Mang thai hộ: Muốn thương mại hóa không dễ

(PLO) - Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, việc mang thai hộ chính thức được pháp luật công nhận. Cùng với mục đích nhân đạo, nhiều người cũng lo ngại vấn nạn "đẻ thuê" sẽ có cơ hội bùng phát. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung Ương khẳng định tính cấp thiết của quy định này. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ được mang thai hộ một lần

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, trước đây, chính vì chúng ta cấm mới sinh ra chuyện mang thai hộ một cách lén lút, mà khi làm lén lút thì hậu quả nghiêm trọng hơn là chúng ta hợp pháp hóa nó. Như vậy, một là tốn kém về tiền bạc, hai là vì lén lút người mang thai hộ thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ về y tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cho phép "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo" là giải pháp mang tính nhân đạo rất lớn, nó giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn không thể sinh con bằng bất cứ phương pháp nào có thể có con để chăm nuôi, giúp giữ lửa hạnh phúc cho không ít gia đình. Trên thực tế, thời gian qua, không ít vợ chồng phải chia tay vì không có con, hoặc phát sinh những quan hệ “ngoài luồng” để có một đứa con..

Tuy nhiên, để ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng việc mang thai hộ thành thương mại hóa hay đứa trẻ sinh ra trở thành “hàng hóa” trao đổi giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, thì luật Hôn nhân gia đình sửa đổi chỉ cho phép mang thai hộ giữa người trong gia đình, hoặc được chính quyền địa phương xác nhận người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời và mỗi người cũng chỉ được mang thai hộ một lần. Vì là người thân thích trong gia đình thì sẽ không phải vì tiền, mà đó là việc nhân đạo, trên tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau, tránh kiện cáo.

Tính pháp lý chặt chẽ hơn

Tuy nhiên, đằng sau sự nhân đạo đó, cũng không loại trừ hiện tượng phụ nữ không thích đẻ mà vẫn muốn có con, hiện tượng nhiều phụ nữ vì những lý do không chính đáng khác mà áp dụng biện pháp này. Sau khi đứa trẻ sinh ra, có thể người mang thai hộ không muốn trao lại cho người nhờ, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng. Hoặc muốn có con trong mối quan hệ “ngoài luồng”, tình trạng một số phụ nữ lợi dụng việc này để “kiếm sống” bằng việc mang thai hộ…  Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ sẽ không kiểm soát được.

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế, Giám đốc
bệnh viện Phụ sản Trung Ương 
Thứ trưởng Bộ y tế, Nguyễn Viết Tiến cho rằng những việc đó khó có thể làm được, bởi về mặt pháp lý quy định rõ cho việc mang thai hộ khá chặt chẽ. Về mặt chuyên môn y học cũng có những quy định và quy trình kiểm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định cho phép được mang thai hộ và nhờ mang thai hộ hay không. 
Khi tiến hành một ca mang thai hộ, cả hai bên sẽ phải làm các thủ tục cần thiết rất nghiêm ngặt tại bệnh viện. Người nhờ mang thai hộ thì phải được xác nhận của ngành y tế chứng minh là người phụ nữ đó không thể mang thai được. Còn người mang thai hộ, cũng phải kiểm tra sức khỏe để đảm bảo đủ điều kiện theo pháp luật quy định.

Trước đây luật chưa cho phép thì việc này còn lén lút, nên quyền lợi các bên chưa được đảm bảo, người được nhờ mang thai hộ không có địa vị pháp lý để xác nhận đó là con của mình. Còn sau khi luật có hiệu lực, việc mang thai hộ sẽ được đảm bảo bằng thỏa thuận được pháp luật công nhận giữa hai bên. Nếu xảy ra các tranh chấp, quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ được luật pháp phân xử.

Theo Thứ trưởng Tiến, ngoài những điều kể trên thì việc để làm một bộ hồ sơ mang thai hộ cũng không phải đơn giản. Hồ sơ bao gồm rất nhiều loại giấy tờ khác nhau như; giấy đăng ký kết hôn, giấy CMND của 2 người, xác nhận của chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan, giấy cam kết, các loại giấy xét nghiệm, kiểm tra của cơ quan y tế… Bộ hồ sơ này sẽ được lưu trong hệ thống máy tính. Đây là cơ sở để khống chế việc mang thai hộ nhiều lần, hay có khả năng sinh con, nhưng vẫn nhờ mang thai hộ.  Đồng thời cũng ngăn chặn được tình trạng những trường hợp “ngoài luồng” muốn sinh con ngoài giá thú và “kiếm sống” bằng cách này.

Kỹ thuật y học sẽ phát hiện việc lạm dụng 

Việc lạm dụng việc mang thai hộ để thương mại hóa, để làm nghề “kiếm sống” của một số phụ nữ như những trường hợp “đẻ thuê”, PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, giám đốc bệnh viên Phụ sản Trung ương, cho biết việc làm như vậy là rất khó và nguy hiểm cho chính bản thân người phụ nữ.

Đánh giá về mặt chuyên môn sản khoa, ông Tiến phân tích và cảnh báo: Người phụ nữ càng chửa đẻ nhiều lần nhiều thì càng nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ và những đứa con do họ sinh ra. Những hậu quả rõ thấy nhất là những đứa trẻ còi cọc, bệnh tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ, sức đề kháng kém…

Trong khi đó việc mang thai hộ chỉ được một lần, mà những trường hợp mang thai hộ thường là con “quý hiếm”, nếu người phụ nữ mang thai nhiều lần, chắc chắn sẽ nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của cả mẹ lẫn con. Bản thân vợ chồng nhờ mang thai hộ cũng không mong muốn đứa con “quý hiếm” của mình sinh ra trong tình trạng như vậy. 
Tiến tới Bộ y tế cũng chỉ cho phép 1 hoặc 2 trung tâm hỗ trợ sinh sản làm việc này nhằm quản lý chặt chẽ hơn.

"Luật rất nhân văn như vậy, nhưng đừng lợi dụng để nhằm mục đích thương mại, “kiếm sống”. Những người phụ nữ mà có ý định “kinh doanh” bằng con đường này rất nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe." Thứ trưởng Tiến cảnh báo./.

Đọc thêm