Mẹ - suối nguồn hạnh phúc

(PLVN) - Mẹ tôi tuổi thân, các cụ thường bảo phụ nữ tuổi Thân lại còn đứng chữ Mậu thì vất vả vô cùng. Chẳng hiểu cung tuổi có vận vào mẹ không nhưng cho đến giờ, những đớn đau mẹ tôi trải qua còn nhiều hơn cả những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ. 
Mẹ - suối nguồn hạnh phúc

Má hồng bạc phận!

Bố tôi thường kể về ấn tượng ngày đầu gặp gỡ và trúng tiếng sét ái tình với mẹ là vì bà có dáng người cao ráo, đôi mắt bồ câu, má lúm đồng tiền và tính nết chịu thương chịu khó. Bố tôi đã tốn rất nhiều giấy mực, viết thư, sáng tác thơ để chinh phục được trái tim mẹ. Quả thực, mẹ tôi dù là dân lao động vất vả, ở xế chiều nhưng bà vẫn rất đẹp và duyên dáng. Có lẽ thế mà câu nói “hồng nhan bạc phận” đã ứng vào cuộc đời bà, để những sóng gió làm đôi mắt bồ câu ấy lúc nào cũng ướt mi.

Năm mẹ 10 tuổi, mẹ theo ông bà từ xuôi lên miền núi khai hoang làm kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước lúc bấy giờ. Năm 16 tuổi, mẹ tôi được tỉnh cử đi học đại học thể dục thể thao vì có năng khiếu về điền kinh. Cuộc đời mẹ có lẽ sẽ là một vận động viên với nhiều tấm huy chương hoặc là Huấn luyện viên với những giải thưởng danh giá nhưng vì nhà nghèo lại nhiều anh em, mẹ thương ông bà ngoại tôi vất vả nên bà đã từ chối cơ hội chạm đến ước mơ. Bà xin đi học sư phạm vì không mất học phí nhưng năm mẹ tôi sắp ra trường là năm đất nước vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng lương giáo viên ba cọc bà đồng không đủ để trang trải cuộc sống, mẹ tôi lại bỏ dở cơ hội thành cô gõ đầu trẻ. Bà viết đơn xin làm công nhân nông trường, quyết định gắn bó cuộc đời mình với con trâu, cái cày và lên duyên cùng bố tôi. 

Năm mẹ 24 tuổi, trước khi sinh em trai tôi một tuần thì ông ngoại tôi mất đột ngột, mẹ kể rằng chỉ được nhìn ông qua khe cửa lúc người làng đưa ông ra đồng, mẹ không kể nhiều nhưng mỗi lần sinh nhật em tôi cũng là một kỷ niệm buồn với mẹ khi nhớ về ông. Lúc em trai tôi lên 2 thì nhà tôi gặp biến cố lớn, trong một đêm cả đàn lợn hơn 100 con sắp đến ngày xuất chuồng tự dưng chết hàng loạt. Bao nhiêu của cải, vốn liếng, hy vọng của bố mẹ tôi trôi xuống sông, xuống bể cùng đàn lợn.

Quá khủng hoảng, bố tôi chán nản và lao vào cờ bạc nên gia đình lại càng túng quẫn hơn. Mẹ tôi gửi tôi lên ông bà nội, đưa em trai tôi ra ngoài thị trấn làm thuê, trang trải nợ nần nhưng vận đen vẫn chưa dừng lại, bố tôi đổ bệnh và bệnh viện trả về, nguy cơ không qua khỏi. Bố tôi kể lại, lúc đó hai đứa tôi còn nhỏ, bố tôi đổ bệnh nên mọi gánh nặng đè lên vai mẹ, ngày biết mình không còn sống được nhiều, điều bố đau xót nhất là làm mẹ khổ. Mẹ tôi gạt nước mắt, vay mượn tiền đưa bố tôi xuống Bệnh viện Bạch Mai với hy vọng “còn nước thì còn tát”. Do gặp thầy, gặp thuốc nên ông đã hồi phục dần dần nhưng không được lao động nặng, vậy là mẹ tôi thay bố trở thành trụ cột gia đình ở tuổi 26. 

Bố tôi vì sức khỏe yếu nên mở dịch vụ chiếu phim tại nhà còn mẹ tôi xin chính quyền cho phép khai thác đất hoang để làm nương rẫy rồi một mình dựng lán, khai hoang, đặt những mầm cây đầu tiên với ước mơ đưa gia đình tôi thoát nghèo. Tôi vẫn nhớ mỗi mùa hè, hai chị em tôi khăn gói, đi bộ hơn 3km đường rừng để vào ở với mẹ, chăn trâu, xới cỏ, nấu cơm cho mẹ. Bữa cơm ngày nào cũng là cơm độn ngô, rau dại đắng ngắt với cá khô, mì tôm là thứ xa xỉ vô cùng. Mỗi khi màn đêm buông xuống, xung quanh chỉ một màu đen kịt, cú đêm thi thoảng lại rú lên từng hồi hệt như phim kinh dị, đó là chưa kể rắn rết. Cho đến giờ khi đã trưởng thành, có con và cũng lo toan cho cuộc sống gia đình tôi mới càng khâm phục mẹ hơn, từ khi tôi còn là đứa trẻ 4 tuổi đến bây giờ đã là 25 năm, bố tôi nay đã mất vì bạo bệnh, chỉ còn mẹ vẫn kiên trì, bám trụ, gây dựng lên cơ đồ cho hai chị em tôi. 

 

Người cưỡi trâu qua nghĩa địa lúc nửa đêm 

Dân làng ngày đó thường nghe thấy tiếng lọc cọc mõ trâu lúc nửa đêm phía nghĩa trang vọng về, họ tưởng là ma vì người thường chẳng mấy  ai đi qua nghĩa trang lúc đó. Họ không hề biết đó chính là mẹ tôi, vì sợ trộm biết mẹ tôi không có ở nương sẽ tới ăn trộm hết gia súc nên cứ 12h đêm mới lặng lẽ trở về nhà. Mẹ nói ngày đó mẹ sợ ma lắm nhưng nghĩ tới bố bệnh ở một mình nên mẹ làm liều, dắt dao vào thắt lưng, buộc mõ vào cổ trâu rồi cưỡi đi trong đêm, mỗi khi đi qua nghĩa trang mẹ thúc trâu đi thật nhanh nên tiếng mõ lại càng vọng rõ hơn, người làng lại càng tin là có ma. Sau này họ phát hiện ra mẹ là “thủ phạm” nên đặt cho mẹ biệt danh “người đàn bà thép”. Kể từ đó, mẹ là nhân vật “đáng sợ” với họ còn chị em tôi rất sung sướng khi được là con mẹ. 

Sau ngày bố tôi ốm, bình phục dần nhà tôi nghèo vẫn hoàn nghèo, thường ở trong tình trạng đi vay gạo, vay tiền để lo thuốc thang cho bố và trang trải nợ nần. Tôi lúc này đã bắt đầu nhận thức được ánh mắt khinh miệt của người làng, những người có của ăn của để dành cho gia đình tôi. Họ không cho bố tôi vay tiền mua gạo vì sợ nhà tôi không có khả năng trả. Tôi nhớ nhất ông chú họ tôi khoe mua được chiếc xe Simson đời mới, bố tôi đi mượn liền bị họ gạt đi, sợ bố đi nhiều, không có tiền đổ xăng… Tất nhiên là mẹ tôi đều biết nhưng không nói gì, chỉ âm thầm ngày ngày phát nương, làm rẫy, biến khu rừng đất cằn sỏi đá trở thành trang trại màu mỡ, cây cối xum xuê hoa trái.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, khi tôi học lớp 6 là lúc bố mẹ dành dụm được tiền để mua một chiếc xe wave tàu làm phương tiện đi lại. Chiếc xe là sự hãnh diện của hai chị em tôi khi nhà mình cũng đã có thứ để “vênh” với thiên hạ. Ba năm sau đó, nhà tôi đổi đời xe lên Wave xịn, bố mẹ tôi mua được nhà ngoài phố huyện, chuyển hai chị em tôi về ở cùng tiện chăm lo, nhà tôi thoát nghèo nhờ sự chịu thương, chịu khó và tảo tần của mẹ. Tôi vẫn thường nói rằng chẳng cần phải nhìn đi đâu xa, vì trong nhà tôi có một tượng đài về người đàn bà thép, hy sinh hết mình vì chồng, vì con, vì gia đình - đó là mẹ của tôi. 

 

Thập tử nhất sinh vì con!

Mẹ mang thai tôi được 8 tháng 21 ngày thì chuyển dạ. Mẹ bảo tôi quá bướng nên mẹ đau mấy hôm mà tôi vẫn chưa chịu ra, đến cuối ngày thứ ba khi bác sĩ nói nếu quá 21h30 mà không sinh thường được thì sẽ mổ. Đúng 21h30 điện nhà nước cắt cái phụp, chiếc đèn măng xông thắp lên, tôi ra đời đúng khoảnh khắc đó. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ nghén nặng suốt thời gian mang bầu nên tôi sinh ra chỉ được 1,3kg, sặc ối nên mọi người vội vàng mang tôi đi cấp cứu. Mẹ bị băng huyết nên ngất đi, ngoài trời tháng 11 gió lạnh rít từng hồi, mọi người vẫn hối hả lo cấp cứu cho tôi mà không biết mẹ tôi đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Mẹ tôi chỉ được phát hiện khi cô y tá quay lại lấy dụng cụ, do không có điện nên cô ấy vô tình đá phải cái chậu dưới gầm giường, máu mẹ tôi chảy lênh láng nên cô ấy mới hô hoán mọi người. Bác sĩ nói không được xê dịch mẹ, vì nếu xê dịch thì bà sẽ trụy tim, không cứu được, vậy là 10 ngày mẹ nằm im một chỗ, không nhúc nhích còn tôi được bà nội mang về nuôi bộ, xin sữa non của mấy cô đang mang bầu trong làng và uống sữa ông thọ. Bà vẫn kể, vì tôi thì quá nhỏ, mẹ lại quá yếu nên ai đến thăm cũng nghĩ là một trong hai sẽ không sống được, họ đi thăm bà đẻ khác thì mừng vui nhưng đến nhà tôi thì chỉ gạt nước mắt trước hai sự sống mong manh. 

Sau 29 năm, mẹ tôi đã lên chức bà ngoại nhưng vẫn hết mình vì công việc, chăm chút từng cái cây, tích cóp cho cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả. Còn tôi đã là một người mẹ của một em bé 2 tuổi, cũng trải qua sinh nở nhiều nước mắt, có lúc mất thăng bằng nhưng luôn có mẹ ở bên, sốc tinh thần tôi lên kịp thời, giúp tôi mạnh mẽ, lạc quan hơn. “Có sinh con mới biết lòng cha mẹ”, giờ đây khi đã là một người mẹ tôi mới thấu được những hy sinh, vất vả của mẹ, biết thương mẹ hơn và cũng tự hào hơn khi được là con của mẹ. Nhân ngày của mẹ, xin chúc cho tất cả các mẹ luôn vững vàng, luôn mạnh mẽ và luôn là “suối nguồn hạnh phúc” của các con.

Đọc thêm