lập 'hàng rào' chặn kẻ đồi bại xâm hại bé gái

(PLO) - Suốt tuần qua, tràn trên các mặt báo, các trang điện tử là những thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em, làm dư luận căm phẫn, xót xa. Có vụ đã được đích thân Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý, giải quyết. Một số vụ và nghi phạm đã bị khởi tố, điều tra.
Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng tâm lý đến suốt cuộc đời.
Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng tâm lý đến suốt cuộc đời.

Lúc này, xã hội mới bừng tỉnh nhìn nhận một cách nghiêm túc về mức độ nguy hại của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Những hành vi tội ác này vốn vẫn âm ỉ diễn ra mà vì nhiều lý do chưa được quan tâm thích đáng để xử lý. Nghiêm trọng hơn là nhiều đứa trẻ có thể đối mặt với những kẻ “mặt người dạ thú” này không chỉ ở ngoài xã hội mà ngay cả ở nhà.

Tiếp diễn vì không bị phơi bày

Với từ khóa “xâm hại trẻ em” thì trong 0,47 giây, trang web tìm kiếm Google sẽ cho khoảng 781.000 kết quả. Cũng trong khoảng thời gian này, Google đã tìm ra khoảng 397.000 kết quả  cho từ khóa “xâm hại tình dục trẻ em”. Còn từ khóa “bạo hành trẻ em” có đến 663.000 kết quả  được tìm thấy trong 0,52 giây, nhưng chỉ cần thêm từ khóa “tình dục” vào cụm từ này thì đã lên đến khoảng 2.320.000 kết quả chỉ trong 0,64 giây.

Đây không chỉ là số liệu tìm kiếm bình thường trên một trang web mà nó phản ánh độ “nóng” của vấn nạn bạo hành, xâm hại, lạm dụng trẻ em, nhất là về tình dục. Một sự cảnh báo khẩn thiết đối với toàn xã hội trước mối nguy hiểm mà trẻ em – đối tượng non nớt nhất đang từng ngày từng giờ phải đối mặt trong điều kiện không có khả năng phòng vệ.

Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam. Tại Việt Nam, trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13, thậm chí là dưới 5 tuổi. 

Ở Việt Nam, số liệu của Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy mức độ nguy hiểm không kém. Từ năm 2011-2015, thống kê được 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nghĩa là mỗi ngày trung bình có 3 đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Nguy hiểm nhất là 93% thủ phạm là người quen và đến 47% thủ phạm là chính những người thân trong gia đình nạn nhân. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) được công bố mới đây nhất tại một tọa đàm về xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, trung bình mỗi năm có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Có 1.000 vụ xâm hại tình dục được phát hiện thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 đến 15, chiếm 57,46%. Tuy nhiên, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm đến 13,2%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Ngoài ra, như nhiều chuyên gia đã đặc biệt đề cập, với sự ảnh hưởng của tâm lý Á Đông, người Việt Nam rất ngại nói về vấn đề tình dục, coi đó là vấn đề “xấu xa” nếu đem ra bàn luận công khai. 

Trẻ em hầu như không có khái niệm gì về tình dục, về xâm hại tình dục và khi trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại, chúng và cả những người thân khi biết chuyện cũng đành chấp nhận thương lượng hoặc “ngậm đắng nuốt cay” không dám tố cáo vụ việc. Một phần bởi sự ám ảnh sợ “mất danh tiếng” của nạn nhân, của gia đình. Mặt khác họ không nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của hành vi này đối với sự phát triển tâm, sinh lý của nạn nhân và hậu quả xã hội của nó.

Hậu quả đeo đẳng suốt cuộc đời

Trên website của mình, Công ty Cổ phần Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống (tên viết tắt là SHARE) đã phân tích về những hậu quả mà một đứa trẻ sẽ phải gánh chịu sau khi bị xâm hại, lạm dụng tình dục. Theo các chuyên gia của SHARE, trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em – nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội.

Bị xâm hại tình dục sẽ khiến các em có rất nhiều những tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, trong đó bao gồm rối loạn về giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, tự ti, trầm cảm, lo âu, hoảng loạn và nguy hiểm hơn là các em có thể có ý định tự sát bất cứ lúc nào.

Thống kê cho thấy, hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai (84,3%), trẻ dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường (65,7%), trẻ khó hoà nhập với xã hội (55,7%). Tổn thương về sức khoẻ thể chất chiếm (69,1%) với các tổn thương nặng nề tại bộ phận sinh dục: bị nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu kéo dài ở bộ phận sinh dục …, các tổn thương thể chất khác: đau bụng, đau đầu, mất ngủ..., bị nhiễm các bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Thậm chí, nạn nhân có thể tử vong nếu hành vi xâm hại tình dục đi kèm với bạo lực.

Với các em nữ việc bị xâm hại tình dục có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi (vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh), gây ra nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp trẻ vị thành niên đến phá thai và 5.000 trường hợp sinh con ở tuổi vị thành niên. Con số này cho thấy, số trẻ bị xâm hại tình dục đã lên đến mức báo động.

SHARE cũng dẫn các tài liệu nhi khoa và tâm lý bệnh nhi cho thấy, nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,…). Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát. Một phần do xấu hổ, một phần khác do bị kẻ lạm dụng đe dọa nên các em không dám thổ lộ cùng ai.

Xâm hại tình dục còn có khả năng gây ra những lệch lạc giới tính cho các em. Khi các em nam bị xâm hại tình dục thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục. Những ám ảnh về việc bị lạm dụng, đặc biệt là hành vi tình dục đồng giới sẽ khiến các em trở thành những người đồng tính. Ngoài ra, những lệch lạc giới tính về sau này khi trưởng thành có thể dẫn đến việc quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người. Đối với một số em thì việc lạm dụng làm cho các em trở nên chai sạn và xem chuyện bị lạm dụng là chuyện bình thường.

Lập “hàng rào” an toàn cho trẻ

Để giảm bớt những tổn thương ở các em, các chuyên gia khuyên rằng, trước hết, gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự yêu thương, tôn trọng và tránh hoàn toàn việc đổ lỗi cho các em. Cùng với đó, hãy tạo ra cho trẻ một không gian an toàn, tránh khỏi mọi nguy hại khác về mặt thể chất và tinh thần có thể xảy ra đối với trẻ. Đảm bảo bí mật cũng là một việc làm quan trọng giúp bảo vệ trẻ. Tiếp theo đó, nên cho trẻ gặp các nhà chuyên môn để có sự hỗ trợ tốt hơn về mặt tâm lý.

Nhưng trên hết gia đình, nhà trường và xã hội cần có những phương pháp phòng ngừa để trẻ em không trở thành những nạn nhân của các hành vi thú tính và không bị đeo đẳng những tổn thương tâm lý, thể nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) nhận định: “Chúng ta đang thiếu một mạng lưới thu thập thông tin, phát hiện sớm, giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng. Đội ngũ làm công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em của cả nước vẫn còn rất mỏng và yếu. Việc hỗ trợ các dịch vụ y tế, tâm lý cho những trẻ em bị xâm hại tình dục cũng còn hạn chế.

Vì vậy, muốn giảm thiểu xâm hại trẻ em cần xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ một cách hoàn chỉnh từ tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, phát hiện sớm,… đến hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý. Tuyên truyền cho các gia đình về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc con cái. Khi chẳng may trẻ bị xâm hại thì nên đưa trẻ đi giám định càng sớm càng tốt để có chứng cứ truy tố đối tượng vi phạm”.

Các chuyên gia của SHARE cũng khuyên rằng, cần sự phối hợp giữa trẻ và gia đình để cung cấp cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về giới tính. Có thể dạy cho trẻ em biết rằng không ai được chạm vào “chỗ riêng tư” của trẻ. Dạy cho trẻ hiểu thân thể là “tài sản riêng” của chúng. Trẻ có quyền từ chối những cái ôm hoặc những tiếp xúc gây khó chịu.

Với trẻ lớn hơn, có thể dạy cho các cháu biết những hành vi lạm dụng tình dục là phạm pháp. Dạy cho trẻ biết quyền mình được bảo vệ và tự bảo vệ. Bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị. Khuyến khích con đặt câu hỏi về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống cũng như câu hỏi về những vấn đề sâu kín.

Bố mẹ cần cố gắng tìm hiểu và hòa đồng với bạn bè của con, vì qua đó bố mẹ có thể có được những thông tin cần thiết. Dạy trẻ không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ. Tin vào trực giác và linh cảm để thoát khỏi nguy hiểm.

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới trẻ em bởi khi là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục, đứa trẻ sẽ phải lớn lên cùng với những chấn thương tâm lý làm tâm hồn chúng luôn có “những vết sẹo” không bao giờ lành trong suốt cuộc đời.

“Nếu người lớn không phân tích để trẻ hiểu hành vi đó là vi phạm pháp luật, là tội ác …. thì đến khi trưởng thành, những ám ảnh về hành vi trên khiến trẻ trở nên thù hận và có thể trở thành tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hoặc người khác. Vì vậy, trẻ bị xâm hại tình dục rất cần sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ… từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội để hòa nhập với cuộc sống đời thường” – chuyên gia của SHARE cảnh báo. 

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, ngoài việc hỗ trợ, bảo vệ trẻ tránh nạn xâm hại tình dục, cần có các biện pháp ngăn chặn các hành vi này xảy ra, nhất là tác động đến chính những đối tượng có nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em thông qua tư vấn, hỗ trợ tâm lý, ngăn ngừa họ thực hiện các hành vi này.

“Đường dây nóng” là công cụ được nhiều quốc gia sử dụng để tư vấn cho trẻ và gia đình trẻ bị xâm hại, cách nhận biết trẻ bị xâm hại, trò chuyện với trẻ như thế nào, hỗ trợ về mặt y tế ra sao, thủ tục trình báo kẻ xâm hại,..., tiếp nhận thông tin về các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Các tổ chức bảo vệ trẻ em hoạt động tích cực tuyên truyền để mỗi nạn nhân, gia đình nạn nhân chủ động thông tin về hành vi xâm hại tình dục trẻ em để nhận được trợ giúp, tránh xảy ra tình trạng giấu diếm hoặc bao che cho kẻ xâm hại. Ngoài ra, ở nhiều nước rất chú trọng đến việc điều trị tâm lý và thể xác cho trẻ em bị xâm hại. 

Năm 2000, Nhật đã thông qua luật bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại thể xác, tinh thần, tình dục và sự bỏ rơi. Nhiều quốc gia phát triển như Canada, Đức, Tây Ban Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khuyến khích các trường học giáo dục trẻ về xâm hại tình dục bằng nhiều hình thức như thông qua phim ảnh, trò chơi hoặc bài hát.

Đọc thêm