Liên tiếp trẻ đuối nước nhập Bệnh viện Nhi Trung ương

(PLO) - Cuối tuần qua, truyền thông đưa tin Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương thời gian trong nửa tháng trở lại đây liên tục tiếp nhận các trẻ bị đuối nước vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Các trẻ trong độ tuổi từ 5-12, được đưa đến từ các địa phương: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam. Trong số các trẻ nhập viện, đã có trường hợp tử vong là bé trai Nguyễn Huy D (5 tuổi) ở Phủ Lý, Hà Nam bị trượt ngã xuống bể bơi, đuối nước 10 phút người lớn mới phát hiện vớt lên bờ.

BV Đa khoa Đức Giang cũng cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi Đỗ Văn Đ. (7 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội trong tình trạng nguy kịch do bị đuối nước ở ao làng. Cháu Đ. may mắn thoát chết nhưng anh trai của cháu là Đỗ Văn X. 9 tuổi đã tử vong do đuối nước. 

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vài trung tuần tháng 5 vừa qua cho thấy, tình trạng đuối nước hiện đã giảm so với những năm trước đây nhưng vẫn còn cao. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.  Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì  Việt Nam là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối cao thứ hai trên thế giới. 

Lý giải cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nhưng trước hết là môi trường sống của các em không an toàn. Việt Nam có nhiều sông, suối, ao, hồ, bờ biển dài. Diện tích mặt nước cao làm tăng nguy cơ về đuối nước ở trẻ em. Theo WHO, ở 85 quốc gia được khảo sát thì số trẻ em đang sống gần các nguồn nước lộ thiên, như: sông, suối, ao hồ, cống rãnh, kênh tưới tiêu hay các hồ bơi... dễ bị tai nạn đuối nước. 

Nguy hiểm là vậy nhưng sự thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức của người lớn, của các cơ quan có trách nhiệm, của gia đình khiến tình trạng tử vong do đuối nước của trẻ không ngừng gia tăng. TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Trung ương cho biết, các trường hợp gặp tai nạn chủ yếu rơi vào các bé trai ở tuổi hiếu động. Nhưng sự bất cẩn của người lớn trong việc trông coi trẻ là nguyên nhân khiến tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thẳng thắn mà nói, trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ phòng tránh đuối nước trước hết phải thuộc về gia đình. Bố mẹ và người thân chính là những người có tính tiên quyết đến tính mạng của con trẻ. Thực tế là vào mỗi dịp hè, khi trẻ nghỉ hè rảnh rỗi kết hợp với thời tiết nắng nóng là thời điểm tỉ lệ trẻ đuối nước tăng. Lúc này, vai trò tuyên truyền của nhà trường tạm thời bị lu mờ và vai trò của gia đình lại cực kì quan trọng.

Sự quản lí chặt chẽ mọi hành động cá nhân của trẻ nhằm tách con em ra khỏi môi trường không an toàn; thường xuyên, cảnh báo về các hiểm họa khó lường từ ao hồ, sông suối; dạy trẻ kĩ năng phát hiện hiểm nguy; chính bố mẹ và người thân sẽ là những người thầy dạy bơi cho con cháu mình… là những việc làm không bao giờ thừa.

Đọc thêm