Linh thiêng đại lễ Kiều thỉnh Chư vị Tiên Thánh

(PLVN) - Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, từ thư tịch cho đến huyền tích, đấng nữ lưu được tôn vinh ở hàng “tứ bất tử” duy chỉ có một vị, ngài là Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh - thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đại lễ Kiều thỉnh Chư vị Tiên Thánh trắc giáng đồng nhân là cổ tục linh thiêng, độc đáo và mang trong mình những giá trị nhân văn cao đẹp.  
Nghi lễ kiều thỉnh Chư vị tiên Thánh trắc giáng dương đồng sẽ tái hiện tất cả 36 giá đồng
Nghi lễ kiều thỉnh Chư vị tiên Thánh trắc giáng dương đồng sẽ tái hiện tất cả 36 giá đồng

Tái hiện 36 giá đồng đặc sắc, độc đáo 

Tháng 3 âm lịch hàng năm được dân gian gọi là “giỗ Mẹ”, mọi ngả đường lại đổ về di tích Phủ Dày (Vụ Bản, Nam Định) để mừng ngày kị nhật Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ Phủ của người Việt. Những tín đồ, người thực hành tín ngưỡng coi đây như Thánh tích để họ tìm về với cội nguồn, niềm tin tâm linh nơi cửa Mẫu.

Đại lễ kiều thỉnh chư Tiên, chư Thánh trắc giáng dương đồng là một trong những cổ lệ mang nhiều màu sắc văn hóa và tâm linh độc đáo. Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu Thánh là nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu; cổ truyền và được xem là linh thiêng bậc nhất. Khi lập đại đàn vào những dịp đặc biệt quan trọng sẽ đồng thỉnh tất cả các vị Tiên, Thánh Tứ Phủ  “đồng lai, hợp tọa” để các ngài vận thần thông quảng lực, khâm thừa mệnh lệnh của Thánh Mẫu, thay quyền bốn phủ trợ giúp nhân gian. Một mặt tái hiện lại hình ảnh của tất cả hệ thống Thần linh trong Phủ Mẫu, một mặt thực hiện những nghi lễ mừng tiệc Mẫu, cầu đảo Thần Thánh phù trì cho Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. 

Khâu chuẩn bị đại lễ vô cùng quan trọng. Tất thảy lễ vật như: Hoa, đăng, trà, quả các thứ cúng đều được bài trí cẩn thận. Bản phủ Vân Cát (thuộc khu di tích Phủ Dày) được chăng đèn, kết hoa lộng lẫy để Tiên Thánh “giáng ngự đồng nhân”. Tất cả công tác chuẩn bị đều được làm kĩ lưỡng từ những khâu nhỏ nhất trước 2 ngày. 

Buổi “đại lễ kiều thỉnh”, tất cả các Thanh đồng, đạo quan (người thực thành tín ngưỡng) cùng với khách thập phương tề tựu về Phủ Vân Cát để dự lễ. Lần lượt những Thanh đồng từ cựu đến tân được sắp xếp vào vị trí tương ứng từng vị Thánh từ hàng Quan lớn đến các Chầu bà, Thánh Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu. Mỗi đồng nhân khi ngồi đồng đều có tứ trụ (tay khăn, tay hương), đoàn rước cờ, lọng trang nghiêm rước vào khu vực “sập Công đồng” thỉnh Thánh giáng đồng. Từng vị Thánh được thể hiện với nhiều trang phục khác nhau tưng ứng với từng vùng miền của mình. Cứ như vậy, các Thanh đồng sẽ “hầu” hết 36 giá đồng, tượng trưng cho 36 vị Thánh tối cao trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, có những giá đồng chưa từng được thể hiện như: cô Bảy Kim Giao, cô Tư Tây Hồ, chầu Bảy, Quan lớn Triệu Tường…đều được tái hiện trong đại lễ kiều thỉnh. 

Đây là dịp hiếm hoi, các tín đồ và người dân có cơ duyên chiêm bái được hình tượng các vị Thánh trong hệ thống thờ tự một cách chỉn chu, phong phú và cụ thể nhất. Kế thừa truyền thống của cha ông, người Việt Nam qua bao thế hệ tiếp nối, trân trọng, giữ gìn những nét đặc sắc trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, với rất nhiều nghi lễ phong phú, sinh động, phép tắc tôn nghiêm. 

Thanh Đồng Hoàng Minh Đỗ (Thủ nhang Thiên Ứng linh từ, Hà Nội) – người đứng lên phục dựng nghi lễ tại Phủ Vân Cát (nơi Thánh Mẫu giáng sinh) chia sẻ: “Tôi cùng BTC chuẩn bị hàng tuần trời cho lễ kiều thỉnh sao cho chu toàn nhất từ từng mâm lễ Thánh, Khăn áo, kết nối các bản hội từ khắp tỉnh thành như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh…Mong muốn lớn nhất có thể giữ gìn những cổ lệ, lề lối, phép tắc từ xưa của cha ông để lại”.

Thanh đồng trẻ Nguyễn Hoàng Hiệp trong giá Chầu Đệ Tam Thủy Cung (trái) và Thanh Đồng Hoàng Minh Đỗ (Thủ nhang Thiên Ứng linh từ, Hà Nội) và các đồng cựu trên toàn quốc dày công phục dựng lại nghi lễ kiều thỉnh 36 giá đồng linh thiêng
Thanh đồng trẻ Nguyễn Hoàng Hiệp trong giá Chầu Đệ Tam Thủy Cung (trái) và Thanh Đồng Hoàng Minh Đỗ (Thủ nhang Thiên Ứng linh từ, Hà Nội) và các đồng cựu trên toàn quốc dày công phục dựng lại nghi lễ kiều thỉnh 36 giá đồng linh thiêng

Tính linh thiêng và nhân văn trong Đại lễ kiều thỉnh

Với mong muốn hoàng dương tín ngưỡng  các vị đồng đền, thủ nhang phỏng theo cổ lệ, đã phục hồi đại lễ kiều thỉnh chư vị Tiên Thánh trắc giáng dương đồng. Đại lễ được diễn ra đúng dịp kị nhật Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại chính nơi Ngài giáng sinh xuống giáo hóa chúng nhân, đề cao luân lý; bênh người hèn yếu, trị kẻ cường quyền; trừ nội loạn, phù âm chống ngoại xâm….Tính linh thiêng của đại lễ kiều thỉnh là những người tham dự có cơ hội gần gũi nhất với hình tượng các vị Thánh nơi trần thế. Thông gia việc hành lễ, tất thảy các vị Thần – Thánh đều được tái hiện trong không gian linh thiêng và tôn nghiêm của Đền – Phủ. Qua đó, người dân được nghe những lời “phán truyền”, nhận những “phúc lộc” và nguồn năng lương nơi cửa Mẫu. 

Mặt khác, đại lễ cũng là dịp cầu đảo cho Quốc thái dân an, cầu cho dân quê bản xã mùa màng bội thu, để người dân có niềm tin vào tín ngưỡng. Theo các Thanh đồng, thực chất tâm linh phải có niềm tin, khi có niềm tin  thì sẽ truyền tải được cái đẹp của tín ngưỡng đến xã hội. Mặt khác, việc tổ chức đại lễ để thể hiện những nét đẹp của tín ngưỡng, bài trừ những hành vi xấu, bôi nhọ, hủy loại văn hóa – tín ngưỡng. Với mong muốn những người thực hành tín ngưỡng đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, giúp đỡ nhau học hỏi những điều tốt đẹp. Để cùng chung tay hoằng dương tín ngưỡng, tạo duyên kết phúc, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài việc gìn giữ di sản văn hóa của cha ông để lại, đại lễ là dịp những người tham gia thực hành tín ngưỡng giúp đỡ những người khó khăn không có điều kiện được đến với cửa Mẫu. Đặc biệt những người là “đồng nghèo lính khó” không có “ngân xuyến” có cơ hội được thực hành tín ngưỡng tâm linh để tâm hoan hỉ. Mặt khác, tạo điều kiện cho thế hệ các Thanh đồng cựu lâu năm gặp gỡ, chia sẻ, bảo ban các thế hệ trẻ những lề lối, cốt cách, nghi lễ cổ và chuẩn mực của ông cha, phát huy những tục lệ tốt đẹp, tránh những hành vi sai trái, sai lệch với các quy chuẩn trong hành lễ tín ngưỡng. Tạo dựng nên một nền tảng tốt, truyền bá lại những giá trị đẹp của tín ngưỡng để lớp trẻ trau dồi kiến thức, cùng nhau bảo vệ và giữ gìn. 

“Tâm nguyện của thế hệ những người hành lễ lâu năm như tôi là có thể hoằng dương tín ngưỡng thờ Mẫu, gạn đục khơi trong, gìn giữ di sản không bị mất đi. Một mặt cũng mong mỏi truyền lại cho thế hệ trẻ những lề lối, cốt cách chuẩn mực của cha ông, không sa vào mê tín dị đoan hay những hành vi không phù hợp, bôi bẩn hình ảnh của tín ngưỡng” Thanh đồng Hoàng Minh Đỗ (Hà Nội) trăn trở.

Với những người thực hành tín ngưỡng lâu năm như Thanh đồng Hoàng Minh Đỗ, việc phục dựng và thực hiện những đại lễ kiều thỉnh là những việc làm để “tốt đời đẹp đạo”. Không chỉ giúp người dân có cơ hội tiếp cận tổng thể và phong phú nhất những nghi lễ độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mặt khác, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, giúp đỡ bảo ban của thế hệ trước với sau như trong hát văn có câu: “Người đi trước dắt người đi sau”. Thể hiện tính nhân văn sâu sắc, không chỉ hành đạo mà còn giúp đời. 

Thanh đồng Nguyễn Hoàng Hiệp (23 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ: “Là một trong những thanh đồng trực tiếp tham gia đại lễ kiều thỉnh tại Phủ Dày tôi rất lấy làm vinh dự, tự hào và xúc động. Là thế hệ trẻ tôi mong mỏi mình sẽ cố gắng tiếp bước các cụ đồng cựu để bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp nhất của Tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Kể từ buổi đầu giáng thế, đến nay ngót 600 năm, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ Phủ đã mang lại những giá trị văn hóa - tâm linh đặc sắc, phong phú. Không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là cái nôi để kết nối - đoàn kết dân tộc. Những nghi lễ, nghi thức linh thiêng đều cần chúng ta trân quý, giữ gìn và phát huy cho hậu thế. 

Đọc thêm