Lo 'chảy máu' đồ cổ ở Tây Nguyên

(PLO) -Những năm qua, nhiều buôn làng tại Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung mất đi những hiện vật quý giá như thuyền độc mộc, trống, cồng chiêng, ché... Đây là những hiện vật mang bản sắc văn hóa riêng biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số như Ê Đê, Ja Rai, Bahnar.  
Ông Tuấn bên số hiện vật không ngừng xuống cấp
Ông Tuấn bên số hiện vật không ngừng xuống cấp

Ông Y Win Lứk (37 tuổi, ngụ buôn Drung, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) tặc lưỡi tiếc nuối: “Mấy năm trước, nhà mình có 3 chiếc thuyền độc mộc nhưng đã bán cho người khác rồi.

Đó là những chiếc thuyền đời trước để lại, gỗ rất tốt nhưng mình nghĩ không dùng đến nữa nên bán đi để lấy tiền.

Thuyền để lâu ngày không sử dụng sẽ bị hỏng nát. Hai thuyền to bán cho công ty du lịch trong huyện mỗi chiếc 20 triệu. Còn chiếc cuối cùng bán cho một người sưu tầm cổ vật nơi khác”. 

Theo ông Y Win, buôn làng ông chủ yếu là người M’Nông, sống gần hồ Lắk. Trước đây cuộc sống còn khó khăn, phương tiện đi lại, vận chuyển nông sản đều nhờ vào chiếc thuyền độc mộc.

Để có một chiếc thuyền, nhiều trai làng phải lên núi lựa cây gỗ to, tốt rồi hò nhau đốn hạ, đưa trâu lên kéo về làng rồi xúm nhau đục đẽo cả tháng mới tạo thành. Nay giao thông đã phát triển, nhà nào cũng có xe máy, xe đạp nên chẳng ai dùng đến thuyền nữa.

Khác với ông Y Win, ông Y Kuâo Buôn Krông (56 tuổi, buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) vẫn còn giữ được rất nhiều đồ cổ cha ông để lại.

Ông cho biết, trong bếp của gia đình còn nhiều món đồ quý hiếm như ghế Kpan, nhiều bộ chiêng và các loại nhạc cụ Đing Năm, Đing Tak-Ta, Ching Kram... Dù cứ dăm bữa nửa tháng lại có những người lạ đến gạ mua đồ cổ với giá cao nhưng ông cương quyết khước từ. 

Ông kể: “Trước đây, ông bà đã dùng công chiêng, trống trong các lễ hội cúng tế thần linh, cầu mưa…Bởi vậy, dù có đói ăn, thiếu mặc tôi cũng không đành lòng bán. Hiện trong buôn tôi, số nhà giữ được cồng chiêng và các món đồ cổ chỉ được vài hộ.

Do kinh tế phát triển nhanh, bà con sắm nhiều phương tiện nghe nhìn nên cồng chiêng bị bỏ không ở xó nhà. Nhiều người đã bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu một chiếc hoặc một dàn chiêng. Tùy theo loại chiêng to, nhỏ và nguyên liệu đúc chiêng mà người mua vào định giá, mặc cả”. 

Ngoài việc thu mua những món đồ có giá trị lớn, những người chơi đồ cổ còn đi tìm các loại vật dụng sinh hoạt thường ngày khác của đồng bào như nồi niêu, chén bát, chày cối giã gạo, cung, nỏ, thuyền độc mộc…để hỏi mua.

Nhiều người thấy được giá, lại thấy những món đồ cổ xù xì, không đẹp bằng các sản phẩm công nghiệp nên “bán tống bán tháo”.

Đó cũng là nỗi trăn trở của ông Lê Tuấn (70 tuổi, ngụ phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột), người cất công sưu tầm đồ cổ mấy chục năm qua. Vợ ông là bà Ngô Thị Kim Cúc (nay đã mất) từng là cán bộ làm việc tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Trong những chuyến đi đến với buôn làng, bà thấu hiểu và đam mê những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Khi phải chứng kiến cổ vật của buôn làng “chảy máu”, người phụ nữ này đã bàn với chồng, gom góp tiền bạc để sưu tầm những món đồ cổ. 

Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông đã sưu tầm được 3.000 hiện vật văn hóa: 500 chiếc cồng chiêng, 100 ché quý, 34 bộ quần áo truyền thống và hàng trăm bộ nồi đồng, quần áo bằng vỏ cây. Ông cẩn thận chia những sản vật ra thành nhiều nhóm với những nét đặc trưng khác nhau như: bộ sưu tập trống; bộ sưu tập săn bắt trên bờ-dưới nước; trang phục hàng ngày, trang phục lễ hội; dụng cụ sinh hoạt gia đình; nhạc cụ…

Trong đó, ấn tượng nhất bộ sưu tập trống với số lượng trên 136 chiếc, chiếc trống to nhất có đường kính 99cm, chiếc trống nhỏ nhất có đường kính 55cm. Phần lớn những đều có tuổi đời hơn 100 năm. 

Cũng theo lời ông Tuấn, vợ ông luôn ấp ủ ước mơ mở một bảo tàng tư nhân nhằm tái hiện đời sống vật chất, tinh thần và nét sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc thiểu số giới thiệu đến công chúng.

Thế nhưng, mơ ước của bà  không được thực hiện do đất của gia đình nằm trong diện quy hoạch, bị thu hồi, khoản bồi thường không đủ mua đất mới.

Sau đó họ căng bạt che chắn, xông khói chống ẩm thấp, mối mọt, để bảo vệ cổ vật. Khi ước nguyện chưa thành, bà Cúc đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. 

Theo thống kê mới nhất của Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk về hiện vật văn hóa các dân tộc, toàn tỉnh còn có 2307 bộ chiêng đủ chiếc, trong đó chiêng dân tộc Ê Đê có 2064 bộ, M’Nông 146 bộ, J’Rai 62 bộ, Xê Đăng 8 bộ, Bru-Vân Kiều có 9 bộ. So với số liệu thống kê năm 1993, thì đã thất thoát khoảng 2000 bộ cồng chiêng.

Ông Y Chen Niê-Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa thuộc Sở cho biết, vấn đề mua bán cồng chiêng và các đồ vật khác của đồng bào dân tộc thiểu số rất đáng báo động.

Những năm qua, Sở đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời trang bị chiêng, trống cho phòng văn hóa thông tin huyện, nhà văn hóa xã nhằm khích lệ, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho đồng bào tại chỗ.

Ngoài ra Sở còn phục dựng nhiều lễ hội, tổ chức truyền dạy cồng chiêng, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc.

Đọc thêm