Mê tín 'lên ngôi'?

(PLO) - Có một thực trạng không thể phủ nhận là dân ta ngày càng mê tín. Bất cứ một hiện tượng có vẻ khác lạ nào cũng được gắn với sự kỳ bí, siêu nhiên và thần thánh hóa nó. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Dẫn chứng gần nhất mới đây là một con cá chép bị đánh điện nổi lờ đờ rồi chìm xuống, nổi lên mà thu hút hàng trăm người hiếu kỳ đến “chiêm bái”, thậm chí có người còn lập bàn thờ, thắp hương cúng vái. Chỉ khi một người dân đến quăng chài kéo nó lên, mang về om dưa thì “khách thập phương” mới ngừng kéo đến. “Cá chép om dưa” sẽ trở thành thành ngữ hóa giải chuyện mê tín dị đoan về một con cá bình thường mà chút nữa người ta phong thần cho nó.

Cái hiện tượng xã hội này cần đến các công trình nghiên cứu nghiêm túc chỉ ra những nguyên nhân khiến người ta mê muội. Song, cũng cần thừa nhận là báo chí đã góp phần lớn cho sự mê tín phát triển khi đưa những sự việc đầy màu sắc dị đoan lên báo để câu khách. Người đọc được cung cấp thông tin từ cách xem vận hạn của mình trong một ngày đến văn cúng của thổ địa, từ việc cúng sao giải hạn đến xem giờ tốt và nên làm việc gì trong ngày.

Báo chí cũng dẫn dụ người đọc tin vào số phận khi đăng bài đại loại như những ai thuộc con giáp này thì từ giờ đến cuối năm chỉ ngồi không thì tiền bạc cũng đổ vào như nước, hoặc mới đây nhất là hướng dẫn người ta chọn mua vàng nào trong ngày vía Thần Tài cho tốt. Đó là sự cổ súy cho mê tín, không cần làm cũng có ăn. Những nhà ngoại cảm lên ngôi, trở thành nổi tiếng cũng do công lớn của báo chí và người dân bị lừa đảo không ít từ những “nhà ngoại cảm” này. Mới nhất là trường hợp một “liệt sỹ” báo tử vào năm 1976, được nhà ngoại cảm hướng dẫn tìm mộ, bốc hài cốt mang về nghĩa trang liệt sỹ ở quê, thế nhưng, Tết này “liệt sỹ” đó trở về với gia đình mà người thân đang có ý định khởi kiện “nhà lừa đảo” kia!

Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho báo chí khi các cơ quan truyền thông chỉ phản ảnh và “ăn theo” trào lưu xã hội, cái lỗi ở đây là chạy theo thị hiếu mê tín, câu khách và tự đánh rơi vai trò “hướng dẫn dư luận” mà thôi. Mê tín bắt nguồn từ sự không hiểu biết và lên ngôi khi người ta hoang mang không biết tin vào cái gì có thực trên đời và có một tầng lớp “tinh hoa của xã hội” cũng mê tín khiến mọi người mê muội đi theo. Một dẫn chứng rất nhỏ là trên mạng xuất hiện một bức thư với những thông điệp nhảm nhí lan truyền đi bởi “bạn nhận được thư này, gửi cho ít nhất là 30 người, điều kỳ diệu sẽ đến với bạn, nếu bạn xóa nó thì sự trừng phạt tức khắc đến với bạn”. Nhiều người răm rắp làm theo, trong đó có cả những “nhà trí thức”.

Vài câu chuyện nhỏ minh chứng cho sự mê tín đã trở thành “ý thức hệ” trong dân chúng như thế nào. 

Đọc thêm