Mại dâm - những góc nhìn

(PLO) - Thời buổi này thiên hạ có câu: “Không nghe cave kể chuyện, không nghe nghiện trình bày”. Với câu này, những người phụ nữ bán dâm là cặn bã xã hội, không đáng để thương xót, không đáng để quan tâm. Ở góc nhìn pháp luật và đạo lý thì có phải như vậy? Hãy nhìn vấn đề mại dâm hiện nay dưới nhiều góc độ...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Bêu dâm” đâm toạc nhân phẩm?

Đầu tháng 2 vừa qua, dư luận xã hội đã từng nóng lên với đề tài này khi những người vi phạm bao gồm cả khách mua dâm và người bán dâm đều bị hành vi bêu dâm của Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) nêu tên tuổi, hành vi nơi công cộng. Đó là hành vi trái đạo lý và vi phạm pháp luật - ông Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển nói như vậy khi ông  tham gia buổi tọa đàm “Bêu dâm - Góc nhìn pháp luật và đạo lý” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức không lâu sau khi sự việc trên.

Theo ông Bảo, hành vi bêu dâm của Công an thị trấn Dương Đông là không thể chấp nhận, nhất là của một cơ quan bảo vệ pháp luật, thực thi pháp luật. “Hiện không có quy định nào cho phép cơ quan công an được đưa những người có hành vi vi phạm hành chính đi bêu riếu như vậy. Việc làm này chiếu theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đều vi phạm nghiêm trọng. Trước tiên, công an đã vi phạm Công ước về quyền con người, tiếp theo là vi phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân được quy định tại Điều 20 Hiến pháp 2013 và có dấu hiệu vi phạm Điều 155 Bộ luật Hình sự” – ông Bảo nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết bà rất sốc khi xem clip bêu dâm trên mạng xã hội. “Về mặt văn hóa, đạo lý, việc làm này là không thể chấp nhận. Bởi ở Việt Nam vấn đề mại dâm vẫn được xem là nhạy cảm, việc bêu tên người mua - bán dâm có thể vùi dập cuộc đời của họ khiến họ phải chịu sự kỳ thị của xã hội” - TS Khuất Thu Hồng nêu quan điểm.

Còn nhớ, ý kiến công khai danh tính người mua bán dâm đã từng được Hà Nội khởi xướng từ năm 2014 và Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về  phòng chống tệ nạn xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn rất khó thực hiện vì còn quá nhiều băn khoăn với những hệ lụy mà nó sẽ gây ra cả trên phương diện xã hội và pháp lý.

Băn khoăn là phải thôi vì mua dâm, bán dâm là vấn nạn hoặc tệ nạn xã hội chứ không phải là tội phạm (trừ trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi và cố tình mua dâm để lây nhiễm HIV cho người bán dâm). Thế nên, pháp luật cũng chỉ quy định các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán dâm mà chưa bao giờ có chế tài nào khác. Người bán dâm không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc xử lý người mua bán dâm cũng đã phải dựa trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm, quyền con người hiến định. 

“Phố đèn đỏ” có nên được cho phép tồn tại ở Việt Nam?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho rằng, trên thế giới có 3 trường phái khi xem xét mại dâm, đó là cấm; cho phép như một nghề; cấm mại dâm nhưng thừa nhận về mặt thực tế như Thái Lan, Singgapore... Nếu coi mại dâm là một nghề, thừa nhận mại dâm là một nghề nghiệp thì phải có sự quản lý. Cụ thể, người hành nghề mại dâm phải đăng ký, chịu sự quản lý như những nghề nghiệp khác. 

"Xét về mặt sức khỏe, nếu coi mại dâm là một nghề, người hoạt động trong lĩnh vực này có nhiều lợi thế, đó là họ được khám sức khỏe định kỳ, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng phòng vệ, tập huấn kỹ năng phòng chống bệnh lây qua đường tình dục... Ngay cả người đứng ra tổ chức cũng phải đăng ký hoạt động, có trách nhiệm với nhân viên của mình. Như vậy, quyền lợi của người hành nghề mại dâm được hưởng nhiều hơn", TS. Quang phân tích.

Hệ thống pháp luật về mại dâm bộc lộ bất cập, không còn phù hợp đó là khẳng định của ông Cao Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn, Bộ LĐ-TB&XH. Theo ông Thành, hoạt động mại dâm ở Việt Nam đã và đang có nhiều biến thái, hình thức ngày càng tinh vi. Thế nên công tác phòng, chống mại dâm  đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức, trong khi đó hệ thống pháp luật về mại dâm lại bộc lộ bất cập, không còn phù hợp. 

Về vấn đề xây dựng luật về mại dâm, TS. Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, quan điểm xây dựng luật về phòng, chống mại dâm cần hướng dần đến công nhận mại dâm là một nghề. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách thấu đáo. 

Như vậy có thể thấy không ít những quan điểm cho rằng nên cho phép mại dâm trở thành một nghề vì những lý do như: nếu coi mại dâm là một nghề thì chắc chắn việc quản lý nghề nghiệp cũng như kiểm soát lây nhiễm bệnh tật được kiểm soát tốt hơn và chắc chắn không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục; nếu mại dâm được công nhận là nghề, những người muốn giải quyết nhu cầu sinh lý tự nhiên (nam giới vợ mất sớm hay ly hôn...) sẽ không phải lén lút, thậm chí có thể thực hiện hành vi hiếp dâm...

Vĩ thanh

Năm 2014, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2013) do Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam kiên định quan điểm không công nhận mại dâm là hợp pháp. Tuy nhiên, việc phòng chống mại dâm phải có tính xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm”. 

Như vậy, việc công nhận mại dâm là một nghề ở Việt Nam sẽ là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách thấu đáo về lâu dài, rồi mới đi đến quyết định cuối cùng. Hay như nhận định của ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Hiện quan điểm coi mại dâm là một nghề, tập trung để quản lý vẫn chỉ là thiểu số. Nếu làm luật mới trình ra Quốc hội công nhận coi đó là một nghề thì rất khó xuôi. Chưa kể nếu công nhận là một nghề còn liên quan đến nhiều thứ: phải có điều kiện làm việc như thế nào, quy định làm ở đâu, vấn đề giới thiệu quảng cáo nghề như thế nào...  rất là khó”.

Nhưng điều cần thiết và có thể làm ngay bây giờ là “việc phòng chống mại dâm phải có tính xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm”, như lời khẳng định của Phó Thủ tướng. Còn nhớ, khi Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm, trả lời báo chí, PGS.TS Chung Á đã từng đưa ra phép tính giả định rằng theo một nghiên cứu, trong 100 người đàn ông mua dâm bị công khai danh tính thì có tới 90% trong số đó tan vỡ gia đình.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có tới hơn 30.000 cô gái bán dâm, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng trăm ngàn người đàn ông mua dâm. Chỉ cần xử lý 10% trong số đó thôi (ước khoảng 10.000 người), đã cần tới một lực lượng xử phạt rất lớn, kèm theo đó là 10.000 gia đình tan vỡ, hàng vạn đứa trẻ phải chịu bất hạnh... 

Đọc thêm