Miền Trung lại đối diện nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt

(PLVN) - Bão số 13 khi đổ bộ vào đất liền đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng gây mưa lớn trong ngày 16/11. Do đó, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bão số 13 khiến bãi biển Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tiếp tục ăn sâu vào đất liền 5-10 mét.
Bão số 13 khiến bãi biển Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tiếp tục ăn sâu vào đất liền 5-10 mét.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, bão số 13 gây mưa lớn nên có thể xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đồng thời nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện tượng trượt lở đất thường xảy ra nhiều ở các sườn đồi, núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình...

Trượt lở đất có thể tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Đất, đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1-2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5-1km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.

Đến ngày 16/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang và khu vực Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Các chuyên gia hướng dẫn, người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất. N.Quảng

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 17-20 độ C, vùng núi 15-17 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C. Còn tại Thủ đô Hà Nội có mưa, mưa vừa. Trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ C.

Trong khi đó, hiện nay các tỉnh miền Trung đang tích cực khắc phục hậu quả bão số 13. Tại Quảng Trị, mưa bão làm 7 người bị thương, hơn 700 ngôi nhà tốc mái, nhiều tuyến đê kè bị sạt lở nghiêm trọng, sạt lở ăn sâu vào đất liền kéo sập hàng quán ven biển. Trong sáng 16/11, học sinh tại tỉnh này đã đi học trở lại.

Bão số 13 cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng tại các tuyến đê biển trên toàn tỉnh Quảng Trị. Do ảnh hưởng của bão số 13, tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng hơn 600 trạm biến áp tại 55 xã chưa khôi phục được làm gián đoạn cung cấp điện. Hiện nay, các địa phương tại tỉnh Quảng Trị đang khắc phục hậu quả mưa bão, sửa sang lại nhà cửa, trụ sở, trường học, dọn dẹp cây xanh gãy đổ. 

Thống kê đến chiều 16/11, ảnh hưởng của bão số 13 ở Quảng Trị đã khiến 7 người bị thương do trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão. Chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục khắc phục hậu quả do bão số 13 gây ra trên địa bàn.

Còn tại tỉnh Quảng Bình, bão số 13 làm 8 người bị thương trong lúc gia cố nhà cửa, hơn 230 nhà bị tốc mái, chủ yếu ở huyện Bố Trạch, 3 tàu cá bị chìm, va đập gây hư hỏng thủng. Sau bão, chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Bình huy động các lực lượng giúp nhân dân, đồng thời kêu gọi phát huy tinh thần “tương thân tương ái” hỗ trợ nhau ổn định đời sống sau mưa bão… 

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế,  ảnh hưởng của cơn bão số 13 đã khiến 6 nhà bị sập, gần 4.700 nhà bị tốc mái; trong đó các địa phương bị nặng như Phú Vang có hơn 2.100 nhà, Phú Lộc hơn 900 nhà. Toàn tỉnh có hơn 900 nhà bị ngập do triều cường và 31 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, hơn 1.520 trạm biến áp bị mất điện; nhiều tàu cá bị sóng đánh mắc cạn và chìm…

Hiện lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng với người dân các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả số 13. 

Theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cập nhật đến ngày 16/11, có 19 người bị thương, trong đó Quảng Bình: 8 người, Quảng Trị: 7 người, Đà Nẵng: 1 người, Quảng Nam: 3 người. 17 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại nơi neo đậu do bão số 13, trong đó Quảng Bình: 3 tàu thuyền, Quảng Trị: 1 tàu thuyền, Thừa Thiên - Huế: 11 tàu thuyền, Đà Nẵng: 2 tàu thuyền.

Có 6 nhà ở Thừa Thiên - Huế bị sập; 5.755 nhà bị hư hại, tốc mái, trong đó Hà Tĩnh: 6 nhà, Quảng Bình: 231 nhà, Quảng Trị: 809 nhà, Thừa Thiên - Huế: 4.687 nhà, Đà Nẵng: 22 nhà. Bão số 13 cũng đã làm 540m kè bị hư hỏng; 38,95 km bờ sông, bờ biển tiếp tục bị sạt lở; đổ, gãy 2.620 cây các loại.

Đọc thêm