Mở rộng hỗ trợ việc làm đối với người lao động từ nước ngoài về?

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Dao đánh giá cao việc mở rộng chính sách hỗ trợ việc làm đối với người lao động tại nước ngoài sau khi trở về nước trong dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Dao.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Dao.

Thảo luận tại tổ ngày 10/6 về dự án Luật trên, Đại biểu Châu Quỳnh Dao phản ánh, có một số trường hợp đi thăm thân, du lịch hoặc đi học… nhưng sau một khoảng thời gian thì có được cơ hội việc làm, được cư trú và lao động. Trong nhóm này có lao động hợp pháp theo quy định của nước sở tại nhưng cũng có lao động chưa được ký hợp đồng, tức là chưa hợp pháp.

Thực tiễn, qua đại dịch Covid-19 vừa rồi, Chính phủ nước ta có chính sách nhân văn ở chỗ là tiếp nhận kiều bào trở về nước. Trong số này, thông tin báo chí cho thấy đã phát hiện được nhiều người lao động bất hợp pháp. 

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, nếu như mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với nhóm lao động này thì bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho lực lượng lao động, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó giảm thiểu được tình trạng lao động chui.

Bà Dao cũng đề cao điểm rất tốt, tiến bộ của dự án Luật sửa đổi so với Luật năm 2006. Cụ thể, từ trước đến nay, chính sách cho người lao động Việt Nam trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng thì Luật cũ quy định rõ, chặt chẽ trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nhưng lần sửa đổi này quy định thêm trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp. 

Theo bà, người lao động ở nước ngoài trở về nước đối diện với rất nhiều khó khăn như phải quen lại với môi trường lao động ở Việt Nam, với kỹ năng, văn hóa lao động, thất nghiệp, trả nợ trước khi đi nước ngoài lao động hay ở khía cạnh xã hội thì có vấn đề gia đình, hôn nhân tan vỡ. 

Chính sách trước đây mới chủ yếu đề cập đến việc đào tạo nghề, hỗ trợ vốn…, chưa chú trọng nhiều đến chính sách tái hòa nhập cho người lao động. Dự thảo Luật sửa đổi đã chú ý đến vấn đề này nhưng có nhiều điểm chưa rõ ràng, thiết thực.

Một trong những đề xuất để làm rõ chính sách hỗ trợ này, đại biểu Dao kiến nghị đưa vào Điều 69, khoản 2 về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước có nhiệm vụ hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, phải về nước trước thời hạn, người lao động phải về nước vì lý do bất khả kháng, người lao động bị chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

“Bởi nếu có chính sách định hình rõ cơ quan nào, lực lượng nào hỗ trợ trong trường hợp này thì sẽ đi vào đời sống một cách khả thi, khắc phục được tình trạng lao động quá hạn nhưng không chịu về nước, lao động chui”, bà Dao nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang băn khoăn, việc mở rộng chính sách hỗ trợ việc làm đối với người lao động sau khi nước thì nguồn hỗ trợ ở đâu, hết bao nhiêu tiền, phải báo cáo Quốc hội về thực thi chính sách này...

“Chúng ta không để ban hành chính sách ra rồi lại nợ chính sách, không triển khai được trong thực tế, quay ra kiểm điểm, phê bình nhau rằng Luật không khả thi”, ông Giang nói.

Đọc thêm