Mô hình xung kích tại địa phương, giải pháp hiệu quả cho phòng chống lũ quét, sạt lở đất

- PLVN có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNN về các giải pháp khắc phục lũ quét, sạt lở đất tại các tình miền núi phía Bắc.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNN.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNN.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc?

Ông Trần Quang Hoài: Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm, xảy ra bất ngờ và trong thời gian rất ngắn tại khu vực miền núi, có sức tàn phá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đây là các loại hình thiên tai gây thiệt hại chủ yếu tại các tỉnh miền núi, đặc biệt là miền núi phía Bắc, cụ thể:

- Năm 2018: lũ quét xảy ra nghiêm trọng tại Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà,…. làm 82 người chết, mất tích trên tổng số 224 người chết, mất tích do thiên tai trên cả nước (chiếm 37%).

- Năm 2019: lũ quét xảy ra nghiêm trọng tại Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Lai Châu,…làm 34 người chết, mất tích trên tổng số trên tổng số 133 người chết, mất tích do thiên tai trên cả nước (chiếm 26%).

Ngoài ra, với các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cơ sở hạ tầng, môi trường sống, tư liệu sản xuất,… bị phá huỷ mà phải mất nhiều thời gian, kinh phí mới có thể khôi phục, tái thiết lại được.

- Mô hình đội xung kích tại các bản làng thời gian qua được coi là một giải pháp tốt để hạn chế tối đa rủi ro do thiên tai gây ra, xin ông có thể nói nhiều hơn về mô hình này?

Ông Trần Quang Hoài: Một trong những hướng tiếp cận về giải pháp phòng chống thiên tai nói chung cũng như phòng chống lũ quét nói riêng đó là tiếp cận từ cộng đồng với việc thúc đẩy mô hình đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và ở làng, bản. Cách tiếp cận này hướng tới thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” tại cấp cơ sở.

Chúng ta cũng đã thấy những thực tiễn rất có giá trị khi những cán bộ trong đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã làm được trong thời gian qua.

Như tại trận lũ quét tháng 8/2017 tại Mường La, Sơn La, Trưởng thôn  Cà Văn Biên giữa đêm tối, thấy mưa lớn, đã cùng anh em trong đội đi xe máy lên thượng nguồn kiểm tra, phát hiện nước dồn về nhiều, con đường tỉnh lộ 109 thường là bức tường ngăn lũ tràn về bản đã bị sạt nghiêm trọng. Anh đã chạy về thôn, dùng loa cầm tay đi kêu gọi bà con (179 hộ/800 người) trong thôn rời khỏi nhà lên đồi sơ tán khẩn cấp tránh được những thiệt hại đáng tiếc về người khi lũ quét tràn qua.

Tại Xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, nơi thường xuyên, năm nào cũng chịu ngập lụt nghiêm trọng. Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã ở đây đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuẩn bị tốt trước mỗi đợt thiên tai. Mỗi nhà dân đều có một gác trên cao dự trữ lương thực, thực phẩm, cỏ khô, khi có lũ, người, gia súc được đưa lên đó để tránh lũ. Đội xung kích được trang bị xuồng thường xuyên hỗ trợ những hộ neo người, có người già, trẻ em.

Tại xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang, đầu nguồn sông Cửu Long giáp với biên giới Campuchia, trong mùa lũ 2018, Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã tổ chức trông giữ trẻ tập trung, tổ chức đưa đón trẻ em từ nhà đến trường nên đã giảm thiểu không một trường hợp trẻ em nào bị chết đuối (so với năm 2020 với hơn 300 trẻ bị thiệt mạng)

Ngoài ra mô hình hoạt động hiệu quả của các đội xung kích nữ ở Thừa Thiên Huế và các địa phương khác trên cả nước.

Những tình huống thiên tai đáng tiếc xảy ra như tại Quan Sơn, Thanh Hóa, một trong những nguyên nhân dẫn đến lũ quét là do tắc nghẽn dòng chảy ở thượng lưu. Nước dồn về thành bị chặn lại như một hồ chứa, khi bục ra tạo thành lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng (17 người chết và mất tích).

Mô hình đội xung kích nữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế
 Mô hình đội xung kích nữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, thời gian qua, Bộ NN& PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 76 trong đó chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trong năm 2020.

Mô hình Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể trong xã, hoạt động trước, trong và sau thiên tai với các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả.

Đội xung kích sẽ được tổ chức chặt chẽ, có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên, được trang bị kiến thức, kỹ năng, công cụ trang thiết bị để triển khai nhiệm vụ.

Với mô hình hoạt động chặt chẽ như vậy, hàng năm, đội xung kích trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ phòng ngừa trong đó có “Kiểm tra, phát hiện nguy cơ mất an toàn đối với nơi ở của người dân, các công trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn; chủ động xử lý và kịp thời thông tin đến người dân và Trưởng BCH xã để xử lý”; sẽ phát hiện sớm những điểm tắc nghẽn dòng chảy phía thượng nguồn, kịp thời xử lý hoặc báo cáo UBND xã tổ chức xử lý, tránh được những tình huống lũ quét như đã xảy ra tại nhiều nơi trong đó có bản Sa Ná, Quan Sơn, Thanh Hóa; hạn chế tối đa rủi ro thiên tai. 

Góp phần xây dựng một thôn an toàn trước thiên tai, xã an toàn trước thiên tai và hình thành một xã hội an toàn trước thiên tai.

- Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào việc dự báo lũ quét, sạt lở đất. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Trần Quang Hoài: Trong thời gian vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là sự tham gia của khối doanh nghiệp.

Ông Hoài thị sát mô hình xung kích tại Thanh Hóa.
 Ông Hoài thị sát mô hình xung kích tại Thanh Hóa.

Hiện nay trên cả nước đã lắp đặt được 1.350 trạm đo mưa tự động, chuyên dùng, trong đó có 399 trạm đo mưa ở khu vực miền núi phía Bắc để phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Với sự tăng cường hệ thống đo mưa tự động này, khi xảy ra mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp ở địa phương sẽ có thông tin để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó, đặc biệt là sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, với sự hỗ trợ của các quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, các cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam như Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất tại 05 điểm, trong đó 03 điểm thuộc tỉnh Lào Cai (tại các huyện Sa Pa, Bát Xát và TP Lào Cai) và 02 điểm thuộc tỉnh Yên Bái (tại các huyện Trạm Tấu, Nghĩa Lộ); trên số liệu quan trắc và đo cảm biến, tự động để cảnh báo khi có mưa lớn nguy cơ gây sạt lở đất, lũ quét.

Trong thời gian tới, tiếp tục huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để hạn chế thiệt hại.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm