Mạng xã hội - cẩn thận với những cú 'chơi khăm' phóng viên phòng lạnh

(PLO) - Nếu coi mạng xã hội với tất cả các tính năng của nó như một loại hình văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng thì sự đặc biệt nổi trội của nó chính là tính đại chúng.
Mạng xã hội -  cẩn thận với những cú 'chơi khăm' phóng viên phòng lạnh

Bất kể ai, tổ chức hay cá nhân đều có thể lập một tài khoản của mình trên một chiếc điện thoại thông minh và thế giới thu nhỏ trong lòng bàn tay theo đúng nghĩa đen. Đó thực sự là cửa sổ nhìn ra thế giới rộng lớn và cả ngõ ngách tâm hồn, là một tòa soạn thu nhỏ với một người vừa là 'Tổng biên tập', vừa là phóng viên, biên tập viên, nhiếp ảnh, xử lý tin bài và duyệt đăng hay chia sẻ, bình luận. Những thứ trên mạng xã hội thực sự là “thượng vàng, hạ cám”, vàng cũng có và cám cũng nhiều, tinh túy và nhảm nhí, nghệ thuật cao siêu và sự nhố nhăng hạ đẳng có đủ!

Một thế mạnh không nhỏ của mạng xã hội là cập nhập thông tin, dù đó là một sự kiện chính trị mang tầm quốc tế hay chỉ là một sự cố nhỏ nhoi mang tính cá nhân.

Chính vì thế, mạng xã hội trở thành “hãng thông tấn đại chúng” để các nhà báo, phóng viên và cả những nhà quản lý xã hội nữa nắm bắt thông tin, nhịp điệu và xu hướng cuộc sống, khai thác để phục vụ cho công việc của mình.

Tuy nhiên, đây là những thông tin mà phần nhiều trong đó chưa được kiểm chứng, người đưa những thông tin này lên có mục đích hoặc chẳng có mục đích gì. Đáng ngại và đáng phải cảnh giác là sự “lừa đảo thông tin” mang mục đích không lành mạnh. Người ta trộn lẫn hình ảnh và cắt xén, lắp ghép từ các trang báo chính thống khác nhau để làm nên một “sự kiện” hoàn chỉnh khiến nhiều người mắc lừa và dư luận xã hội hoang mang, kiểu như “73 trẻ em chết sau khi tiêm vắc-xin tại...” hoặc “ 3 học sinh tử vong sau khi uống nước giải khát có gas ở cổng trường,...”.

Ngoài ra, nhằm hạ thấp uy tín của một ai đó thì dùng những thông tin bịa đặt, dẫn nguồn từ những hãng thông tấn tên tuổi.

Đôi khi người ta dùng mạng xã hội để cung cấp thông tin nhằm mục đích “chơi khăm” những nhà báo, phóng viên chỉ ngồi trong phòng lạnh và thực hiện hành vi “copi” để viết bài. Gần đây nhất là trường hợp một dàn siêu xe mang biển số xanh khiến nhiều người chú ý và lọt vào cặp mắt của một phóng viên cả tin và có hẳn một bài viết phản ánh, trao đổi với cơ quan chức năng, người có trách nhiệm hết sức nghiêm túc.

Thật ra đó chỉ là xe đồ chơi đặt dưới gầm phản trông giống như hầm để xe, nếu anh chịu quan sát sẽ thấy điều vô lý là những “dầm gỗ” trong “hầm ga-ra” đó to hơn cả chiếc xe, đó là điều bất bình thường.

Đáng nói và đáng phê phán là những trang Web trình bày như một từ báo chính thống mang tên Blog tâm tình, tâm sự “nhảy” vào các tài khoản mạng xã hội với những bài viết vô cùng nhảm nhí, khơi gợi tình dục, tình tiết vô lý, diễn biến mâu thuẫn, mô-tip trùng lặp,... khai thác bản năng “con” của “người”, thấp hèn và vô giáo dục, ngày nào cũng xuất hiện vài bài tràn ngập trên Facebook với các status giật gân, nửa kín nửa hở. Rất kịp thời, phần bình luận của người xem tại các bài viết này là phê phán, thậm chí chửi rủa, yêu cầu chấm dứt.

Mang tính đại chúng, mạng xã hội là bức tranh phản ánh rõ rệt nhất sự a dua, tâm lý bầy đàn hoặc chạy theo xu hướng thời thượng. Ví dụ, như một sự kiện bên Mỹ về chống phân biệt người đồng tính, lập tức có phong trào treo vạch nhiều màu lên avatas, kể cả những người không biết đó là gì. 

Hiện tại, có những người “chơi Phây” đề xuất và thực hiện việc đưa các tác phẩm hội họa yêu thích lên tường nhà mình hoặc các danh ngôn, châm ngôn, triết lý cuộc sống,... đó là xu hướng lành mạnh hóa, có ích rất đáng được khuyến khích, cổ vũ.

Đọc thêm