Liên kết vùng trong du lịch miền Trung: “Đèn nhà ai nấy rạng”?

(PLO) - Giới chức các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã nhiều lần nhóm họp nhằm phát triển chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung”. Nhưng sau nhiều năm kể từ ngày ý tưởng trên hình thành, con đường này vẫn chưa thực sự… “thông tuyến”.
Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra vào cuối tháng 4
Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra vào cuối tháng 4
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 xác định khu vực miền Trung là vùng động lực của du lịch cả nước. Nhiều địa phương trong khu vực cũng đã chọn du lịch là khâu đột phá và thu được những kết quả bước đầu, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Tọa trên… “mỏ vàng”
Bắc miền Trung được mệnh danh là đất của di sản thế giới, là nơi có sự hiện diện của những bãi biển đẹp mê hồn như:  Lăng Cô, Non Nước, Cửa Ðại... cùng hệ thống hang động nổi tiếng thế giới ở Quảng Bình, khu phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), quần thể Di tích Cố đô Huế…
Những địa danh, điểm đến nói trên được các chuyên gia của ngành công nghiệp “không khói” gọi là vàng, và nếu biết “tận thu”, khai thác thì sẽ  góp phần làm thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả khu vực, trong đó có một số tỉnh nghèo. Xin lấy ví dụ ở Thừa Thiên Huế.  Tỉnh  này có một đường bờ biển đẹp trải dài gần 200km, tại đây đã hình thành một chuỗi nhà nghỉ, khách sạn đẳng cấp quốc tế. 
Ngoài ra, trong những năm gần đây, tỉnh còn khôi phục các lễ hội văn hóa tiêu biểu như: Lễ hội Huyền Trân, Hòn Chén, Lễ hội cầu Ngư… bên cạnh lễ hội đã có thương hiệu như Festival Huế, nhưng hai tháng đầu năm 2015 tỉnh này mới đón được hơn 437.918 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 165.417 lượt. Về con số, doanh thu du lịch 2 tháng đầu năm nay của Thừa Thiên Huế đạt 426,862 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thực sự vẫn chưa tương xứng với những gì mà Huế đang có. 
“Trong quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều chủ trương, cơ chế ưu đãi về đầu tư phát triển du lịch. Ðặc biệt, năm 2015 Tỉnh ủy đã ra nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch Thừa Thiên Huế  đến năm 2020” – ông Nguyễn Ngọc Thiên, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nói.  
Bên kia đèo Hải Vân, Ðà Nẵng với lợi thế về vị trí địa lý với đầy đủ  sân bay, cảng biển và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: khu du lịch Bà Nà, Ngũ Hành Sơn…, năm qua lượng khách du lịch đến tham quan Đà Nẵng ước đạt 3,8 triệu lượt. Nhưng phải mất rất nhiều công sức, con số trên mới làm những người có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực này tạm thời hài lòng. 
Theo Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP.Ðà Nẵng Ngô Quang Vinh, để những lợi thế đó trở thành hiện thực, những năm qua, cùng với phát triển công nghiệp, Ðà Nẵng đã dành nguồn vốn đáng kể để phát triển du lịch và đang từng bước xây dựng thương hiệu du lịch cho thành phố này. 
Liên kết còn lỏng lẻo
“Ngồi trên mỏ vàng mà vẫn chưa giàu” là câu nói khiến những nhà quản lý của  các tỉnh này phải “đau đầu”. Trên thực tế  đã có nhiều hội nghị, hội thảo… được tổ chức tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… nhằm bàn về sự liên kết giữa các địa phương có di sản để cùng “dìu” nhau phát triển nhưng con đường di sản của khu vực Bắc miền Trung vẫn chưa thực sự “thông tuyến”. Điều phải làm trước tiên là cần phải liên kết các làng nghề truyền thống, liên kết quảng bá lễ hội,  lữ hành… nhưng trên thực tế nó vẫn đang là  liên kết… trên giấy.
Dễ thấy nhất đó là sự chồng chéo trong tổ chức các lễ hội tại đây. Theo đó, trong cùng một thời điểm, Huế tổ chức Festival thì Quảng Nam tổ chức “Hành trình di sản”, Đà Nẵng lại tiến hành “Liên hoan văn hóa du lịch”. Sự chồng chéo này đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo nhưng rồi “đâu lại vào đấy”. Cụ thể, dịp này (4/2015), Huế tổ chức Festival Làng nghề thì Đà Nẵng tổ chức Lễ hội Pháo hoa Quốc tế bên bờ sông Hàn…
Ông Bùi Quang Vĩnh - Giám đốc Cty Du lịch Việt Thắng cho rằng: “Tôi thấy lãnh đạo các tỉnh, thành ở miền Trung chỉ hứa với nhau trên bàn họp chứ trên thực tế chẳng có tỉnh nào liên kết với nhau. Liên kết giữa các địa phương cần một quyết tâm, nói được, làm được chứ không phải lời hứa suông”. 
Còn ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Cty Lữ hành Miền Trung nhận định, sở dĩ du lịch miền Trung chưa phát triển tương xứng với lợi thế là vì các địa phương thả nổi thị trường. Tình trạng phát triển manh mún theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” hiện rõ trong từng địa phương, doanh nghiệp nên chưa tạo được sức mạnh tổng thể để cùng nhau đầu tư, khai thác... 
Trước thực trạng mỗi nơi làm một kiểu, không liên kết, quảng bá, cứ “mạnh ai nấy làm”,  ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết: “Việc các địa phương trong thời gian qua chưa thực sự liên kết với nhau là vì mỗi địa phương đều có đặc thù, thế mạnh riêng nên mỗi tỉnh vẫn làm theo cách truyền thống của mình. 
Hiện, 3 tỉnh, thành là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã ký liên kết hợp tác với nhau và sắp tới chúng tôi đẩy mạnh sự liên kết, quảng bá cho nhau để biến “3 địa phương trong 1” thực sự là điểm đến hấp dẫn với du khách…”.
Giám  đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn xúc tiến các tour du lịch đến với các địa phương có di sản, nhưng  lượng khách đăng ký theo tour này vẫn chưa nhiều. Huế sắp tổ chức Festival làng nghề nên tỉnh đang khẩn trương xúc tiến việc liên kết với các địa phương có di sản để kết nối các tour du lịch hấp dẫn này”.
Rõ ràng, với tiềm năng lợi thế sẵn có nhưng các địa phương này vẫn chưa tận dụng nó để phát triển du lịch, làm cho ngành “kinh tế mũi nhọn” mà các địa phương xác định vẫn cứ “ì à ì ạch”.
Lãnh đạo chỉ hứa với nhau trên bàn họp
“Trao đổi với PLVN, ông Bùi Quang Vĩnh - Giám đốc Cty Du lịch Việt Thắng cho rằng, lãnh đạo các tỉnh, thành ở miền Trung mới chỉ hứa với nhau trên bàn họp chứ trên thực tế chẳng có tỉnh nào liên kết với nhau. Liên kết giữa các địa phương cần một quyết tâm, nói được, làm được chứ không phải lời hứa suông”. 

Đọc thêm