Mẹ chồng của mẹ chồng

(PLO) - Vì một câu chuyện của quá khứ không hiểu cặn kẽ mà cô con dâu đã mang nỗi oán hận tới mức không nhìn cả mặt người đã khuất. Sự ân hận đó có lẽ sẽ ám ảnh chị suốt cuộc đời.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Chị về làm dâu nhà anh, không chỉ có một mẹ chồng mà có đến hai. Người mẹ chồng thứ hai ấy chính là bà nội của anh, nhưng lại khắt khe hơn rất nhiều so với mẹ chồng đích thực. Bà săm soi từng tý về lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành vi của cô cháu dâu và có điều gì không hài lòng là bà nói ngay với thái độ điềm tĩnh nhưng nghiêm nghị. Anh là con trai trưởng của một dòng họ, không lớn nhưng nổi tiếng là gia phong, nghiêm cẩn.
Hồi mới về, nhà có giỗ, chị bưng mâm cúng lên, anh đứng trước bàn thờ đỡ lấy, chị mỉm cười liếc chồng một cái đầy tình tứ. Thế mà bà mẹ chồng thứ hai lúc đó đang ngồi khá xa nhìn thấy. Lập tức bà gọi cháu dâu đến quở mắng, dạy cho bài học đạo lý là trước bàn thờ tổ tiên phải nghiêm kính! Chị sợ bà từ đó và luôn luôn mặc cảm, không thể gần gũi được. Bà cũng rất nghiêm khắc với chồng chị - cháu đích tôn của bà. Anh đã là Tổng Giám đốc một công ty lớn mà trước bà vẫn phải cúi đầu như đứa trẻ con nghe bà răn dạy.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
 Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Khi chị biết là bà không phải bà nội ruột của anh mà là vợ kế của ông nội thì chị hiểu vì sao bà lại gay gắt đến vậy. Chị không kính phục bà nữa, có cơ hội để phản ứng bà là chị phản ứng ngay. Bà mẹ chồng chị vốn kiệm lời, yêu thương con cháu hết mực, rất dịu dàng mà mỗi khi chị phản ứng với bà nội là bà kéo riêng chị ra một nơi, không tiếc lời xỉ vả. Do đó, chị không dám phản ứng nữa mà chỉ nuôi nỗi hận trong lòng, ngấm ngầm căm tức.
Bà nội tuổi rất cao nhưng mạnh khỏe. Bà quán xuyến mọi việc trong gia đình, gia tộc. Những năm cuối đời, bà dần giao quyền cai quản cho chồng chị, ngồi đấy chứng kiến và uốn nắn anh mọi việc, từ cắm hương thế nào cho đúng trên bàn thờ đến việc xử sự với anh em trong gia đình, dòng họ.
Một ngày trước khi bà mất, bà gọi tất cả con cháu đến, phân chia tài sản và tiền nong, vàng bạc của bà cho từng người. Anh chị chỉ được hưởng cái nhà và khuôn viên này để làm nhà thờ họ. Sự căm ghét của chị với bà lên cực điểm. Chị bỏ về luôn. Hôm sau thì bà mất, chị không có mặt trong đám tang, dù anh hết lời khuyên bảo. 
Tết năm ấy vợ chồng mới về quê. Bà mẹ chồng thắp hương trên bàn thờ rồi bảo chị ngồi xuống. Bà nói cho chị nghe, bà nội là vợ kế của ông nội. Bà cả không có con nên cưới cho chồng bà này về với điều kiện sinh đứa con đầu lòng thì phải để bà nuôi dưỡng. Người đó chính là bố chồng chị và ai cũng tưởng đó là con bà cả, 5 đứa con tiếp theo mà bà kế sinh ra cũng tưởng vậy. Chồng chị đúng là đích tôn do chính con trai bà sinh ra. Bà phải xử sự như thế để gìn giữ gia phong. 
Bà quan niệm người trưởng tộc không cần giàu có, đủ để cúng giỗ ông bà là được rồi. Anh chị có đầy đủ mọi thứ, các anh em ở quê còn túng thiếu nhiều bề, bà dành phần hơn cho họ là lẽ công bằng chứ không phân biệt đối xử.
Chị quỳ xuống bàn thờ, ngước nhìn di ảnh của bà mà nghẹn ngào kêu lên: “Bà ơi!”. Tiếng gọi mà lúc còn sống chưa bao giờ bà được nghe! 

Đọc thêm