Lời thề vọng mãi ngàn năm

(PLVN) - Nói đến nghề y, mọi người đều liên tưởng đến bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng cùng với chiếc ống nghe đeo ở cổ. Và để bước được vào nghề, các thầy thuốc phải nhớ rõ về lời thề Hippocrates, được coi là chuẩn mực của y đức. Vậy những điều quen thuộc gắn liền với bác sĩ này được hình thành như thế nào?
Áo blouse trắng của bác sĩ  như sự tinh khiết của nghề nghiệp
Áo blouse trắng của bác sĩ như sự tinh khiết của nghề nghiệp

Bác sĩ đầu tiên trên thế giới và lời thề “vì lợi ích bệnh nhân”

Quan niệm truyền thống cho rằng Hippocrates, người được coi là cha đẻ của y học phương Tây, là tác giả của Lời thề Hippocrates. Sinh vào khoảng 460-370 trước Công nguyên tại đảo Cos, Hy Lạp, Hippocrates được học nghề y từ cha là Heracleides và trở thành một y sĩ Hy Lạp. Thời đó, y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật được chữa trị bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí.

Tuy nhiên, Hippocrates bác bỏ những quan niệm này. Ông là người đầu tiên coi y học là ngành khoa học và cho rằng mỗi bệnh tật đều có nguyên nhân tự nhiên riêng. Hai nguyên tắc y học nổi tiếng của ông là: “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi”.

Lời thề Hippocrates
 Lời thề Hippocrates

Màu trắng của áo blouse bác sĩ vì đâu mà có?

Những chiếc áo choàng trắng dài đến gối (hay còn gọi là blouse trắng) gắn liền với hình ảnh của bác sĩ  bắt nguồn từ trang phục của những nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm, chính thức được sử dụng vào đầu thế kỷ XX.

Trước thời điểm đó, y học nói chung bị xem là lĩnh vực của phù thủy, pháp sư và thầy lang, những người không được đào tạo chính thống và mặc quần áo bình thường ngay cả trong phòng mổ.

Khi đó, các nhà khoa học chứng minh nhiều loại thuốc và phương pháp chữa bệnh mà bác sĩ áp dụng không đem lại hiệu quả. Điều đó khiến người dân ngày càng mất lòng tin vào những người làm nghề y.

Để lấy lại sự tin tưởng của bệnh nhân, các bác sĩ cũng chọn áo choàng trắng làm đồng phục như ngầm chứng tỏ họ giống như nhà khoa học và khiến bệnh nhân yên tâm hơn.

Trang phục này còn giúp đảm bảo môi trường vô trùng và xoa dịu tâm lý của các bệnh nhân. Đặc biệt, màu truyền thống của áo trong phòng thí nghiệm là màu be, nhưng các bác sĩ đã chọn màu trắng để tượng trưng cho cuộc sống và sự tinh khiết đúng như tinh thần của lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi”.

Tuy nhiên, việc sử dụng trang phục này cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của chính những người làm trong nghề.

Nhóm đồng tình cho rằng áo blouse trắng giúp các bác sĩ có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp và làm bệnh nhân thấy thoải mái. Trong khi đó, phe đối lập lại khẳng định đó là biểu tượng xa lánh sự tôn nghiêm của ngành y.

Mặc dù vậy, tại nhiều nước, lễ mặc áo choàng trắng (white coat ceremony) vẫn được nhiều sinh viên ngành y, bác sĩ coi trọng. Điều đó có ý nghĩa đánh dấu bước khởi đầu của họ với nghề.

Vì vậy, ông dành thời gian nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, tìm hiểu các nguyên nhân có chứng cớ, trực tiếp, và các nguyên nhân còn chưa rõ của bệnh tật. Từ đó, Hippocrates kết luận bệnh tật là do mất cân bằng tỷ lệ dịch trong cơ thể gây ra. Khi điều này xảy ra, thầy thuốc có thể can thiệp giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng. Hippocrates luôn khuyên các thầy thuốc ghi chép lại các phát hiện và phương pháp điều trị của họ để truyền lại cho các thế hệ sau áp dụng. 

Đến nay, phần lớn những gì được biết về phương pháp y học đến từ một bộ sưu tập hơn 60 cuốn sách y học Hippus Corpus, được coi là những tác phẩm cổ nhất về y học. Bộ sưu tập được biên soạn 100 năm sau khi ông qua đời.

Dù rằng, một số tài liệu của Hippocrastes đến nay không còn phù hợp để áp dụng cho y khoa hiện đại, song vẫn tồn tại như là nền tảng cho các sinh viên tốt nghiệp y tế tuyên thệ lúc bắt đầu sự nghiệp của họ với nguyên lý cơ bản là: “Thực hành y học với khả năng tốt nhất của một người, chia sẻ kiến thức với các bác sĩ khác, thái độ thông cảm, từ bi, tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân và giúp ngăn ngừa bệnh tật bất cứ khi nào có thể”. 

Và đó cũng chính là "Lời thề Hippocrates" - một tài liệu quen thuộc về thực hành y tế và đạo đức trong ngành y. Dù rằng, một số nhà nghiên cứu cho rằng lời thề Hippocrates là do những môn đồ của Pythagoras soạn ra vì thời điểm xuất hiện của lời thề này vào khoảng thế kỷ IV TCN, được viết bằng tiếng vùng Ionia của Hy Lạp cổ đại. Mặc dù vậy, trong cộng đồng y khoa, lời thề này mặc nhiên được chấp nhận là của Hippocrates và vẫn được các bác sĩ trang trọng xưng tụng trước khi bắt đầu hành nghề y.

Đến nay, cái chết của Hippocrates hay tuổi tác của ông vẫn còn là một bí ẩn, chỉ biết rằng ông là bác sĩ đã đóng góp lớn cho y học và thiết lập một tiêu chuẩn thực hành đạo đức của nghề y.

“Miễn người dân khỏi bệnh, họ không biết tôi là ai cũng không sao”

Một trong những nội dung của lời thề Hippocrates là: “Tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi”. Và quả thật, sự tinh khiết cho cuộc đời và cho nghề nghiệp này đã và đang được các thế hệ bác sĩ gìn giữ và thực hiện, mà gần đây nhất là đội ngũ những bác sĩ, nhân viên y tế quả cảm ở tâm dịch Vũ Hán. 

Với nhiều y, bác sĩ ngày đêm mặc đồ bảo hộ kín mít chống dịch tại Trung Quốc, điều mong mỏi nhất là ngày càng chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân để nhanh chóng dập tắt dịch. "Hôm nay, có tổng cộng 11 bệnh nhân trong phòng tôi phụ trách được xuất viện. Tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng", bác sĩ Shang Xiending, thuộc nhóm nhân viên y tế từ Phúc Kiến tới hỗ trợ Vũ Hán chống dịch, chia sẻ với truyền thông.

Mỗi buổi sáng, Shang sẽ tới kiểm tra các giường bệnh. Gần đây, có nhiều bệnh nhân đã được xuất viện nhưng tình hình dịch vẫn rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân nguy kịch và nhập viện mới cũng tăng trong khi lượng giường bệnh có hạn, khiến đội ngũ chữa trị gặp áp lực rất lớn.

Giữa tình hình khó khăn, Shang và nhiều đồng nghiệp được tiếp thêm sức mạnh khi nhận về những lá thư cảm ơn của bệnh nhân. Một số chỉ biết cô là bác sĩ đến từ Phúc Kiến mà không rõ tên tuổi hay đơn vị cụ thể. "Bệnh nhân không cần phải nhớ tôi là ai, miễn họ được khỏe mạnh xuất viện, chúng tôi sẽ rất hạnh phúc", nữ bác sĩ chia sẻ.

Một câu chuyện cảm động khác về nữ bác sĩ Wang Xiaoting. Làm việc ở tâm dịch, vì thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh nhân nên cô cần cách ly với gia đình. Hết giờ làm, cô trở về một khách sạn nhỏ dành riêng cho các y, bác sĩ đang tham gia điều trị tại một bệnh viện gần đó.

Từ 3 giờ sáng, nữ bác sĩ đã phải rời khỏi khách sạn, đi bộ tới bệnh viện để chuẩn bị vào ca trực của mình, người chồng của cô - anh Wang Yinghe đã xuất hiện, chầm chậm lái xe theo sau vợ để vợ cảm thấy an tâm trên chặng đường di chuyển tới bệnh viện, đồng thời đèn xe cũng sẽ giúp cô nhìn thấy đường dễ dàng hơn vì trời còn chưa sáng. Đây là cách duy nhất để anh có thể cùng đồng hành với vợ trên một đoạn đường trong những ngày này.

Dù họ không thể trực tiếp gặp gỡ, nhưng hai vợ chồng vẫn thường xuyên trò chuyện qua video chat mỗi khi có thời gian. Anh Wang cũng thường gửi đồ ăn tẩm bổ tới khách sạn nhỏ nơi vợ anh đang lưu lại những ngày này.

Ở Việt Nam, tại Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội, ngôi miếu nhỏ thờ các y, bác sĩ đã chết khi dịch Sars bùng phát năm 2003 luôn nghi ngút khói hương. Linh hồn của họ đã theo mây trời, nhưng thông điệp: “Tất cả vì bệnh nhân” từ cái chết của họ để lại cho cuộc đời thì vang mãi ngàn năm… 

Nguyên văn Lời thề Hippocrates

“Tôi tuyên thệ với Apollo, thần chữa bệnh, Asclepius, Hygieia và Panacea và tôi minh chứng với tất cả các nam thần, các nữ thần, tôi gìn giữ, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, lời thề sau đây:

Yêu kính như là cha mẹ tôi, người đã dạy tôi môn học này; sống hòa nhã với thầy và nếu cần, chia sẻ tài sản với thầy; chăm sóc con cái thầy như là anh chị em tôi và dạy họ môn học này.

Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi và không bao giờ làm hại ai.

Tôi không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kỳ ai hỏi tôi và sẽ không tư vấn một kế hoạch như vậy. Tôi sẽ không cho bất kỳ người phụ nữ nào một dụng cụ phá thai.

Tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi.

Tôi sẽ không giải phẫu để lấy sạn, kể cả đối với bệnh nhân biểu lộ là mang bệnh này. Tôi sẽ dành việc giải phẫu cho những y sĩ, chuyên gia về bệnh này.

Mỗi căn nhà tôi bước vào vì lợi ích của bệnh nhân của tôi, giữ gìn tôi khỏi mọi ý đồ xấu xa và mọi cám dỗ, đặc biệt là khỏi các khoái lạc tình yêu với phụ nữ hay với nam giới, dù họ là người tự do hay nô lệ.

Tất cả mọi điều tôi biết trong khi hành nghề hay trong giao tiếp với mọi người mà không nên để lộ ra ngoài, tôi sẽ giữ bí mật và sẽ không bao giờ tiết lộ.

Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi. Nếu tôi đi trái đường và vi phạm lời thề, những điều ngược lại sẽ đến với tôi”.

Đọc thêm