Mạng xã hội thời dịch Covid-19: Người hùng hay kẻ bạo loạn?

(PLVN) - Có lúc, cư dân mạng dường như biến thành những “người hùng” khi góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, thậm chí làm nên kì tích. Cũng có lúc, mạng xã hội trở thành công cụ sát phạt, gây tổn thương, nguy hại đến con người. Vậy, bản chất của mạng xã hội là gì?
Những thông tin giả gây bấn loạn.
Những thông tin giả gây bấn loạn.

Những “anh hùng” dẹp loạn

Khó có thể kể hết những lần ra tay “dẹp loạn”, đòi lại công bằng, thực hiện điều tốt của cư dân mạng. Không cần nói đâu xa, chỉ qua đợt dịch Covid-19 hoành hành, có thể thấy những điều hay ho mà mạng xã hội có thể làm được. Một cô gái từ tâm dịch Deagu, Hàn Quốc trở về, trốn cách ly còn lên mạng chia sẻ “bí quyết” cho mọi người.

Một chàng trai cũng trốn cách ly, đăng hình ảnh đứng trên cao “thả virus xuống”… Những hành động vô ý thức ấy nhanh chóng vào tâm ngắm của cộng đồng mạng. Cư dân mạng sục sôi, lên án, truy tìm danh tính. Và chẳng mấy chốc, những chàng trai, cô gái thiếu ý thức công dân ấy phải đối diện với cơ quan chức năng, phải nói lời xin lỗi.

Sức ép của cộng đồng mạng còn khiến những hành vi sai trái trong mùa dịch phải lộ diện, bị điều chỉnh. Những cá nhân tăng giá khẩu trang, hàng hóa để trục lợi nhân dịp dịch bị chỉ mặt, điểm tên, để từ đó cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc xử lý. Những người gom hàng, tích trữ trong cơn hoảng loạn, lên mạng khoe khoang liền bị chỉ trích đến nỗi phải thừa nhận mình sai.

Kể cả khi một đài Hàn Quốc phát sóng thông tin về hai người Hàn phàn nàn về chất lượng trong khu cách ly Việt Nam và đưa ra những đòi hỏi khá vô lý, cộng đồng mạng, dù trong đó không ít fan hâm mộ rầm rộ của thần tượng xứ Kim Chi, đã lên tiếng mạnh mẽ, đã đưa ra nhiều bằng cớ để chứng minh một sự thật ngược lại, rằng Việt Nam đã làm rất tốt việc chăm lo cho những người đang cách ly vì dịch bệnh. Từ đó đã giúp lan tỏa phong trào “Xin lỗi Việt Nam” trên mạng xã hội, từ trong nước ra nước ngoài.

Không chỉ ở trong dịch bệnh, cuộc sống thường ngày, người ta cũng không ít lần chứng kiến cảnh cư dân mạng trở thành những “anh hùng” đi dẹp loạn, đòi lại công bằng. Đó là khi những kẻ ấu dâm, biến thái, hung hăng, cậy quyền trước sức ép và sự đấu tranh mạnh mẽ của dư luận, trong đó cộng đồng mạng đi tiên phong, đã phải chịu trừng trị thích đáng của pháp luật và “khuyến mãi” thêm sự trừng phạt về mặt tinh thần đến từ cư dân mạng.

Hay chuyện một người bảo vệ nghèo, bị một “nghệ sĩ” chôm chỉa bài thơ Gánh mẹ của mình trên Facebook, đi phổ nhạc kiếm tiền, có danh vọng. Người bảo vệ nghèo ấy “thấp cổ, bé họng”, kẻ cắp thì quá mạnh, nên phớt lờ dễ dàng. Nhưng cộng đồng mạng đã lắng nghe lời khẩn cầu ấy, đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho người sáng tác bài thơ.

Không chỉ là những tiếng nói khơi khơi, cư dân mạng còn bỏ công thu thập các bằng chứng xác đáng, để gã nhạc sĩ mỗi khi đưa ra những luận chứng vụng về đều bị bẻ gãy bằng chứng cứ xác đáng. Kết quả là nhạc sĩ “lặn mất tăm”, còn người bảo vệ đã bước đầu đòi được công bằng và quyền tác giả cho mình.

Cộng đồng mạng cũng nhiều phen giúp vạch rõ tình trạng “ăn cắp” chất xám trong nghệ thuật, bảo vệ những nghệ sĩ chân chính đang bị lợi dụng bởi những kẻ mượn danh nghệ thuật để trục lợi.

Nơi ẩn náu của đám đông hung hăng

Ở chiều ngược lại, mạng xã hội cũng là một vũ khí có tính sát thương thật nguy hiểm. Đó là khi dư luận như những người bị kẻ mù dẫn đường, sục sôi và mờ mắt bởi cơn giận dữ, hoặc những định kiến, tri giác sai lầm.

Như câu chuyện đang gây sốt mạng xã hội thời gian này, về nữ bệnh nhân số 17 dương tính với Covid-19 sau khi trở về từ vùng dịch, tránh cách ly và bị nghi lây lan cho không ít người. Cộng đồng mạng đã thực sự nổi giận. Cơn giận ấy hoàn toàn có thể hiểu được, nó xuất phát từ sự vô ý thức, ích kỉ của cô gái, gây ra những hậu quả khôn lường.

Nó xuất phát từ nỗi tiếc, giận, vì hệ thống chính trị, vì người dân đã quá nỗ lực, đã gìn giữ để dịch bệnh không lan tràn, để số ca nhiễm cố định ở con số 16 suốt một thời gian dài, những chỉ vì sự thiếu ý thức cuả một người, thành quả ấy đã bị phá hoại nghiêm trọng, kéo theo bao vất vả, tốn kém, mất mát…

Nổi giận là có thể hiểu được, nhưng sự nổi giận quá mức, đến mức chửi, rủa xả, phỉ báng cực kì cay độc, đến mức lây lan đến cả những đối tượng không gây ra lỗi lầm, là người thân, bạn bè, người giống người, hay cả những người tình cờ tiếp xúc với nữ bệnh nhân nói trên, là một sự kích động, sự thái quá gây ra nhiều tổn thương.

Trong cơn hoảng loạn đến từ những ca nhiễm mới tăng nhanh, chính những cư dân mạng cũng khiến cho nỗi lo lắng, sợ hãi càng lan rộng khi tạo ra những tin giả, tin sốc về dịch bệnh.

Nhiều “anh hùng bàn phím”, dù thiếu cơ sở, không thể chứng minh được vẫn ra rả cho rằng cơ quan chức năng đang giấu thông tin thật về dịch bệnh, rằng nơi này có người chết, nơi kia tràn lan những người bệnh. Người thì lên mạng kêu gọi nhau tích trữ hàng hóa kẻo không có mà xài, chia sẻ ảnh chính gia đình mình biến thành những nhà kho chứa thực phẩm vì nỗi lo sợ bị đói. 

Người ta có thể dễ dàng bắt gặp sự kích động, quá khích ấy ở rất nhiều trường hợp khác của đời sống hằng ngày. Là khi một người sớm mai thức dậy, bỗng thấy mình trở thành nạn nhân của sự “ném đá”, bêu riếu, chửi bới vì một sai lầm của một người khác nào đó giống mình.

Mặt trái mạng xã hội.
Mặt trái mạng xã hội. 

Là khi một vài tấm ảnh của một giáo sư, đại diện cơ quan nhà nước, người nổi tiếng… bị gắn với một phát ngôn lố bịch, nhưng người ta không hề truy xuất nguồn gốc, chỉ dựa vào một tấm ảnh ghép mà chia sẻ, chửi bới khắp nơi.

Hoặc, tại một cuộc phỏng vấn, nói chuyện dài hơi, người ta cắt ra một câu nói ra khỏi ngữ cảnh chung, đăng tải, gây hiểu lầm và người nói trở thành nạn nhân của sự công kích… 

Tiếp nhận có chọn lọc, lan tỏa những điều lành

Từ những gì đã thấy, có thể đưa ra nhận định, mạng xã hội có rất nhiều gương mặt. Có thể là người hùng, cũng có thể nhanh chóng trở thành kẻ bạo loạn. Nhưng, “mạng xã hội” thực chất đâu có sự sống? Đằng sau mạng xã hội là mỗi một con người bấm phím, ở hai trạng thái: Hoặc là người tương tác, hoặc người tiếp nhận. Điều khiến mạng xã hội dễ dàng trở thành nơi của những kẻ khủng bố, ấy là bởi vì tính chất cả tin đến mức mù quáng, bởi cái dục vọng được căm ghét, được chửi bới quá lớn tồn tại trong mỗi người.

Nhưng nguyên do khiến cộng đồng mạng có thể thực hiện những hành vi rất anh hùng, nghĩa hiệp, ấy cũng bởi trong mỗi một người tham gia mạng xã hội đều chứa đựng những hạt giống thiện lương, những trái tim hướng thiện, luôn yêu thương con người.

Như vậy, mạng xã hội có mặt trái và mặt phải, có thiện và có ác, bởi đó là nơi tập hợp của những thực thể cũng hai mặt, cũng chứa cả tốt và xấu, ác và thiện bên trong mình. Điều quan trọng là làm thế nào để sự thiện lành ngày càng mạnh mẽ hơn, chiếm ưu thế hơn, có thể xua đẩy đi những cơn cuồng nộ, hung hăng và ác tâm? Có lẽ, nó phụ thuộc vào sự soi mình, nhìn thấu mình và thay đổi bản thân trong mỗi người.

Dịch bệnh đang lan rộng là một nguy cơ, nhưng cũng là cơ hội để ươm trồng những hạt mầm tốt lành. Như thời gian qua, có thể thấy được, những điều tốt đẹp đang chiếm ưu thế. Như trong cơn hoảng loạn, chửi bới và tích trữ, thì thông điệp “Bình tĩnh sống, đừng tích trữ”, “Hà Nội ơi cố lên” lan tỏa khắp mạng xã hội. Những lời nhắn nhủ đầy yêu thương, những chia sẻ tích cực về cuộc sống đang dần đẩy lùi những hoảng sợ, khiến những người đang kích động cũng phải dừng tay, nhìn lại.

Những hình ảnh đẹp về các nghĩa cử, hành động tốt đẹp cũng lan rộng khắp, từ những người đầu ngành lo toan, hết mình vì dân trong dịch bệnh ,y, bác sĩ vất vả, hy sinh vì người bệnh, những người lính vào rừng sống, nhường chỗ cho người dân cách ly, những người đi phát thực phẩm cho người nghèo trong dịch bệnh… Tất cả những thông điệp ấy như ngọn lửa ấm, đẩy lùi những hoang mang, sợ hãi và định kiến.

Mạng xã hội, người hùng hay kẻ khủng bố, là do lựa chọn của mỗi một con người đang bấm phím: Bạn muốn làm người hữu ích hay làm kẻ phá hoại?

Đọc thêm