Mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ: Liệu có thay đổi năng suất lao động?

(PLVN) - Một trong những nội dung đáng quan tâm của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo Bộ luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. 

Vẫn biết rằng, đề xuất này được đưa ra dựa trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động. Và thời gian qua, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã nhận được nhiều đề xuất nghiên cứu sửa đổi Bộ luật theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa.

Lý do chính là đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, cũng vẫn còn không ít góc nhìn phản biện.

Mới đây, để phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị tập hợp nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan và đại diện người lao động, người sử dụng lao động của nhiều ngành nghề.

Theo bà Đào Thị Thu Huyền – Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, đại diện Canon là doanh nghiệp có hơn 23.000 cán bộ, nhân viên tại Việt Nam, sẽ rất bất cập nếu áp dụng giảm thời giờ làm việc chính thức và không tăng giờ làm thêm, với riêng một số ngành công nghiệp điện, điện tử. Phân tích của bà Huyền cho thấy, thời điểm “vàng” khi Việt Nam thu hút FDI với lợi thế nhân công rẻ, lao động dồi dào, NLĐ chăm chỉ… đã qua.

Hiện nay, điểm duy nhất còn lại, theo bà Huyền chỉ là yếu tố chăm chỉ và ý chí, còn chi phí cho nhân công thì không còn sức cạnh tranh nữa, dựa theo thống kê báo cáo của một số tổ chức lao động trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam không mạnh về các ngành công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp Nhật Bản lo lắng rằng việc duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam đang trong ngưỡng khó. Hiện DN sử dụng nhiều trí tuệ vào máy móc thiết bị để nâng cao năng suất lao động chứ NLĐ không tự ý nâng cao sức lao động của mình.

“Nếu dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ và không nới rộng làm thêm giờ thì hiện nay tuyển lao động vốn đã khó khăn sẽ còn khó khăn hơn. Bối cảnh là đơn hàng nhiều, NLĐ đang ở thế sẵn sàng bỏ việc, chủ sở hữu rất khó tuyển lao động thay thế. DN sẵn sàng dịch chuyển sản xuất sang các khu vực khác. Với bối cảnh đang mất dần thế cạnh tranh về nguồn nhân công thì các sửa đổi này rất bất lợi cho chính NLĐ, tác động không nhỏ, làm giảm toàn bộ nền kinh tế trong thời gian ngắn” – bà Huyền nói.

Với các phân tích trên, bà Huyền cho rằng nếu không được phép nới thời gian làm thêm thì ít nhất cần giữ nguyên quy định hiện hành, tăng từ 200 giờ lên 300 giờ, trên cơ sở NLĐ thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Đại diện Công ty May 10 cũng đồng tình khi cho rằng, xu hướng tăng lương, giảm giờ làm là đúng và phù hợp xu thế, song cần cân nhắc liệu thời điểm này có phù hợp với bối cảnh Việt Nam hay không. Bà Vi Thị Hồng Minh, đại diện VCCI cũng đồng tình với việc cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh.

Đặc biệt, nhất thiết cần nới khung thời gian làm thêm với những ngành nghề mang tính thời vụ có kim ngạch xuất khẩu cao, thay vì quy định mức trần chung về làm thêm theo tháng, theo tuần.

Nêu quan điểm của mình, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng, cần nhìn rộng hơn ở góc độ quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, theo đó đừng nên kỳ vọng quá nhiều về việc thay đổi năng suất lao động ở phía NLĐ làm thêm giờ.

“Hãy để họ minh mẫn, có sức khỏe khi đến công xưởng và hơn thế nữa, hãy quan tâm hơn đến yếu tố tương lai, sức khỏe của các thế hệ tiếp theo” – ông Hiểu nêu quan điểm. 

Đọc thêm