Luật hóa công tác xã hội để thích ứng bối cảnh già hóa dân số

(PLVN) - Từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình của nước ta đã tăng từ 68,8 tuổi (1999) lên tới 73,2 tuổi (2014) và dự báo sẽ tăng tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi (2050). Tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong số đó,  có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên,  chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi.  Cùng với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng thì hầu hết người cao tuổi có sức khỏe kém,  sống thu mình,  cô đơn do các hỗ trợ truyền thống từ gia đình bị thu hẹp vì số con giảm,  tăng số người độ tuổi lao động đi làm ăn xa.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác xã hội đối với người cao tuổi để qua đó thực thi hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.  Tuy nhiên,  hiện nay hoạt động công tác xã hội đối với người cao tuổi hiện nay vẫn còn nhiều thách thức,  mang tính phong trào,  từ thiện là chủ yếu.

"Do đó,  việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và hoàn thiện các chương trình cung ứng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc người cao tuổi là cần thiết.  Muốn vậy,  phải có giải pháp giải quyết các yếu tố,  điều kiện cho công tác xã hội còn thiếu như khung pháp lý,  nguồn nhân lực cho mạng lưới công tác xã hội,  nhận thức về sự cần thiết,  tính ưu việt của nghề, cơ sở thực tập,  hành nghề... " - bà Nguyễn Thị Hà,  Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh tại buổi hội thảo "Công tác xã hội thích ứng với bối cảnh già hóa dân số" diễn ra hôm qua (17/1).

Cũng trong khuôn khổ hội thảo,  Cục Bảo trợ xã hội,  Bộ LĐTBXH phối hợp với Tạp chí Lao động xã hội đã trao giải "Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội năm 2018". Phóng viên Bùi Thị Xuân Hoa của báo Pháp luật Việt Nam đạt giải Ba với tác phẩm "Chuyện những người chọn nghề công tác xã hội".

Đọc thêm