Mê tín mù quáng quanh tháp Chăm duy nhất Tây Nguyên

(PLO) - Hàng trăm năm, ngôi tháp cổ vẫn cô đơn giữa rừng già thâm u đìu hiu, quạnh quẽ, với những câu chuyện mê tín mùa quáng.
Yang Prông là tháp Chăm duy nhất ở Tây Nguyên
Yang Prông là tháp Chăm duy nhất ở Tây Nguyên

Ngôi tháp này được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XIII với kiểu kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa phồn thực. Năm 1991, Yang Prông được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2013, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hơn 10 tỷ để tu bổ lại tháp Yang Prông. 

Vì sao có tháp Yang Prông?

Theo các tài liệu khảo cổ học, tháp Yang Prông (nghĩa là Thần lớn) được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XIII, dưới thời vua Jaya Sinhavarman III (tức vua Chế Mân, chồng của công chúa Huyền Trân), tương ứng với triều đại nhà Trần của Đại Việt. Tháp cao 9m, rộng 20m2, nằm lọt thỏm trong cánh rừng già tại địa phận thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, là tháp Chăm duy nhất ở khu vực Tây Nguyên. Vào tháng 8/1991, tháp được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Tháp của người Chăm xây dựng sao lại xuất hiện trên đất Tây Nguyên? Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Theo giả thuyết trong cuốn Lý lịch di tích kiến trúc tôn giáo Chăm lưu tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (bản đánh máy năm 1990), vào cuối thế kỷ XII, hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp xảy ra chiến tranh. Sau đó, người Chăm đã chiến thắng, thống trị vùng đất Tây Nguyên và xây dựng tháp Yang Prông. 

Một giả thuyết khác lý giải, vào cuối thế kỷ XIII, quân Nguyên - Mông xâm lược Chiêm Thành, người Chăm phải di tản lên vùng rừng núi phía Tây, trong đó có Tây Nguyên để lánh nạn. Tháp Yang Prông được xây dựng trong khoảng thời gian đó. 

Vì sao chỉ có mình tháp Yang Prông trên Tây Nguyên rộng lớn? Có ý kiến cho rằng Yang Prông là một công trình dang dở. Bởi lẽ, đồng bào người Chăm thường xây dựng một quần thể chứ ít khi xây dựng độc một ngôi tháp như vậy. Theo một giả thiết, do người Chăm không hòa hợp với con người, khí hậu và điều kiện canh tác tại Tây Nguyên, nên họ chỉ lưu trú một thời gian ngắn rồi bỏ đi và chỉ xây dựng được mỗi tháp Yang Prông. 

Sau khi người Chăm rời khỏi Tây Nguyên, người bản địa đã “sáng tác” một truyền thuyết để lý giải về sự xuất hiện của ngôi tháp cổ này. 

Truyền thuyết kể rằng: “Có hai vợ chồng nhà kia, người vợ đến kỳ sinh nở, người chồng chạy đi tìm bà đỡ. Khi bà đỡ bắt tay vào việc thì trên không trung xuất hiện một cánh diều. Tiếng sáo diều réo rắt, véo von làm chim rừng thôi hót, cây thôi xào xạc. 

Bà đỡ quên việc đang làm để nghe tiếng sáo diều. Vì thế, em bé không chào đời và người mẹ trẻ cũng chết. Lúc đó, người chồng cũng mải mê nghe tiếng sáo. Khi giật mình tỉnh lại, thấy cảnh tượng hãi hùng liền cầm gươm chém đứt đầu bà đỡ. Sau khi chết, cả ba người đều hóa đá, người dân trong vùng gọi mẹ con sản phụ là Yang Prông và lập miếu thờ cúng”.

Rõ ràng truyền thuyết này không phù hợp với nguồn gốc xuất hiện cũng như tín ngưỡng, tâm linh của văn hóa Chăm. Ông Lê Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Rốk cho biết, ngày trước trong tháp này không có ly hương, cũng chẳng tượng thờ. 

Thứ duy nhất đặt trong ngôi tháp là một bàn đá và biểu tượng của thần Shiva được làm bằng đá. Tuy nhiên, về sau, hai thứ này đã bị mất và thay vào đó là bát nhang. Những người còn đến lập miếu gần ngôi tháp này để thờ cúng. 

Trước thực trạng đó, UBND xã đã có những biện pháp “mạnh tay” để giữ gìn nét văn hóa đúng nghĩa ngôi tháp. Ông Hoàn cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu đây là ngôi tháp cổ của người Chăm, được xây dựng với ý nghĩa tâm linh phồn thực, thờ thần Shiva để cầu mong con đàn cháu đống. 

Thế nhưng có một số người không hiểu ý nghĩa sâu xa của tháp, cứ tới thắp nhang, cầu khấn “xin xỏ” đủ thứ trên đời. Xã đã mời những người có hoạt động mê tín xung quanh tháp lên trụ sở xử phạt hành chính, đập bỏ những miếu bằng xi măng được người dân tự ý dựng lên xung quanh tháp”. 

Suýt thành phế tích

Nạn mê tín nói trên, ngoài việc do quan niệm của một số người sai lệch, còn có lý do khác. Trước đây, dù Yang Prông có giá trị to lớn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc và khảo cổ học, nhưng do nằm biệt lập giữa rừng sâu, đường sá đi lại khó khăn nên ít khách tới tham quan.  

Ngày xưa quanh tháp Yang Prông là một cánh rừng đại ngàn. Trước khi được quan tâm tu bổ, ngôi tháp cổ này thiếu chút nữa đã đổ nát vì… một cây đa. Ông Hoàn cho biết: “Ngày ấy trên đỉnh tháp có một cây đa lớn. Rễ của cây đa này bao quanh tháp, làm ngôi tháp cổ nứt đôi ra”. Đến năm 2013, tỉnh Đắk Lắk mới cấp hơn 10 tỷ đồng để trùng tu, chặt cây đa, dùng khung sắt thép cố định lại Yang Prông như ngày nay.

Ai tới Yang Prông tham quan đều rất tò mò về chất kết dính giữa các viên gạch. Có người cho rằng, các viên gạch được kết dính với nhau bằng nhựa cây, có người nói tháp được xây bằng gạch mộc, sau đó trùm lá cây lên nung chính mới tự dính lại với nhau. Thậm chí, có người còn cho rằng, giữa các viên gạch chẳng có bất kỳ chất kết dính nào. 

Để làm rõ những vấn đề trên, PL&TĐ đã tìm đến Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, tìm hiểu một số tài liệu để trả lời những câu hỏi trên. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) viết trong cuốn Du khảo văn hóa Chăm: “Người Chăm xây tháp bằng gạch đã nung chứ không phải xây bằng gạch sống rồi đốt. Đồng thời, người thợ xây tháp dùng chất kết dính, chất kết dính đó có yếu tố nhựa thực vật”. 

Cũng theo lý giải của nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, những viên gạch được dùng để xây tháp đều rất nhẹ, xốp và không già. Nhờ tính chất xốp nên tháp Chăm nói chung và tháp Yang Prông nói riêng mới tồn tại được qua nhiều thế kỷ mà vẫn giữ được màu gạch tươi. 

“Do gạch xốp nên cả khối tường khô đều từ trong ra ngoài khi phơi nắng, lại vừa chống chọi được với khí hậu nắng lắm mưa nhiều….Chính chất liệu gạch và kiến trúc xây dựng gạch đặc biệt của người Chăm xưa là yếu tố quan trọng tạo ra vẻ đẹp đặc biệt cũng như chất lượng của tháp cổ”, tài liệu viết. 

Trở lại với ngôi tháp, theo ghi nhận của PL&TĐ, người dân vẫn lén lút lui tới, tự thắp và cắm nhang vào một số gốc cây xung quanh tháp. Tuy nhiên xung quanh tháp không còn bất kỳ ngôi miếu hay hoạt động mê tín dị đoan nào. 

Dù vậy, nơi đây vẫn chưa có hàng rào, chưa có nhân viên bảo vệ túc trực 24/24 để đảm bảo cho sự an toàn của ngôi tháp cổ. “Yang Prông là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Thế nhưng lương bảo vệ chỉ vọn vẻn hai triệu/tháng là chưa tương xứng, chưa phù hợp, nên họ phải đi làm thêm để lo cho cuộc sống. Ngoài ra, suốt tuyến đường từ trung tâm xã vào tháp chưa có biển chỉ dẫn, cũng chưa có cổng chào, chưa có hàng rào bảo vệ. 

Điều tôi lo lắng nhất là sự sạt lở của sông Ea H’Leo cách tháp khoảng 100m. Vào mùa lũ nhiều năm trước, nước sông từng ngập chân tháp. Mấy năm nay, bờ sông liên tục sạt lở hướng về vị trí của Yang Prông. N ếu không được đầu tư xây kè chắn sóng, tôi nghĩ không sớm thì muộn Yang Prông cũng bị nước sông làm hư hại”, phó chủ tịch xã Ea Rốk bày tỏ lo ngại. 

Ông Trần Hùng (Giám đốc Trung tâm quản lý di tích, thuộc Sở Văn hóa-Thể thao- Du lịch tỉnh Đắk Lắk) cho biết thêm, dù đã được đầu tư hơn 10 tỷ để trùng tu nhưng hiện đường sá đi vào khu vực vẫn rất khó khăn. Hiện tỉnh đã giao cho UBND xã quản lý công trình và tiếp tục tìm nhà đầu tư./.

Đọc thêm