Ly kỳ chuyện cây se duyên, rắn cứu người bên miệng giếng thiêng

(PLO) -Giếng Truông là một giếng làng nổi tiếng ở vùng Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Trải qua hàng trăm năm, giếng vẫn cho nguồn nước ngọt ngào. Cạnh giếng còn có một cây sanh cổ thụ. Hai “báu vật” gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, nhuốm màu huyền thoại…
Cây sanh cổ thụ ở thôn Tân Thành.
Cây sanh cổ thụ ở thôn Tân Thành.

Sống nhờ “lộc” giếng

Theo gia phả họ Bành ở thôn Tân Thành (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), giếng Truông được xây dựng vào cuối đời chúa Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1734) đến đầu đời Nguyễn Phúc Ánh (1780 - 1819). 

Giếng Truông nằm trong vườn nhà ông Bành Quang Cảnh, hậu duệ đời thứ 9 của cụ Bành Đình Thanh (ông tổ họ Bành). Cụ tổ họ Bành tới lập nghiệp ở xã Tam Quan Bắc tính đến nay đã hơn 300 năm. Chính cụ Bành Đình Thanh là người đã tìm ra mạch nước và cho đào chiếc giếng quý giá này.

Giếng Truông được đào theo hình tròn, rộng 1,2m, sâu 8m, nằm dưới rừng dừa râm mát. Trải qua năm tháng, nắng mưa, thành và bệ giếng bị hư hỏng phải sửa chữa nhiều lần. Giá trị của giếng Truông không chỉ đơn thuần nằm ở tính lịch sử lâu đời, mà chủ yếu bởi nguồn nước mạch dồi dào, tinh khiết và rất ngọt. Trong khi đó, tất cả các giếng trong vùng đều phần nào bị nhiễm mặn bởi ở gần biển. 

Ông Cảnh cho biết: “Vào mùa khô kiệt, nhiều giếng trong vùng bị hết nước nhưng giếng Truông vẫn đều đặn cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân. Không chỉ hơn 400 hộ dân của thôn Tân Thành, nước giếng Truông còn lan tỏa khắp vùng Tam Quan rộng lớn. Hầu như suốt cả ngày lẫn đêm, ở giếng lúc nào cũng có người lấy nước; xe ba gác, xe máy, xe đạp chuyên chở nước. Buổi trưa hè, uống một gáo nước lạnh từ giếng Truông nghe ngọt lòng, mát dạ”.

Từ ngày được xây dựng, mỗi ngày, có hàng trăm lượt người đến giếng Truông lấy nước. Có người lấy nước về dùng, có người lấy về đổi cho người khác. Là người có thâm niên 20 năm trong nghề đổi nước giếng Truông, bà Nguyễn Thị Phải (45 tuổi, ở thôn Tân Thành) nổi tiếng là người dẻo dai, ít ốm đau, nên giữ được nhiều mối quen. Ngày nắng cũng như mưa, từ tờ mờ sáng, bà đã dắt xe đi chở nước. 

Bà Phải cho biết: “Xưa, người đổi nước còn dùng quang gánh, gánh được đôi thùng nước đến nơi phải nghỉ dọc đường năm, bảy lần, nước sánh ra ngoài chẳng còn được bao nhiêu. Giờ nhiều người đổi nước dùng xe ba gác máy chở nước nên làm ăn khấm khá hơn.

Còn tôi, với một chiếc xe đạp, một lần tôi chở 4 can, mỗi can 20 lít, giá đổi 1 can là 5 nghìn đồng. Một ngày tôi chở được 6 đến 7 chuyến, thu nhập cũng hơn 100 nghìn đồng, đủ trang trải được cuộc sống”.

Không chỉ phục vụ nhu cầu nước trên đất liền, nước ngọt giếng Truông còn đồng hành với ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Ông Huỳnh Thanh Long (53 tuổi, một chủ ghe ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc) thổ lộ: “Để chuẩn bị cho chuyến đi biển, trước tiên trên mỗi tàu đều phải dự trữ từ 1 đến 2 phi nước giếng Truông, ít nhất thì cũng phải cố gắng có vài can”.

Chữa bệnh, se duyên?

Cách giếng Truông khoảng 100m có một cây sanh cổ thụ, đường kính khoảng 8m, cành lá xum xuê. Ông Cảnh cho biết: “Khi tôi sinh ra đã thấy cây sanh này rồi. Nghe ông bà kể lại, cây sanh này đến nay cũng đã hơn 300 tuổi. Người dân ở đây đều tin vào sự linh thiêng của cây cổ thụ này. Họ cho rằng những điều họ cầu khấn hợp với ý trời và lòng người đều thành hiện thực. Dần dần, mọi người truyền tai nhau, nhiều người ở nơi khác cũng đến cầu nguyện”.

Ông Cảnh bảo, người dân ở đây tin rằng, nếu khấn cầu ở cây sanh này kết hợp với nước giếng Truông có thể chữa được bệnh. Theo lời ông, vào năm 1984, có chàng thanh niên khoảng 20 tuổi ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) trong một lần đi rừng không may bị rắn cắn nhưng thuốc thang mấy ngày vẫn không khỏi, gương mặt ngày càng tái nhợt. 

Sau đó, người thân anh ta đến cây sanh cầu khấn thần linh phù hộ tai qua nạn khỏi và xin nước giếng Truông về trị bệnh. Khoảng 5 ngày sau, chàng thanh niên đến khoe là đã khỏi bệnh và khỏe mạnh bình thường, có thể đi rừng trở lại.

Nhiều người dân làm nghề đổi nước ở giếng Truông.
Nhiều người dân làm nghề đổi nước ở giếng Truông.

Nhắc đến cây sanh cổ thụ này, bà Phải hồ hởi cho biết: “Mỗi lần con trai tôi bị cảm, ho, tôi lại dẫn nó tới cầu xin cây thần phù hộ cho nó. Sau đó, xách nước giếng Truông đến tưới vào cây thần, trước khi về đem một ít nước về nấu cho con uống, ngày hôm sau là khỏi bệnh. Vì được thần linh phù hộ nên hễ ngày mùng một, rằm, tôi đều đến đây cúng bái, cầu khấn cho gia đình được an lành”.

Không chỉ chữa bệnh cứu người mà giếng Truông cây sanh này còn đứng ra làm “ông mai se duyên” cho nhiều cặp đôi. Câu chuyện này được ông Nguyễn Văn Cẩn (65 tuổi, ở thôn Tân Thành) kể lại.

Theo đó, vào khoảng năm 1989, có cặp đôi nam nữ yêu nhau nhưng đến khi họ quyết định lấy nhau thì gia đình hai bên không đồng ý vì cho rằng hai người không hợp tuổi. Trong một đêm trăng, chàng trai mơ thấy thần về báo mộng, bảo hai người phải tìm đến nơi có cây thần và giếng nước cầu xin thì sẽ được như ý nguyện. 

Ông Cẩn kể: “Hai năm sau, đôi nam nữ này đến và bế theo một đứa bé trai. Họ bảo nhờ thần mách bảo tìm đến nơi này xin lộc mà họ nên duyên và làm ăn phát đạt, còn có một thằng con bụ bẫm nữa. Lúc nghe họ nói, tôi cũng không tin lắm. Tuy nhiên, sau đó nghĩ lại có khi lời họ nói là đúng vì cây chữa bệnh được thì cũng có thể se duyên cho mọi người được”.

Ly kỳ chuyện rắn cứu người?

Theo các bậc cao niên trong làng, khoảng thời gian đầu sau khi xây dựng xong giếng Truông, đêm nào người dân cũng phát hiện một con rắn trắng xuất hiện và cuộn tròn trên thân cây sanh. 

Ông Cẩn kể: “Ông bà kể lại, hàng đêm có con rắn xám, dài gần 2m, có sọc màu đen chạy dọc cơ thể, trên đầu có màu đỏ như ngọn lửa, xuất hiện quấn lấy thân cây sanh. Hễ có người đến là con rắn quẫy đuôi như chào vậy. Lúc mới nghe tôi không tin lắm nhưng khi nghe đến việc rắn cứu người và luôn xuất hiện đúng lúc khi người gặp nạn thì tôi mới tin”.

Theo đó, con rắn xuất hiện vào khoảng từ 21h hôm trước đến 2h hôm sau, tùy từng đêm, thời gian xuất hiện mỗi đêm khoảng chừng 5 phút. “Nghe đồn rằng, đêm đầu tiền rắn xuất hiện là vào lúc 23h. Hôm ấy một người dân ở đây bị một con chó đuổi theo cắn, khi chạy đến chỗ cây sanh thì con rắn bỗng xuất hiện, con chó đứng cách đó 5m liền bỏ chạy. Người này thấy vậy hoảng sợ đứng im thì rắn quẫy đuôi rồi biến mất”, ông Cẩn kể.

Thấy chúng tôi hoài nghi, ông Cẩn thành thật: “Khi nghe ông bà kể lại tôi cũng không tin, nhưng nhiều lần như vậy thì không thể không tin. Một tuần sau đó, khoảng 21 giờ, ông cai làng đi qua đây gặp phải trời mưa nên vào trú, vô tình ông cầm cây gậy chọc vào ổ ong, nó bay ra cắn, lúc đó con rắn lại xuất hiện, quẫy đuôi nên bầy ong bay đi hết. Ông này cũng sợ nên co giò chạy về nhà một hơi. Từ lần đó dân làng ai cũng tin việc rắn thần xuất hiện cứu người”.

Theo ông Cẩn, hai tháng liền rắn thần liên tiếp xuất hiện vào ban đêm, có lần thì xuất hiện cứu người, có lần thì xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất. Nhưng rồi, một lần người dân mạo phạm mà rắn thiêng đi biền biệt đến nay. Vậy nên lứa tuổi như ông chỉ nghe kể lại câu chuyện, chứ không được tận mắt thấy rắn thần.

Ông Diệp Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Giá trị của giếng Truông không chỉ đơn thuần ở tính lịch sử lâu đời, mà cơ bản là nguồn nước mạch dồi dào, tinh khiết và rất ngọt, trong khi tất cả các giếng trong vùng đều phần nào bị nhiễm mặn bởi ở gần biển.

Vì vậy, nước giếng Truông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả ngàn hộ dân trên địa bàn 3 xã liền kề. Còn những chuyện nhuốm màu huyền thoại, có phần ma mị quanh giếng chỉ là lời đồn trong dân gian”.

Đọc thêm