Lời “kêu cứu” của hai loài thông quý Tây Nguyên

(PLO) - Thuỷ tùng, thông đỏ lá dài là hai loài thuộc nguồn gen quý, có giá trị cao. Nhưng nay chúng chỉ còn “lèo tèo” một, hai trăm cá thể ở Tây Nguyên nằm trên dãy Trường Sơn và đang đối diện với nguy cơ biến mất hoàn toàn khỏi Việt Nam.

Cành, lá, quả của cây thông đỏ lá dài.
Cành, lá, quả của cây thông đỏ lá dài.
Thông nước bên bờ vực diệt vong
Theo nhiều nghiên cứu, chiết xuất một số chất từ vỏ và lá thông nước để điều chế dược phẩm quý chữa ung thư, khử thấp, bệnh phong, cầm đau… Gỗ thông nước rất tốt, không bị mối mọt, có màu nâu đỏ với viền vàng rất đẹp nên được ưa chuộng để xây đền đài, nhà cửa, làm đồ mỹ nghệ, đồ dùng cao cấp...
Tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn (4/2012), nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa đã có báo cáo khẳng định: “Trên thế giới, thông nước chỉ còn có thể tìm thấy ở một số vùng ở phía Nam Trung Quốc, Lào và ở Việt Nam với khoảng 250 cá thể, phân bố hẹp ở 6 điểm nhỏ thuộc 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk, gồm: xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), xã Ea Drăng (huyện Ea H’Leo), xã Cư Né (huyện Krông Buk) và thị xã Buôn Hồ. Nguồn gen quý của loài này đang bị suy giảm mạnh và đối diện với nguy cơ tuyệt chủng”.
Vào đầu những năm 1980, ở xã Ea Drăng người ta đắp đập lấy nước tưới cho đồng ruộng xung quanh nên thông nước bị ngập sâu trong nước. Dù sau đó mực nước đập có hạ xuống nhưng loài này đã bị tác động sâu sắc, nhiều cây bị chết cành trơ thân, xơ xác. Nay số thông nước còn lại đang “sống mòn” trong khu vực có diện tích 42,5ha. Một số điểm khác ở Đắk Lắk, chỉ lẻ tẻ vài chục đến vài cây cuối cùng, có cây đã bị chặt mất phần ngọn, trơ lại phần gốc ngắn ngủi.
 
Đầu năm 2010, Trường Đại học Tây Nguyên lập dự án điều tra hiện trạng để làm cơ sở cho công tác bảo tồn. Qua kiểm đếm, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn sót lại đúng 256 cá thể. Rồi đến tháng 1/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước và thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh này nhưng hiện loài này chỉ còn lại  162 cây. Chúng phân bổ trên tổng diện tích 120ha, trong đó nhiều nhất tại huyện Ea H’leo (140 cá thể), còn lại là Krông Năng (21 cá thể), Buôn Hồ (1 cá thể) và đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Tại một vùng sình lầy ở Trấp Ksơr, xã Ea Hồ, trước thập kỷ 90 của thế kỷ XX có khoảng 40 cá thể phân bố trong khoảng 20ha. Nhiều cây có tuổi thọ từ 500-600 năm. Quần thụ thông nước này cao từ 10 đến 25m, đường kính từ 30 – 130cm. Trong đó, 11 cây có đường kính trên 100cm nhưng hầu hết là rỗng ruột hoặc cụt ngọn. Đến nay, người ta đã không tìm thấy ở đây còn cá thể thông nước nào. 
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên – TS. Trần Vinh, qua các khảo sát nghiên cứu của Viện mới đây, nguyên nhân chính dẫn đến những cây thông nước bị chết, vàng lá, rụng lá trong thời gian qua là do ngập nước. Đối với các cây con, hiện có 84 cây được trồng thử nghiệm tại Trạm Trấp Ksor đã chết do đập nước dâng cao, ngập hết các bộ phận của cây. Hiện thông nước không những bị hạn chế về mặt số lượng mà còn giảm sút về mặt chất lượng.
Một cây thông nước bị chặt phần ngọn.
 Một cây thông nước bị chặt phần ngọn.
Nhiều năm gần đây, do thị hiếu chuộng gỗ đẹp và có thông tin thông nước chữa được bách bệnh nên hàng trăm người đã đổ xô vào các quần thụ này, tìm mọi cách đào bới, triệt hạ trái phép… Loài cây này vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng thì nay lại càng gần hơn bờ vực của sự diệt vong.
Thông đỏ còn dưới 150 cây
Các kết quả nghiên cứu của TSKH. Trần Khánh Viễn - Nghiên cứu viên trưởng Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (C.N.R.S) đã khẳng định, hai dược phẩm được sử dụng hiệu quả nhất trong điều trị ung thư buồng trứng, vú, phổi, tử cung… là: Taxol (được phát triển từ phân tử Paclitaxel hoạt hóa của Công ty Bristol Myers Squibb - Mỹ) và Taxotere (được phát triển từ phân tử Docetaxel hoạt hóa của Công ty Sanofi – Aventis Pháp). Cả hai hoạt chất này đều được chiết xuất từ vỏ và lá cây thông đỏ. Nhưng  loài thông đỏ lá dài chỉ có ở Việt Nam có giá trị cao hơn thông đỏ nơi khác vì chỉ số tích lũy hoạt chất cao hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, ở Lâm Đồng chỉ còn chưa đầy 150 cá thể thông đỏ lá dài. Cụ thể, loài này phân bố nhiều nhất ở núi Voi, huyện Đức Trọng với khoảng 100 cá thể; huyện Lạc Dương có hai khu là Cổng trời và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà với khoảng hơn 20 cá thể; huyện Đơn Dương có khu vực núi Hồ Tiên với gần 15 cá thể; còn các nơi khác chỉ vài ba cây lèo tèo. Riêng cây thông đỏ lá dài “khủng nhất” ở núi Voi có đường kính 160cm, cao khoảng 35m.
Cặp lộc bình hoa làm từ gỗ thông nước được rao bán trái phép trên mạng.
 Cặp lộc bình hoa làm từ gỗ thông nước được rao bán trái phép trên mạng.
Có một quy ước của giới nghiên cứu thông đỏ là không bao giờ chỉ cho người ngoài về thông đỏ lá dài cuối cùng còn hiện hữu ở Lâm Đồng. Nhưng quy ước tồn tại gần 100 năm qua ấy đã bị sụp đổ vì họ phải lên tiếng rằng: Rừng thông đỏ lá dài nguyên thủy hiếm hoi, được hình thành cách đây từ 2 – 5 nghìn năm đang đứng bên vực thẳm biến mất hoàn toàn không dấu vết.
Bảo tồn chưa đến đâu
Đối với việc bảo tồn và duy trì nguồn gen cho Thông nước, một trong những phương pháp có kết quả ban đầu là dùng nhánh của thông nước ghép vào gốc của cây bụt mọc (một loài cây cùng họ với Thông nước). Nhưng, khi đưa hơn 250 cây con vào trồng thử nghiệm ở 2 quần thể thủy tùng Ea Ral và Trấp Ksor thì sau 2 năm, cây phát triển rất chậm, tỷ lệ mọc rễ quá thấp (giâm hom sau 9 tháng, tỷ lệ ra rễ chỉ từ 10 – 15%), nhiều cây héo dần và chết.
Tỉnh Đắk Lắk và kiểm lâm địa phương đã có cố gắng bảo tồn thông nước bằng việc lập các trạm bảo tồn trên diện tích nhỏ. Nhưng “cuộc chiến gỗ quý thủy tùng” giữa lực lượng bảo vệ rừng và lâm tặc hiện vẫn chưa có hồi kết.
Còn với thông đỏ lá dài, nguyên nhân phẩm chất giảm sút nghiêm trọng là do sự tự suy thoái của quần thể và áp lực khai thác quá cao. Trong khi đó, loài này có đặc tính tái sinh kém, không có thế hệ trung gian  trong khi từ trước đến nay vẫn chưa có bất kỳ một phương án nào bảo vệ, phát triển loài cây đặc biệt quý hiếm này.
Khi biết về hàm lượng chiết xuất hợp chất chế thuốc chữa ung thư của thông đỏ lá dài, có người đã thốt lên rằng: Phát triển các trang trại trồng thông đỏ theo mô hình công nghiệp để bào chế thuốc trị ung thư! Rồi cành cây thông đỏ lá dài đã được đưa về giâm hom tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng và đã tạo ra được nhiều cây hom cho từng cây cá thể riêng biệt. Nhưng bởi  đặc tính tái sinh quá kém nên người ta tính ra rằng, cứ trồng 100 năm cây mới to bằng… bắp chân người./.

Đọc thêm