'Luật rừng' ở bãi rác Nam Sơn

(PLO) - Ai không đóng "tô" chỉ được phép “mót” lại sau khi chủ lán và người thuộc sự quản lý của họ đã bỏ đi hoặc chỉ được mon men bên ngoài. Nếu “xâm phạm” lãnh thổ là có thể bị ăn cào sắt, móc sắt bất cứ lúc nào. Không chỉ tô thuế, một số quản lý còn cho người nhà vào trước để “hớt sạch” những rác… ngon trước, còn rác xấu để lại cho những người đã có “hợp đồng” hàng tháng.
Những người nhặt rác… trực giờ mở cổng bãi rác
Những người nhặt rác… trực giờ mở cổng bãi rác

Bãi rác Nam Sơn (thuộc địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) vẫn đang được bàn tới hàng ngày vì vấn đề môi trường, thậm chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với những người dân sống xung quanh khu vực bãi rác để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Nhưng không thể phủ nhận một điều thực sự nghịch lý, bãi rác ấy là nơi đã và đang nuôi sống hàng trăm hộ gia đình…

Rác… “ngon”, rác “đẹp”…

Đêm nào cũng vậy, tầm 2-3h sáng, hàng nghìn người dân tụ tập trước cổng bãi rác để chờ “giờ vàng” là xông vào bới, nhặt… Nơi đây vẫn thường được người dân trong vùng ưu ái ví von  là công trường,  xí nghiệp hay thậm chí là nồi cơm Thạch Sanh của họ. 

Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1979, ngụ thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn) mặc một chiếc áo sẫm màu, chân đi đôi ủng dày cộp, đầu đội mũ lưỡi trai lụp xụp kèm chiếc đèn pin như dân đi mỏ cùng một mớ khẩu trang đeo kín mặt lùi lũi đứng xếp hàng sau hàng chục người. Chị cho biết không phải ai cũng có thể “bước chân” vào bãi rác bởi quy định ngặt nghèo của chủ lán. Ngoài ra do giờ “hành nghề” (giờ nhặt rác - PV) thường chỉ diễn ra từ khoảng 2-6h sáng nên cũng sự hiện diện của những kẻ lạ mặt ở “nghĩa địa tăm tối” này đều rơi vào tầm ngắm đặc biệt của chủ lán.

Ở đây, không khí trong lành của buổi sáng sớm và những dãy núi phủ đầy cây xanh vây quanh không đủ để xua tan những thứ mùi nồng nặc bốc lên. Cái thứ mùi xú uế ấy thậm chí còn bao trùm lên khắp không gian trong bán kính khoảng 2-3km. Nhưng mặc kệ mọi sự ô nhiễm, mặc kệ mùi bốc lên, với 5-6 lớp khẩu trang những người kiếm ăn từ bãi rác vẫn vô tư vồ vập “ôm rác” hàng đêm để nuôi sống gia đình mình. 

Giữa bãi rác, cả đoàn quân nhặt rác trong trang phục bẩn… hơn trâu đằm hì hục làm việc. Chân tay họ liên tục hoạt động, đào xới, bới, nhặt... Những cơ thể nhỏ bé đầm đìa mồ hôi như đang phải tắm hơi trong hỗn tạp mùi thối. Họ không ngần ngại dẫm lên những đống rác ngập ngang chân để nhặt, để xới, cời từng đống rác. Túi nilông, bao tải, túi xách, quần áo rách, chai, nhựa,… thậm chí là hột xoài đều gắn liền với miếng cơm, manh áo hàng ngày của họ. 

Bên ngoài những dáng người lúi húi đào xới là những tiếng rao cất lên uể oải “Ai lông gà, lông ngan, quần bò tóc rối bán đi”, “Ai xương trâu, xương bò bán đi”... Đây là những thứ mà người nhặt rác có thể bán ngay tại bãi. Giá quần bò khoảng 500-700 đồng/chiếc, túi nilông khoảng 8.000/kg, xương trâu, bò khoảng 1.500/kg… Các loại phế liệu khác sau khi thu gom phải mang về “sơ chế” thì mới bán được. Thậm chí rác được phân làm nhiều loại, từ hàng đẹp, ngon cho đến rác xấu. 

“Hàng đẹp” là rác ở chợ, xí nghiệp... có nhiều túi nilông, nhựa,… hàng xấu là rác cũ, rác vụn đã bị hớt hết “mầu” bởi những người nhặt rác vụn hàng ngày vẫn đạp xe khắp phố phường mua đồng nát. Chị Hà cho biết, người khỏe cật lực mỗi đêm cũng chỉ nhặt được lượng rác tương đương với khoảng 100.000. Chị bảo, dù ít nhưng cũng đủ để nuôi sống tằn tiện một gia đình trong một tháng. 

Giữa đám đông vẫn đang hùng hục đào bới xới nhặt, một người đàn bà vừa lúi húi bới rác vừa than: “tưởng trời mưa sẽ kiếm được nhiều… ai dè… đông quá…hôm nay lại đói rồi”. Những người bên cạnh tay vẫn thoăn thoắt và im lặng trước lời than thở tưởng như đánh trúng tim đen của họ. Mỗi người một việc, dường như trong đầu họ, ở nơi bần cùng này, chả có gì khiến họ có thể cắt đi mạch nhắc nhở “nhặt rác”, “đầy túi” và bán được giá cao. 

Vì chỉ có 3-4 tiếng đồng hồ nhặt rác nên họ tập trung cao độ vào công việc
Vì chỉ có 3-4 tiếng đồng hồ nhặt rác nên họ tập trung cao độ vào công việc

Muốn nhặt rác phải đóng tiền

Đời sống nông thôn ở huyện Sóc Sơn vốn đã chật vật so với nhiều huyện ngoại thành khác của Hà Nội. Họ làm cật lực với ruộng đồng, chăn nuôi cũng chỉ đủ vài miếng ăn bỏ vào miệng. Từ khi nơi đây trở thành “thủ phủ” của rác, đất ruộng không còn, nhiều hộ dân chuyển sang nghề bới rác. Chị Hà tâm sự: “Dù hàng ngày bị hành hạ bởi thập cẩm mùi hôi thối nhưng ít ra cũng kiếm được ra tiền chứ làm ruộng mỗi ngày lấy vài chục nghìn cũng khó”. Thế là cả chục năm nay, người dân địa phương chẳng ai bảo ai cứ đua nhau đi “phân loại rác”.

Đặc biệt từ sau thông tin có người đi nhặt rác vớ được 11 cây vàng, lượng người đổ xô hành nghề nhặt rác tại Nam Sơn tăng đột biến. Trước đây, người nhặt thì ít, rác lại nhiều, kiếm ăn dễ nhưng cũng vì thế đã xảy ra việc tranh chấp, đánh nhau. Để hạn chế mâu thuẫn, xí nghiệp môi trường đã lập nên đội “quản lý” là các chủ lán để duy trì an ninh trật tự bãi. 

Nhìn bề ngoài mối quan hệ giữa “chủ - tớ” rất hài hòa. Chủ lán chỉ có nhiệm vụ duy nhất: cảnh giới người lạ xâm nhập, kiêm nhiệm với nhiệm vụ giữ trật tự. Hễ cứ có người lạ mặt xuất hiện trong bãi là họ tra hỏi liên tục, nếu không sẽ đưa mắt soi từng centimet, từng nhất cử nhất động để canh chừng lãnh địa khỏi bị xâm phạm và âu cũng phần nào giữ miếng cơm cho người bới. Vì vậy, những người bới rác mới có thể tận dụng khoảng thời gian ít ỏi mà say sưa lăn xả, nhặt nhạnh kiếm tìm. 

Tuy nhiên, theo chị Hà, từ khi có quyền làm chủ lán, các ông chủ cũng đưa ra những luật làm ăn riêng. Chị bức xúc cho biết, cứ đến giờ “vàng” (giờ mở cửa bãi rác - PV) đội chủ lán khoảng 20 người được phép vào trước để nhận bãi, cắm mốc, chia nhau lãnh địa. Mỗi chủ lán cai quản 1-2 nhóm, mỗi nhóm khoảng 20 người. Họ chỉ được phép “hành nghề” trên vùng lãnh thổ đã được phân chia cho chủ lán. 

Mỗi người bới rác thường xuyên sẽ phải nộp “tô” cho chủ lán khoảng 200.000 nghìn đồng/tháng. Ai không đóng chỉ được phép “mót” lại sau khi chủ lán và người thuộc sự quản lý của họ đã bỏ đi hoặc chỉ được mon men bên ngoài. Nếu “xâm phạm” lãnh thổ là có thể bị ăn cào sắt, móc sắt bất cứ lúc nào. Không chỉ tô thuế, một số quản lý còn cho người nhà vào trước để “hớt sạch” những rác… ngon trước, còn rác xấu để lại cho những người đã có “hợp đồng” hàng tháng. Và nếu người bới mà vớ được hàng ngon (tiền, dây đồng, vàng, túi bóng…) phải nộp lại.

Như vậy, thu nhập của những người chủ lán luôn ở mức khủng - gấp từ vài lần đến vài chục lần so với dân bới thường. Dần dần, dân bới cũng khôn ra. Họ im ỉm giấu rác về nhà để phân loại, bán cho được giá. Như thế, trừ đi khoản tiền thuế phải đóng, họ mới có thể bù đắp cho xứng với những giọt mồ hôi đã bỏ ra dù vẫn còn khập khiễng.

Rất nhiều người bức xúc với cách cai quản của chủ lán nhưng họ cũng phải thừa nhận, nhờ có đội ngũ ấy mà bãi rác có quy củ hơn, ít xảy ra tranh cướp, đánh nhau trên bãi. “Nhưng muốn được yên thân cũng phải “biết điều” với chủ lán cô ạ. Cũng phải biết xum xoe, nói vài câu để chúng mát lòng, mở dạ, thấy mình ngoan, chúng cũng ưu ái, phân cho nhặt ở những bãi rác ngon hơn” - chị Hà tâm sự. 

Nghe những lời tâm sự của chị mà thật sự xót xa. Chúng tôi hỏi “chị không sợ bị mắc bệnh sao, mùi tạp phí lù như thế, dễ gieo rắc bệnh tật”. Chị Hà chép miệng thở dài, bảo “Không sống với rác có khi còn chết ngay vì đói, sống với nó thì chết từ từ… nên chúng tôi đành phải lựa chọn thôi”.          

Đọc thêm