Linh thiêng lễ hội mùng 5 Tết làng chài đất cố đô

(PLO) - Những ngày đầu xuân năm mới, ở nhiều tỉnh dọc theo bờ biển trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này đều diễn ra tưng bừng lễ hội cầu ngư. Đây cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, biển lặng, thuyền về tôm cá đầy khoang mang lại no ấm, hạnh phúc cho vạn chài...
Linh thiêng lễ hội mùng 5 Tết làng chài đất cố đô

Lễ hội cầu ngư Thuận An đất cố đô

Có từ hàng trăm năm trước, lễ hội cầu ngư Thuận An của làng Thái Dương thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) được đánh giá là lễ hội cầu ngư quy mô, độc đáo, hấp dẫn nhất và cộng đồng nhất của đất cố đô.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng vạn người dân và du khách tấp nập về tham dự. Ngay từ chiều ngày 11 tháng Giêng, các vị trưởng lão đã bắt đầu lễ cúng tế và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa lân, biểu diễn ca Huế. Rạng sáng ngày 12 tháng Giêng, tổ chức lễ Cầu an. Tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ. Trước lúc vào lễ chánh tế, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, bể lặng...

Đặc biệt lễ cầu ngư không chỉ là cầu ở đình làng mà hầu như các nhà trong làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng để cầu mưu thuận gió hòa, một năm bình an, tôm cá đầy ghe, mùa màng tươi tốt, mua may bán đắt. Trên mỗi tàu, thuyền tại lễ hội đều chăng đèn kết hoa.

Lễ chánh tế bắt đầu vào lúc 4h sáng 12 tháng Giêng. Một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc. Sau phần nghi lễ cầu ngư, phần hội là phần được đông đảo người dân chờ đón với nhiều màn biểu diễn  tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, diễn tả những cảnh hoạt động nghề biển trên cạn, dưới nước, cùng hội đua trải trên phá Tam Giang. 

Lễ hội cầu ngư bên sông Gianh

Lễ hội cầu ngư phường Tân An (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu được tổ chức vào ngày mồng 6 Tết năm 2011 nhưng đến nay đã trở thành hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng không thể thiếu của ngư dân vùng biển nơi đây. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ trang nghiêm, độc đáo cùng các hoạt động thể thao sôi nổi nhằm cầu cho biển lặng, một năm ngư dân ra khơi đánh bắt được mùa, bội thu... 

Ngay từ sáng sớm mùng 5 Tết, không khí lễ hội đã tưng bừng rộn ràng khắp các ngõ phố. Dòng người nô nức từ các ngả đường, ngõ xóm đã đổ về đây để chuẩn bị tham gia lễ hội. Dưới bến cá Tân An hàng trăm con tàu, thuyền cờ bay phấp phới đang neo đậu chờ thời khắc khai hội cầu ngư trước khi xuất hành ra khơi. Với ngư dân vùng biển Tân An, lễ hội cầu ngư là hoạt một động văn hoá tâm linh quan trọng bởi sau ngày hội các tàu, thuyền mới chính thức xuất quân ra khơi.

Cũng như các lễ hội cầu ngư khác, lễ hội tại bến cá Tân An được chuẩn bị khá công phu, thành kính, mang đậm nét văn hoá vùng biển. Ngư dân trong phường chuẩn bị các vật lễ cúng dâng lên các vị thần biển nhằm cầu cho một năm ra khơi trời yên, biển lặng, tôm, cá sẽ chất đầy khoang. Phần tế lễ được người dân chuẩn bị rất chu đáo. Các mâm cỗ dâng cúng thần biển gồm: Mâm hoa ngũ quả, lễ mặn (bánh giày, gà, đầu lợn…), đồ vàng mã cúng tiễn như long mã, một con tàu và cá. Những người tham gia tế lễ chủ yếu những bậc cao niên có uy tín trong làng.

Hoành tráng lễ cầu ngư xứ Nghệ 

Lễ hội cầu ngư của xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch, diễn ra cùng với lễ hội Đền Chính của xã. Đây là hoạt động được tổ chức mỗi năm một lần vào đầu xuân năm mới của địa phương với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân làng có cuộc sống ấm no, ngư dân địa phương đi biển khai thác thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được cá mực đầy khoang.

Đúng 7h sáng 14 tháng Giêng, Lễ hội cầu ngư được tổ chức với phần lễ rước thần bằng kiệu bát cống từ Đền Chính rước qua các thôn và ra bến cảng Lạch Quèn, lên 8 chiếc tàu tiến ra cửa lạch để làm lễ cầu ngư.

Đoàn rước kiệu gồm 8 thanh niên trai tráng khiêng kiệu, theo sau là đoàn người rồng rắn đến hàng trăm người phấn khởi nối dài. Sau lễ rước kiệu, đoàn tàu sẵn sàng rước thần ra lạch để làm lễ. Bên cạnh phần lễ là phần hội cũng được tổ chức khá đa dạng với các trò chơi truyền thống như đua thuyền, cờ người, vật cù, chọi gà, thi đấu bóng đá, bóng chuyền…

Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng

Lễ hội Cá Ông (còn được gọi là lễ tế Cá Voi) diễn ra trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Đây là lễ hội lớn nhất của ngư dân TP Đà Nẵng. Thờ Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. 

Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, như dân tổ chức lễ tế cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. Tại Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức ở những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... 

Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Lễ hội của khát vọng bình yên, no ấm

Bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả.Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài.

Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Đó là lễ Cá Ông chứng dám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương. Về phần hội, tuỳ điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng...

Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Đọc thêm