Lo khí thải từ sử dụng xăng dầu tại Hà Nội

(PLO) - Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nan giải của nhiều đô thị trên thế giới. Tại Hà Nội, dù các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng ô nhiễm không khí vẫn duy trì, thậm chí có xu hướng gia tăng. 
Lo khí thải từ sử dụng xăng dầu tại Hà Nội

Đáng nói, khí thải phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch được coi là nguồn gây ô nhiễm chính hiện vẫn chưa được kiểm soát. Thực trạng này đòi hỏi Hà Nội cần phải có thêm các giải pháp quản lý quyết liệt và hiệu quả hơn.

Tăng xe tăng ô nhiễm

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí có tác động và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đô thị, đặc biệt là những người sống gần đường giao thông và các nút giao thông. 

Đáng nói, theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch được coi là nguồn ô nhiễm chính. Mức độ ô nhiễm gia tăng thì phương tiện gây ô nhiễm cũng tăng theo tỷ lệ thuận.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm cả nước tiêu thụ 3,5 triệu xe máy và vẫn tiếp tục tăng trưởng qua các năm, riêng tại Hà Nội hiện có hơn 5,2 triệu xe máy, với mức tăng trưởng 6%/năm, dự báo đến năm 2020, thủ đô sẽ có khoảng 6,1 triệu xe. Phương tiện cá nhân tăng nhanh, điều này khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại các đô thị rất khó giải quyết.

Theo số liệu mới nhất từ tổ chức Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID), trong quý II/2018, chất lượng không khí của Hà Nội đã có sự cải thiện hơn so với quý I. Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình của Hà Nội trong quý II là 86, hàm lượng bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm - micromet (PM 2.5) trung bình là 30,6 Micromet/m3.

Con số này thấp hơn so với tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh của quốc gia 50 micromet/m3. Số ngày vượt ngưỡng tiêu chuẩn PM2.5 quốc gia cũng giảm xuống chỉ còn 7 trong 91 ngày trong quý II.

Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể thì chất lượng không khí vẫn đang ở mức thấp, đặc biệt là khi so sánh với tiêu chuẩn PM 2.5 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hà Nội có 41 ngày trên 91 ngày vượt ngưỡng. Xoay quanh câu chuyện ô nhiễm không khí từ giao thông có liên quan đến số lượng xe, có thể khẳng định lượng phương tiện cá nhân vẫn đang ở mức cao.

Hạn chế lớn hơn cả là những xe máy “quá đát” hiện vẫn bị thả nổi, chưa có những quy định thu hồi xe máy cũ. Những xe cũ có lượng phát thải ra môi trường lớn và nó có thể ảnh hưởng đến môi trường như ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng. 

Làm sao cải thiện?

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, 70% lượng khí phát thải ra môi trường là đến từ các phương tiện giao thông. Bởi vậy, kiểm soát nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông là một trong những giải pháp trọng tâm và cần thiết để cải thiện tình trạng không khí hiện nay. Được biết, Hà Nội hiện đang tích cực tìm giải pháp nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân để từng bước kiểm soát và hạn chế những ảnh hưởng của khí thải phương tiện đến chất lượng không khí.

Trong tầm nhìn ngắn hạn, có thể khẳng định, việc thay đổi nhóm phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng có thể giảm bớt được lượng tiêu hao về năng lượng trở đi, lúc đấy cũng giúp làm giảm bớt tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông, hoặc thay đổi cơ cấu có sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch bằng các nguyên nhiên liệu mới như năng lượng mặt trời hay năng lượng thân thiện hơn… cũng là hướng để giảm tổng lượng phát thải trong lĩnh vực giao thông, trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Theo ThS. Đỗ Khắc Sơn - Giảng viên trường ĐH Giao thông Vận tải, để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí thì cần có những biện pháp kiểm soát số lượng phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. 

Tìm hiểu được biết, hiện nay một trong những hình thức khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch thì Sở GTVT còn khuyến khích bằng cách các đơn vị taxi hay công ty vận tải hành khách, xe buýt có kế hoạch, lộ trình thay xăng, dầu diesel bằng nhiên liệu sạch (CNG) - một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Với loại nhiên liệu này, không ít nơi cũng đang tiến hành sử dụng thử và cũng cho được những kết quả khả quan. Ví dụ như Hải Phòng, TP HCM, các công ty xăng trực thuộc Petrolimex cũng đã thử nghiệm sử dụng nhiên liệu thay thế bằng CNG…

Rõ ràng, trong bối cảnh giảm khí phát thải nhà kính hướng tới chính sách thì cần phải giảm nguồn phát thải. Để làm được điều này có thể thay đổi các loại hình vận tải sử dụng các loại xăng, dầu có nguồn gốc hóa thạch bằng các loại nhiên liệu mới sạch.

Trên thế giới hiện nay chúng ta đang sử dụng những loại xe chạy điện, hay năng lượng mặt trời. Đấy là hướng để giảm bớt việc sử dụng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch để dần giảm bớt lượng khí thải nhà kính. Đây là chính sách Việt Nam đang hướng tới để thực hiện. 

Hà Nội xếp thứ hai trong nhóm các TP ở Đông Nam Á tiếp xúc nhiều với không khí bị ô nhiễm

Theo WHO, năm 2016, hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Trong khi đó, từ số liệu của WHO, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) đưa ra con số có tới 90 ngày trong quý I năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.

Người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 TP được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm các nước Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).

Đọc thêm