Ly kỳ tượng Phật Lồi 'phạt' tên ăn trộm đứng im tại chỗ

(PLO) -Chùa Linh Sơn (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được xây dựng vào năm 1913 nổi tiếng với pho tượng Phật Lồi có in 12 dòng chữ Chămpa cổ, gắn liền với những câu chuyện kỳ bí chưa có lời giải đáp. 
Nhiều người dân đến hành lễ trước tượng thần Shiva.
Nhiều người dân đến hành lễ trước tượng thần Shiva.

Pho tượng cổ bí hiểm

Pho tượng có hình dáng một vị tu sĩ trong tư thế ngồi thiền, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, mình trần, thân đeo một mảnh vải vắt chéo qua vai trái mà dân gian quen gọi là tượng Phật Lồi.

Tượng cao 0,82m, ngang 0,46m. Đặc biệt, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác cao 60cm, rộng 45cm, có 12 dòng chữ Chămpa cổ.

Theo ông Trương Long (83 tuổi, ở Hải Giang), người trước đây được giao giữ chìa khóa trông coi chùa Linh Sơn, tượng Phật Lồi lộ ra từ lòng đất khi một người dân Hải Giang cày ruộng canh tác, sau đó cả làng cùng nhau lập đền thờ. Chùa Linh Sơn cũng được xây dựng từ đó, tới nay đã hơn 100 năm và vô cùng linh thiêng.

Tương truyền sau khi thành lập chùa được vài năm, hai ngư dân thôn Hải Giang kéo lưới tại vùng biển gần bờ thì không may bị trượt chân ngã xuống biển.

Dân làng ra sức tìm kiếm hai ngày liên tiếp nhưng không thấy, sau đó gia đình đến chùa Linh Sơn để xin tượng Phật Lồi bảo hộ cho những người bị nạn. Sau khi xin Phật, người dân tìm thấy họ còn sống trôi lơ lửng cùng với chiếc phao cách nơi bị nạn gần 2km. 

Tiếp đó, năm 1945, khi quân Nhật chuẩn bị rút về nước, viên sĩ quan chỉ huy quân Nhật tại Quy Nhơn dẫn một toán lính sang chùa Linh Sơn để khiêng pho tượng đi. Nhưng bọn chúng có cố đến đâu, huy động hết sức lực cũng không khiêng được pho tượng nên đành phải bỏ đi. 

“Do Phật hiển linh, muốn ở lại với dân làng Hải Giang nên không ai có thể dời Phật đi nơi khác được. Những đối tượng trong làng có tham gia vụ trộm tượng lần lượt nhận cái chết “bất đắc kỳ tử” rất thê thảm sau đó một thời gian”, ông Long kể lại câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.

Vào khoảng năm 1980, có một nhóm người từ vùng khác đến đây ăn trộm tượng. Trong đêm, họ rủ nhau đến khiêng tượng đi, nhưng khi vừa đặt tay vào tượng thì những kẻ trộm bị tê cứng tay chân. Thấy đồng bọn bị Phật trị tội nên những kẻ đứng phía trước quỳ gối van xin nhờ Phật tha tội. Đến lúc đó, những người kia tay chân mới trở lại bình thường.

Đến năm 1999, tại Hải Giang xuất hiện những người lạ cùng một số người trong làng săn tìm đồ cổ, đồ đồng đen... Một đêm, họ phá khóa gian thờ chính điện, định khiêng tượng Phật Lồi đem đi bán, nhưng mới khiêng tượng được vài mét bỗng dưng không tài nào di chuyển được nữa.

Bọn trộm dùng búa đập đứt đầu tượng Phật Lồi thì phát hiện tượng làm bằng đá xanh chứ không phải đồng đen nên bỏ đi. Sáng hôm sau, thấy tượng nằm lăn lóc bên hông chùa nên người dân khiêng vào chánh điện, dùng xi măng gắn đầu tượng lại.

Người dân làng chài Hải Giang chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên khi nhà nào làm ăn mất mùa, họ đều lên chùa Linh Sơn để cầu xin Phật cho họ làm đâu được đó.

Tượng thần Shiva đang được thờ trong một mái che tạm thuộc khuôn viên chùa Linh Sơn.
Tượng thần Shiva đang được thờ trong một mái che tạm thuộc khuôn viên chùa Linh Sơn.

Nhờ sự bảo hộ của tượng Phật Lồi nên người dân được mùa biển, từ đó tiếng lành đồn khắp nơi nên nhiều ngư dân đi biển trong tỉnh Bình Định cũng tìm về đây cúng tế cầu xin. 

“Người dân đi biển đến chùa cầu xin tượng Phật Lồi nhiều lắm, có ngày lên tới vài chục người, họ bảo làm biển thì phải có thần mách bảo thì làm đâu được đó.

Trước đây nhiều người trong làng biển, họ rủ nhau thuê xe lớn đến để cầu xin. Nay theo sự quy hoạch chung, chùa Linh Sơn được di dời về khu tái định cư Nhơn Phước để thuận tiện cho người dân đến viếng thăm”, ông Long cho biết.

Giải mã tấm bia ký 

Theo Đại đức Thích Thị Hòa, người vừa được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.Quy Nhơn bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Sơn, hiện ngôi chùa đang được khởi công xây dựng tại khu tái định cư Nhơn Phước. Pho tượng Phật Lồi đang được thờ trong một mái che tạm thuộc khuôn viên chùa. 

Nội dung 12 dòng chữ Chămpa cổ ở tấm bia ký khắc sau lưng của pho tượng Phật Lồi là một bí ẩn lớn suốt một thời gian dài, chúng chỉ bắt đầu hiển lộ ý nghĩa khi giáo sư Arlo Griffiths, trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tiếp cận.

Theo nội dung tấm bia ký khắc sau lưng thì pho tượng Phật Lồi có niên đại thế kỷ XV. Bia ký mang ký hiệu C.214 (tức bia ký thứ 214 của Chămpa đã được các nhà khoa học đưa vào danh mục quốc tế). Nội dung trên tấm bia ký khẳng định, đây là tượng thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.

Đại đức Thích Thị Hòa cho biết: “Bia ký của tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn là một bia ký dài, có nội dung và có niên đại cụ thể, được viết bằng chữ Chămpa cổ. Nội dung bia ký nói về vị vua Nauk Glaun Vijaya, vị vua này được nhắc tới là đã đánh thắng người Việt và chiếm được vương quốc Brah Kanda. Sau khi giành được nhiều chiến thắng, trở về Campa vào năm Saka-1343”.

Các nhà nghiên cứu điêu khắc Chămpa cho rằng, tác phẩm này thuộc phong cách lớn cuối cùng của nghệ thuật điêu khắc Chămpa: phong cách tiếp nối giữa phong cách tháp Mắm Bình Định với giai đoạn hình thành phong cách YangMun từ năm 1307 đến 1471, nghĩa là cũng vào khoảng thời gian vua Nauk Glaun Vijaya khắc trong bia ký.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa, hình tượng thần Shiva thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, khi thì được thể hiện dưới dạng tượng nhân dạng; khi thì thể hiện dưới dạng Mukhalinga; khi thì thần Shiva được khắc tạc có bộ râu nhọn dài, ngồi trầm tư và cầm tràng hạt được thể hiện trong một số tác phẩm điêu khắc, phù điêu khai quật tại tháp Mắm Bình Định.

“Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có những biểu hiện rất đặc biệt như chữ om trên mũ, chữ số ba ở giữa trán, bộ râu dài nhọn đầu, tay cầm tràng hạt… được thể hiện dưới dạng tạc thành pho tượng thờ và phía sau lưng có tấm bia ký.

Có thể nói, đây là một tác phẩm điêu khắc Chămpa có hình thức khác biệt so với các hình thần Shiva phát hiện ở Bình Định. Và là hiện vật độc bản, một tượng Shiva đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa”, ông Ngọc cho biết.

Mặt khác, tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có một số chi tiết trở thành đặc trưng cho nghệ thuật tạc tượng của phong cách muộn như mũ hình trụ cao, bộ râu dài nhọn đầu, chiếc thắt lưng to bản được trang trí bằng các bông hoa bốn cánh, tấm bia lớn phía sau lưng pho tượng.

Đây là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần, vua rất đặc trưng của nghệ thuật Chămpa từ sau phong cách tháp Mắm Bình Định.

Tấm bia ký khắc sau lưng tượng thần Shiva.
 Tấm bia ký khắc sau lưng tượng thần Shiva.
 “Các vị thần hay thần vua của các phong cách muộn này thường được tạc tựa vào tấm bia sau lưng, thường đội mũ hình trụ, thường có bộ râu nhọn, và phần bên dưới cơ thể được tạc sơ sài hoặc không được thể hiện.

Như vậy, có thể tạm xác định tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần, vua sau đấy của nghệ thuật điêu khắc Chămpa giai đoạn thế kỷ XIV - XV”, ông Ngọc cho biết.

Đọc thêm