Mở cánh cửa cho người đồng tính

(PLO) - Nhu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính (PTCĐGT) đang có xu hướng gia tăng ở nước ta. Vì không được pháp luật cho phép, biết bao người đã lén lút sang nước ngoài phẫu thuật, để lại vô vàn hệ lụy sau khi trở về nước. 
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
Có nên tạo ra một cánh cửa để giải tỏa bức xúc và thỏa mãn khát vọng cho những “khổ chủ” này - là vấn đề đang được các nhà làm luật và người dân đặc biệt quan tâm.
Phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui” và những hệ lụy khôn lường…
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, số liệu thống kê của Viện Sức khỏe - Môi trường, Bộ Y tế cho thấy, thực tế có tới nửa triệu người không trùng với giới tính hiện có của mình, nghĩa là nam là nam, nữ là nữ nhưng trong suy nghĩ, hành động của mình lại nghĩ mình là nữ hoặc ngược lại, nghĩa là tuy họ đã đã được hoàn thiện về giới tính về mặt sinh học, nhưng trong tâm tưởng của họ lại không thực sự như vậy. 
Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, do Việt Nam chưa cho phép PTCĐGT, khoảng 500 – 1000 người đã phải ra nước ngoài PTCĐGT, hiện đã về sống tại Việt Nam, kéo theo đó là vô vàn hệ lụy…
Nhu cầu thì lớn, nhưng hiện nay việc PTCĐGT vẫn chưa được pháp luật thừa nhận. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Xét ở góc độ quyền con người thì việc cho phép PTCĐGT là một việc làm ý nghĩa và mang tính nhân văn. Tuy nhiên, nếu được pháp luật cho phép PTCĐGT, cũng có không ít hậu quả có thể xảy ra. Một là, sau khi PTCĐGT, những người chuyển giới sẽ phải sử dụng hoocmon thường xuyên, dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư. 
Ngoài ra, vì đây là một cơ thể đã hoàn thiện về giới tính, giờ lại tiếp tục thay đổi nên các nhà khoa học đã nghiên cứu và ước tính tuổi thọ của những người chuyển giới sẽ giảm tới 20 năm. Rồi thực tế cũng đã có trường hợp trong đầu nghĩ mình là nữ nên chuyển sang là nữ nhưng khi đã PTCĐGT rồi, phải thay đổi cả thói quen sinh hoạt, do không thích nghi với cuộc sống mới nên đã bị stress, trầm cảm rồi tự tử…
Thêm vào đó, chúng ta cũng phải tính đến chuyện những người chuyển giới không bao giờ có con theo quan hệ thông thường. Nếu có con bằng hình thức hỗ trợ sinh sản cũng sẽ dẫn đến rất nhiều bi kịch: Khi có con ai sẽ là cha, ai là mẹ, con cái gọi thế nào? Và nhiều hậu quả pháp luật khác kéo theo nữa… Thậm chi, về mặt sinh học, những người PTCĐGT cũng sẽ không thể thỏa mãn về tình dục như những người bình thường khác…
Như vậy, việc pháp luật chưa cho phép PTCĐGT ở Việt Nam là có cơ sở rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không cho PTCĐGT ở trong nước cũng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy?
- Đúng vậy. Thực tế, có năm hệ quả xảy ra khi pháp luật không cho phép PTCĐGT. Thứ nhất, người đó không được sống đúng với giới tính của mình, điều đó sẽ gây tổn thương về tâm lý cũng như tình cảm của họ. Chính vì lý do đó, nó không giảm được sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người thuộc giới tính thứ ba. 
Thứ hai, vì pháp luật không cho phép nên người có mong muốn PTCĐGT phải ra nước ngoài phẫu thuật. Khi ra nước ngoài PTCĐGT, họ không chỉ phải mất rất nhiều chi phí cho việc ăn ở, đi lại, mà còn phải làm rất nhiều thủ tục… 
Mặt khác, do thiếu thông tin nên họ phụ thuộc chủ yếu vào các đường dây giới thiệu ra nước ngoài phẫu thuật. Và phần lớn các đối tượng làm phẫu thuật “chui” tại các cơ sở không được Nhà nước cho phép, không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe, tài chính, xã hội…
Cũng do pháp luật chưa quy định, những người PTCĐGT không được pháp luật công nhận về nhân thân. Sau khi chuyển giới về Việt Nam, vô hình trung họ không được thừa nhận nên thường bị mặc cảm và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày vì các thông tin trên giấy tờ đều không khớp với cơ thể thực tế hiện có. Họ cũng không được pháp luật bảo vệ khi đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn… 
Trong trường hợp họ phạm tội, pháp luật chỉ quy định giam giữ nam riêng, nữ riêng, vậy “ông này” xếp vào đâu? Đến ngay cả việc đi vệ sinh cũng vậy, họ sẽ phải vào phòng vệ sinh nam hay nữ? Vì lý lịch, tên tuổi không được thay đổi nên những người này sẽ bị vô thừa nhận và nằm ngoài sự quản lý của địa phương, dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý nhân khẩu, đi lại…
Một trường hợp chuyển đổi giới tính
Một trường hợp chuyển đổi giới tính
Cánh cửa liệu có thực sự được mở?
Được biết, hiện vấn đề cho phép PTCĐGT đang được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự 2005. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Xin ông cho biết kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về vấn đề này?
- Từ những thực tế mà tôi đã phân tích ở trên cho thấy: Hậu quả khi pháp luật không cho phép PTCĐGT sẽ lớn hơn, tác động đến xã hội nhiều hơn, còn nếu cho phép PTCĐGT thì chỉ ảnh hưởng đến một số cá nhân. Xét tính cộng đồng, trật tự xã hội thì phải tính đến những lợi ích về cộng đồng hơn là một vài cá thể. 
Hơn nữa, chúng ta có cho phép hay không phải gắn với quyền con người. Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân (trong đó cá nhân có quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc). Trong các quyền được hạnh phúc đó thì con người có quyền được sống thật với giới tính của mình. Đặc biệt, chúng ta phải đặt câu hỏi: “Việc PTCĐGT có đem lại sức khỏe, hạnh phúc thực sự cho họ không?”. 
Thực tế cho thấy những người chuyển đổi giới tính vô cùng hạnh phúc khi được sống thật với bản thân mình. Những người chưa chuyển giới, không có điều kiện PTCĐGT thì mong muốn và khát khao được chuyển giới. Mặt khác, xuất phát từ đặc tính học con người là dù thân thể có thế nào thì tâm lý vẫn điều chỉnh hành vi của con người. Ví dụ như một bé trai nhìn rõ ràng là bé trai nhưng vẫn cứ thích nhảy dây, chơi búp bê…, hoặc hình thể là con gái đấy nhưng vẫn thích đá bóng, chơi bi-a, đá cầu…
Nhưng, khi đề cập đến quyền con người, mưu cầu hạnh phúc, không có nghĩa quyền đó là vô hạn, mà phải trong khuôn khổ của pháp luật, đạo đức xã hội… Trên thế giới, hiện đã có 20 nước cho phép chuyển đổi giới tính. Khu vực châu Á có 05 quốc gia, gồm: Ấn Độ, Nê pan, Bănglađét, Pakistan và Thái Lan đã quy định về vấn đề này. 
Thực tế, số quốc gia thừa nhận PTCĐGT quá ít trong số hơn 200 quốc gia, lãnh thổ (chiếm 1/10 quốc gia). Nếu tán thành quan điểm này, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ sáu của khu vực và thứ hai ở Đông Nam Á cho phép PTCĐGT. Theo tôi, đây là một tư tưởng tiến bộ, nhưng nó phải phù hợp với sự phát triển của mỗi quốc gia, và tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, cũng như để phù hợp với đạo đức, truyền thống tôn giáo, xã hội, kinh tế…, chúng ta cân nhắc nên hay không nên cho phép PTCĐGT. 
Là một người làm công tác pháp chế y tế lâu năm, được tiếp cận với pháp luật, y học nhiều, tôi cho rằng dù muốn hay không muốn thì PTCĐGT vẫn là một thực tế hiện hữu. Nếu chúng ta không cho phép thì họ vẫn cứ làm. Khi họ đã làm rồi cũng không thể bắt ép họ phải quay trở lại thực thể cũ, cũng không thể tiêu hủy sản phẩm... Và cũng chính vì nó là một cá nhân, một thực thể cho nên chúng ta không nên né tránh thực tế này. 
Theo tôi, nên chăng, chúng ta bằng cái nhìn mang tính chất thân thiện, với  ghi nhận của pháp luật là được quyền mưu cầu hạnh phúc, được sống thật với giới tính của mình…cho phép thực hiện PTCĐGT trong một số trường hợp đặc biệt. Nhưng để cho phép, phải làm phép loại trừ để tránh bằng được tâm lý đua đòi của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay (thay đổi tâm lý đua đòi mang tính chất khuyết tật của xã hội), để làm sao cho những người thực sự có nhu cầu được thỏa mãn tâm nguyện của mình. Nếu quy định này được thực hiện, đây sẽ là bước đột phá trong tư duy xây dựng pháp luật, cũng như tư duy ứng xử của tâm lý xã hội.
Như ông đã cho biết, nếu được Nhà nước cho phép, sẽ thực hiện PTCĐGT cho những trường hợp đặc biệt. Vậy những trường hợp nào được coi là đặc biệt? Làm thế nào để xác định được các trường hợp này?
- Đương nhiên các trường hợp được phép PTCĐGT phải là những người thực sự có nhu cầu. Nghĩa là họ tuy được hình thành giới tính rõ ràng, nhưng trong suy nghĩ, họ vẫn nghĩ mình là giới tính ngược lại với giới tính mà họ đã được xác định. Để xác định được các trường hợp này, chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm, cũng như phải xét nghiệm về tâm lý y học trong một thời gian (có thể là một năm), ngoài ra phải dựa vào điều kiện, hoàn cảnh sống của gia đình để khẳng định cụ thể. Thái Lan cũng như các quốc gia đã cho phép PTCĐGT đều có chung cách làm và tuân theo một nguyên tắc như thế!
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Đọc thêm