'Lưng gù' cần mẫn dọn hè phố làm đẹp cho đời

(PLO) - Cứ khoảng 5h sáng, nhiều hành khách và người dân sống xung quanh khu vực Ngã tư Hà Lam (TT. Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lại thấy một người đàn ông gù lưng cần mẫn quét dọn góc phố. Chiều tối, người ta lại thấy ông kéo đẩy hàng hóa cho những hộ buôn bán quanh khu vực.
Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình
Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình

“Thân hình khiếm khuyết, quần áo cũ kỹ nhưng ông ấy là một hình ảnh đẹp giữa cuộc đời này”, một người dân nhận xét. 

Bệnh tật nhưng vẫn cần mẫn lao động

Chúng tôi nghe được câu chuyện về người đàn ông trên từ một hành khách trên chuyến xe qua Ngã tư Hà Lam. Anh kể, hàng ngày anh đón xe vào thành phố Tam Kỳ công tác. Khi đi qua Ngã tư Hà Lam, anh thường nhìn thấy một người đàn ông quét rác. Anh không biết tên người đó là gì nhưng hình ảnh người đàn ông ấy đã in đậm trong tâm trí anh.

Tìm đến Ngã tư Hà Lam, hỏi một chị bán nước ngọt bên đường thì được chị vui vẻ trả lời: “Ông Ngô đấy. Ông ấy tội nghiệp lắm, không có nhà cửa chi mô, sống quanh quẩn ở đây thôi”.

Theo tay chị bán nước, chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông dáng nhỏ thó, lưng gù, trên mặt có một cục bướu nhỏ đang đẩy xe hàng cho các hộ buôn bán. Hỏi ông tên gì, ông trả lời tên Nguyễn Văn Ngô, 52 tuổi, quê ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình. Hỏi ông ở Ngã tư bao lâu rồi, ông trả lời “Lâu rồi”. Vỏn vẹn bấy nhiêu từ, rồi ông lặng lẽ đi làm các công việc của mình. 

Chị Ngô Thị Kim Anh (bán bún) kể, khi chị còn thiếu nữ, đã thấy ông Ngô đến khu vực này làm việc và sinh sống. Từ đó đến giờ, chị nhẩm tính đã gần 30 năm. Chị Nguyễn Thị Hiền (bán bánh mì) thì cho hay, lúc ông Ngô đến, lưng đã gù, trên mặt đã có cục bướu, chân tay run rẩy. 

Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình

Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình

Theo nhiều người, ông mắc bệnh gì đó nhưng hoàn cảnh khó khăn nên ông không đến bệnh viện thăm khám, chữa trị. Còn chúng tôi hỏi thì ông trả lời “Không chết đâu mà…”.

Tìm hiểu từ những người sống xung quanh được biết, vì khiếm khuyết nên ông Ngô không có gia đình. Không vợ không con, lại mang bệnh tật trong người nên ông muốn tự mình mưu sinh, không làm gánh nặng cho người thân. 

Nhận thấy Ngã tư Hà Lam là nơi có nhiều người buôn bán, ông rời quê hương đến đây xin khuân vác hàng hoặc làm những việc lặt vặt cho các hộ kinh doanh. Ban đầu, thấy ông bệnh tật nên nhiều người có phần e ngại. Về sau biết ông thật thà, không rượu chè, mọi người tin tưởng giao việc cho ông. 

Cứ tầm 15h, ông khuân vác bình nước, bàn ghế, nồi xoong… cho các hộ kinh doanh ăn uống, giải khát. Hết hộ này đến hộ khác, hết dọn hàng ra rồi dọn hàng vào, ông cần mẫn làm việc đến tận khuya. Các hộ kinh doanh - người trả ông 10 ngàn, người trả ông 20 ngàn. Trả bao nhiêu ông nhận bấy nhiêu, không kêu ca cũng không chểnh mảng công việc của mình. Thỉnh thoảng những người qua đường tốt bụng biếu ông đồng quà, tấm bánh.

Thấy ông Ngô bệnh tật, nhiều người mách ông đi xin ăn cho đỡ nhọc thân. Thế nhưng người đàn ông khiếm khuyết này lại bảo, ông còn sức thì còn làm, ông thích sử dụng những đồng tiền từ công sức lao động của ông. Thương ông mang vác vất vả, một tài xế tắc-xi tên Tiến Anh đã tặng ông chiếc xe đẩy. Nhờ chiếc xe đẩy này mà thời gian gần đây ông làm việc thuận lợi hơn.

Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình

 Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình

Làm đẹp cho đời

Khi công việc dọn hàng cho các hộ buôn bán ban đêm đã xong. Tối ông ngủ ở vỉa hè hoặc trong hiên nhà người dân. “Nhà” của ông là một chiếc giường nhỏ, có thể di động xung quanh khu vực ngã tư. Hộ kinh doanh nào cần gì và bất cứ lúc nào cũng có thể gọi ông. Chị Anh kể, thi thoảng ông Ngô cũng “báo phép” để về quê dự đám giỗ hay thăm người thân. Những ngày không có ông, các hộ kinh doanh trở nên vất vả hơn. 

Hàng ngày, khoảng 4h sáng ông Ngô dậy và lặng lẽ quét dọn xung quanh khu vực Ngã tư. Khi mọi người vẫn còn ngon giấc thì tiếng chổi tre của ông đã xào xạc trên đường phố. Để rồi khi bình minh lên, trẻ em đi học, người lớn đi làm thì Ngã tư đã được gọn gàng, sạch sẽ. 

Thương ông, các hộ kinh doanh thay nhau nấu cho ông ăn, khi thì bát bún, khi thì đĩa cơm. Chị Anh kể, vài lần ông bị tai nạn giao thông, các chị thay phiên nhau giặt giũ, chăm sóc ông. Chị Anh cho biết thêm, các chị còn bàn tính đến việc tạo cho ông một khoản tiền để lo cho ông lúc ốm đau hoặc hậu sự sau này. 

Chị Bùi Thị Hương (bán nước mía) và nhiều tài xế tắc-xi chia sẻ, ông là người bình dị nhưng cũng rất cao quý. Dù bệnh tật nhưng ông không đi xin ăn như nhiều người vẫn thường làm. Ông sống bằng sức lao động của mình và ông đã đỡ đần công việc cho rất nhiều người. 

Ông Ngô nhận những đồng tiền từ sức lao động của mình
Ông Ngô nhận những đồng tiền từ sức lao động của mình

Xem Ngã tư Hà Lam là quê hương của mình, xem những người buôn bán ở đây là người thân, ông Ngô đã gắn cuộc đời mình với mảnh đất, con người ở đây. “Có lần hay tin tôi ốm, ông Ngô đã mang một lon nước giải khát đến thăm tôi khiến tôi rất cảm động”, chị Kim Anh chia sẻ.

Trong lúc đang tìm hiểu thông tin ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe giọng phụ nữ gọi “Ông Ngô ơi, mang cái này…”. Không trả lời nhưng người đàn ông có chiếc lưng gù và cái bướu trên mặt lặng lẽ đến làm công việc của mình. Có thể ông không biết, hình ảnh ông quét rác ở Ngã tư mỗi sớm mai đã in đậm trong tâm trí nhiều người. Và những hình ảnh ấy đã làm đẹp thêm cho cuộc đời, như lời người hành khách mà tôi đã nghe được.

Đọc thêm