Mẹ già mù mắt bán trà đá nuôi con trai bệnh tật

(PLO) - Đó là bà Nguyễn Thị Nhẫn - chủ quán trà cóc khu hồ Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Ở cái tuổi mà đáng lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, hạnh phúc bên con cháu thì cụ Nhẫn vẫn vất vả mưu sinh để nuôi người con trai ngoài 40 tuổi, đầu hai màu tóc nhưng vẫn ngẩn ngơ như đứa trẻ. 
Mẹ già mù mắt bán trà đá nuôi con trai bệnh tật

Nhắc đến chuyện xưa, bà Nhẫn kể: “Trước kia nhà tôi rất khá giả, dù có tới 8 con, trong đó con trai út mắc bệnh down. Bất hạnh ập xuống gia đình tôi khi người con thứ tư bị nghiện ma túy, của nả trong nhà dần đội nón ra đi, thậm chí phải bán cả nhà đi trả nợ cho con. Sau ngày người con nghiện ngập qua đời ít lâu, chồng tôi cũng mất vì đau khổ, buồn phiền. Các con khôn lớn trưởng thành, ai lo phận nấy, chỉ còn lại tôi và người con trai út bệnh tật”.

“Tôi tuy đông con nhưng các con đều khó khăn, vất vả. Tôi nghèo nhưng không muốn làm khổ con cháu. Thôi thì tôi còn sống, khỏe mạnh ngày nào thì cố lao động kiếm đồng nuôi thân và nuôi đứa con út khờ dại kia”, bà tâm sự.

Chẳng những chuyện của quá khứ, câu chuyện thực tại của bà Nhẫn vẫn đang làm nhiều người mủi lòng khi chứng kiến cuộc sống tuổi già của bà. Một người mẹ sức già yếu đuối, lưng còng vẫn đang từng ngày lo kiếm sống để nuôi cậu con trai út bị bệnh down. Một ngày vất vả bên gánh hàng nước từ sáng sớm đến chiều tối, một mình lọ mọ vất vả nhưng bà cũng chỉ thu về được khoảng 100 nghìn đồng.

Số tiền đó, bà để đi chợ mua đồ ăn và dành dụm tiết kiệm tiền lo cho cậu con trai út sau này. Ở cái tuổi 42, khi mà những người đàn ông khác đã làm chồng làm cha từ lâu, thì với anh, mọi thứ trong cuộc sống dường như chỉ bó hẹp bên gánh nước của mẹ, như cuộc sống của đứa trẻ lên 10, trong căn nhà trọ bữa đói bữa no, bên những con đường anh chẳng “nhớ mặt đặt tên”.  

Bao năm qua, bà Nhẫn cố gắng lao động cật lực kiếm tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho con. Bản thân bà ngày càng già yếu, giờ đây một bên mắt bà mù hẳn, một bên mắt thị lực 2/10. Người mẹ già lo lắng cho tương lai của đứa con bệnh tật không biết sẽ đi về đâu. “Tôi đã tuổi cao sức yếu, có chăng cũng chỉ sống thêm được vài năm. Giờ tôi còn lo cơm nước, tắm giặt, chăm thuốc thang cho nó, khi tôi “đi” rồi, chẳng biết nó sẽ thế nào!”. Nói đến đây, khuôn mặt người mẹ chịu nhiều đau khổ ấy, trở nên méo mó, nước mắt chực trào ra.

Đọc thêm