Mạng ảo “đe dọa” xã hội thật

(PLO) -Hiện nay mỗi ngày trên thế giới có hàng triệu người sử dụng mạng internet, mạng xã hội để giao lưu, kết bạn, thực hiện các dịch vụ, giao dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội cũng tiềm ẩn vô số nguy hiểm đối với người sử dụng. Thực tế thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội của mình.
Tóm gọn nhóm lừa đảo qua mạng xã hội tuổi vị thành niên.
Tóm gọn nhóm lừa đảo qua mạng xã hội tuổi vị thành niên.

“Mảnh đất” màu mỡ của tội phạm buôn người

Ngày 1/4/2016, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã bóc gỡ đường dây mua bán người do Giàng Củi Măng, Giàng Seo Giàng ở Bắc Hà (Lào Cai) cầm đầu.

Với chiêu dùng tên giả, địa chỉ giả, lừa yêu qua mạng xã hội, đường dây buôn người của Măng đã thực hiện trót lọt 7 vụ, đưa 9 cô gái (trong đó có một sinh viên, hai học sinh) sang Trung Quốc bán, thu lời gần 400 triệu đồng.

Trước đó, ngày 19/1/2016, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Thị Nhật (19 tuổi, trú xóm 8, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) ba năm tù về tội mua bán người.

Theo hồ sơ vụ án, qua mạng xã hội zalo, Nhật kết bạn, quen biết với Lê Thị Hà (18 tuổi, trú tại xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Qua nói chuyện trên zalo, Hà than vãn buồn chán vì đang mang bầu nhưng không có chỗ ở, không có việc làm.

Nghe Hà nói vậy, Nhật liền rủ Hà ra Lào Cai với lời hứa “Nhật sẽ thuê nhà cho Hà ở sinh con đến khi nào sinh con xong Nhật sẽ đưa Hà sang Trung Quốc làm gái bán dâm”. Giữa lúc không biết đi đâu về đâu, Hà nhận lời.

Sau đó, Hà rủ thêm bạn là Trinh (23 tuổi, trú xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Trinh cũng đồng ý nhưng muốn qua Trung Quốc lấy chồng chứ không... bán dâm. Nhật “báo giá” cho Trinh: “sang Trung Quốc lấy chồng sẽ trả cho 70 triệu đồng, lấy chồng ít nhất một năm rồi mới được về nước”.

Chiều 13/10/2015, Nhật gặp Hà, Trinh để thỏa thuận đi Trung Quốc. Nhật thỏa thuận sẽ trả cho Trinh số tiền 70 triệu đồng. Còn Hà, sau khi ra Lào Cai sinh con xong, Nhật sẽ đưa Hà sang Trung Quốc làm gái bán dâm ở tiệm cắt tóc, gội đầu của Nhật với tiền lương 20 triệu đồng/tháng. Đáng nói, cả Hà và Trinh đều gật đầu đồng ý.

Đêm hôm đó, cả ba không ngờ bị lực lượng công an kiểm tra, bắt quả tang khi đang trên xe khách lưu thông trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Diễn Châu) ra Lào Cai để sang Trung Quốc.

Báo cáo mới đây của Bộ Công an đã chỉ ra rằng, đặc điểm chung của rất nhiều tội phạm buôn người thời gian qua là sử dụng mạng xã hội facebook và zalo để dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ, trẻ em thiếu hiểu biết biến họ thành nạn nhân.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an), đối tượng mua bán người thường lập những tên giả, địa chỉ giả, tự đánh bóng hình ảnh trên mạng xã hội để tiếp cận với những phụ nữ có nhu cầu tìm việc làm; những người không gặp may mắn trong gia đình như quá lứa lỡ thì, muốn có nhu cầu lấy chồng, kết hôn, sau đó dụ dỗ họ ra nước ngoài bằng những lấy hứa “có cánh” như sẽ lấy được chồng, sẽ được sung sướng, đổi đời.

Thậm chí, các đối tượng còn tiếp cận cả với những bé gái mới lớn nhưng đua đòi, mải chơi, dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen thông qua mạng xã hội với mục đích rủ đi chơi, rủ đi mua sắm, giả vờ yêu đương, rồi lừa đưa sang biên giới để bán.

Thời gian gần đây, một thủ đoạn mới xuất hiện trên mạng xã hội facebook và zalo là các đối tượng phạm tội tạo ra các diễn đàn như diễn đàn chơi game để mời gọi người chơi.

Trong quá trình chơi, chúng “tăm tia” nạn nhân là những thiếu nữ, sinh viên rồi rủ chơi đôi. Khi con mồi đã “cắn câu”, chúng lân la trò chuyện, làm quen, tìm hiểu gia cảnh. Tới lúc dần dần thân nhau, chúng mới bắt đầu hẹn gặp nạn nhân.

'Má mì' Kim Ngọc sử dụng tài khoản Facebook và một số mạng xã hội để bán dâm và môi giới mại dâm.
'Má mì' Kim Ngọc sử dụng tài khoản Facebook và một số mạng xã hội để bán dâm và môi giới mại dâm.

Nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin từ các tỉnh khác đã tìm đến tận Hà Nội để gặp mặt, thậm chí chúng sẵn sàng từ Hà Nội tìm đến nơi ở của nạn nhân để trao đổi, giả vờ nói chuyện tình cảm nhưng thực chất là lừa “con mồi” vào bẫy. 

Các đối tượng đều có kỹ năng nói chuyện, hiểu tâm lý của nạn nhân, đặc biệt xoáy sâu vào những tổn thương tình cảm của các cô gái mới lớn như mới chia tay người yêu, chán gia đình, học hành… để động viên, an ủi, tiếp cận.

Khi đã chín muồi, chúng mới ngọt nhạt rủ về thăm quê, đi du lịch, sang chơi với bạn bên Trung Quốc. Các nạn nhân nghe bùi tai nên đồng ý đi. Sau khi đưa sang bên kia biên giới, chúng câu kết với các đối tượng bên nước bạn để thực hiện hành vi mua bán người.

“Chào hàng” mại dâm, ma túy

Một mối nguy hiểm khác thông qua mạng xã hội đó là tội phạm buôn bán ma túy. Nhờ có mạng xã hội, các đối tượng không cần xuất đầu lộ diện để “chào hàng” trực tiếp, mọi giao dịch được thực hiện nhanh chóng, gọn nhẹ chỉ cần qua các đoạn tin nhắn trên facebook hoặc zalo.

Mỗi lần giao hàng, chúng chỉ mang theo một số lượng rất nhỏ, vừa đủ cho một lần sử dụng của con nghiện... Đặc biệt, trước sự truy quét gắt gao của lực lượng chức năng, nhiều “đầu nậu” ma túy đã và đang “chuyển hướng” sang chọn mạng xã hội làm nơi buôn bán ma túy.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy (C47 - Bộ Công an), thời gian gần đây, thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, tội phạm ma túy đã và đang triệt để lợi dụng các ứng dụng của công nghệ thông tin cho mục đích bất hợp pháp.

Hầu hết các vụ việc bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy gần đây, các đối tượng đều có sử dụng các ứng dụng của internet (zalo, facebook, email...) để trao đổi mua bán trái phép ma túy.

Ma túy thường được các đối tượng đặt hàng từ các địa phương thông qua mạng xã hội, sau đó được vận chuyển đến các nơi bằng xe khách và bán lại cho con nghiện thông qua các tài khoản như facebook hoặc zalo.

Mạng xã hội chẳng những giúp bọn tội phạm bảo mật tối đa thông tin vì các tài khoản, nickname (biệt danh) đều là ảo mà còn dễ dàng hơn trong việc tìm khách hàng.

Cũng như các loại hàng hóa bình thường khác, các loại chất gây nghiện cũng ngang nhiên quảng cáo, rao bán trên mạng. Tuy nhiên, việc rao bán, quảng cáo này cũng rất tinh vi để tránh việc phát hiện, theo dõi của các lực lượng chức năng.

Thị trường trên không gian ảo không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...) mà còn xuất hiện ở hầu khắp các nơi trên cả nước.

Không chỉ là nơi “chào hàng” chất gây nghiện, mạng xã hội đã và đang trở thành một “khu chợ” mại dâm trực tuyến, diễn ra những hoạt động trụy lạc của một bộ phận thanh niên.

Trên mạng xã hội hiện xuất hiện nhiều những nhóm kín với mục đích tìm bạn tình, tìm hoạt động mại dâm khiến cơ quan chức năng khá vất vả để nghĩ ra phương án kiểm soát, ngăn chặn.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, Bộ Công an đã cho biết, nhiều người bán dâm lợi dụng các mạng xã hội như facebook, zalo… để bán dâm bằng cách tung ảnh khỏa thân kèm số liên lạc để chủ động mời chào.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng cho hay, mại dâm với thủ đoạn “gái gọi” thông qua mạng xã hội có xu hướng gia tăng. 

Thời gian qua, hàng loạt đường dây mại dâm thông qua mạng xã hội đã bị lực lượng Công an triệt phá. Điển hình, mới đây, ngày 30/7/2016, Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét vụ ổ bán dâm qua mạng do các đối tượng Nguyễn Thị Kim Ngọc (tự Quỳnh Hoa, 25 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang), Trần Minh Triều (tự Hùng, quê Hậu Giang) và Dương Văn Thành (tự Lộc, quê Cần Thơ) tổ chức.

Làm việc với cơ quan điều tra, Ngọc đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình cùng hai đồng phạm. Theo đó, cả ba đã lập ra nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội rồi chụp ảnh nhiều mỹ nữ trẻ đẹp với tư thế khêu gợi để “tiếp thị” (trong danh sách gái bán dâm, Ngọc luôn có khoảng 22 người.

Đây là những cô gái được Ngọc tập hợp từ những mối quan hệ trong quá trình Ngọc đi bán dâm ở các khách sạn).

Mỗi cô gái đều được đánh số cụ thể để khách lựa chọn rồi gọi điện thoại cho chúng để “đặt hàng”, sau đó, các đối tượng sẽ điều “đào” đến khách sạn bán dâm cho khách.

Đặc biệt, không chỉ sử dụng trang web riêng, facebook mà Ngọc còn sử dụng các mạng xã hội khác zalo, mocha, wechat… để hoạt động mua bán, môi giới mại dâm. Sau đó, thấy đường dây môi giới mại dâm qua mạng này đông khách, một số gái mại dâm cao cấp còn nhờ Ngọc đăng hình của mình với phí từ 2,5-5 triệu đồng (qua hình thức thẻ cào) mỗi người.

Thực tế cho thấy, gái mại dâm hoạt động qua mạng xã hội chỉ bị phát hiện và xử lý khi liên quan đến hành vi môi giới mua bán dâm, còn gái mại dâm hoạt động một mình thì rất nhiều và rất khó xử lý.

Bởi chỉ cần một sim rác, gái mại dâm có thể hoạt động mọi lúc mọi nơi mà không sợ bị theo dõi, đẩy đuổi như gái mại dâm đứng đường. Đó là một trong những mặt trái của thời đại công nghệ thông tin.

Bộ Công an cũng khẳng định, tình trạng mại dâm qua internet ngày càng phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để do việc kiểm soát các trang mạng xã hội cần sự phối hợp của nhiều ban ngành. Các website, mạng xã hội thường có máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc ngăn chặn cũng gặp nhiều hạn chế.

Theo cơ quan Công an, mại dâm qua mạng xã hội rất khó kiểm soát.
Theo cơ quan Công an, mại dâm qua mạng xã hội rất khó kiểm soát.

Chính do tệ nạn mại dâm qua mạng xã hội ngày càng tăng cũng kéo đến nguy cơ lây lan các căn bệnh xã hội. Mặt khác, không ít dân chơi đã nhận “trái đắng” từ những dịch vụ này. Nhẹ thì “tráo hàng”, nặng thì lừa đảo chat khiêu dâm rồi dọa dẫm tung phần chat sex của khách lên mạng để tống tiền.

Cũng có trường hợp khách bị dàn cảnh “cướp nóng” trên giường, khi khách còn chưa kịp mặc quần áo, đã có đối tượng lao vào phòng, nhận mình là chồng (người yêu) của gái bán dâm để “đòi bồi thường”.

Ngoài ra, khi truy cập những trang web đen, nội dung không lành mạnh, người dùng còn đứng trước nguy cơ lây nhiễm mã độc từ các trang web này hoặc bị lừa truy cập vào các trang giả mạo dẫn đến mất tài khoản mạng xã hội, địa chỉ email, tài khoản giao dịch ngân hàng trực tuyến, thậm chí có thể bị lừa đảo gây tổn hại đến sức khỏe, tiền bạc.

Đọc thêm