Mối nguy tiềm ẩn từ ngôn ngữ mạng

(PLO) - Có thể nói, ngôn ngữ từ mạng xã hội được tạo nên và phát triển mạnh nhất bởi giới trẻ. Có không ít điều lý thú, nhưng cũng ẩn chứa những mầm mống xấu, gây biến dạng ngôn ngữ Việt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vk, ck, vs… là một trong những từ được cư dân mạng, đặc biệt là tuổi teen (thanh, thiếu niên – PV) sử dụng rất phổ biến. Ý nghĩa của nó, có lẽ giờ đã được hầu hết dân mạng nắm rõ: vk: vợ, ck: chồng, vs: với…

Tuy nhiên, ngôn ngữ mạng không phải bao giờ cũng là những từ có ý nghĩa “lành mạnh” như thế. Được sử dụng cực kì nhiều trong giới trẻ trên mạng xã hội hiện nay, có thể kể đến vcl, vcc, vcđ, vđ… mà nếu kể nghĩa của các từ ra thay vì viết tắt, có lẽ người nghe phải đỏ mặt. 

Trên Facebook, đặc biệt là hội nhóm dành cho giới trẻ hiện rất thịnh hành cách dùng từ theo kiểu chửi tục, ám chỉ các bộ phận sinh dục hoặc những từ có ý nghĩa dơ bẩn. Những từ ám chỉ bộ phận sinh dục, nếu như trước kia thường được viết tắt, nói tránh đi, thì nay, trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ viết thẳng, đầy đủ, trần trụi và coi đó là một cách thể hiện cá tính mạnh mẽ và bất cần của mình hoặc bày tỏ ý kiến quyết liệt về một vấn đề gì đó.

Nói về sự buồn cười, từ “cười ỉ…” đang trở thành cách dùng có tính trào lưu hiện nay. Nghe thô và bẩn, thế nhưng các bạn trẻ dường như rất lấy làm thích thú mỗi khi thể hiện cảm xúc vui vẻ, phấn khích của mình.   

Một cách sử dụng ngôn ngữ khác đang thịnh hành là cách xưng hô “tao, mày” trên status (bài viết trên mạng xã hội - PV). Bất kể đang ở độ tuổi nào và người đọc có lớn hơn mình hay không, nhiều bạn trẻ dùng “tao” làm đại từ nhân xưng chỉ về mình trong bài viết. Và “các mày” là đại từ ngôi thứ hai, thứ ba chỉ những người đang đọc.

Một hội dành cho giới trẻ đang khá nổi hiện nay, hơn 90% bài viết được đăng lên với ngôn ngữ “tao, mày” như thế, dù người viết chỉ mới là học sinh cấp 3 hay người đi làm nhiều năm, ngót nghét 30 tuổi. 

Sự “sáng tạo” ngôn ngữ trên mạng xã hội cũng góp phần tạo ra những từ lái, tiếng lóng, cụm từ có ý nghĩa tục được truyền nhau nhanh chóng. “Đồn như lời” là một cụm từ như thế. Để rồi, cụm từ này nhanh chóng được sử dụng phổ biến không chỉ trong thế giới mạng.

Một nhạc sĩ và một nữ ca sĩ đã đem nó vào tác phẩm của mình để MV “Như lời đồn” được phát hành và nhận không ít “gạch đá” từ giới chuyên môn lẫn công chúng. Một trường hợp ngựợc lại, là tiếng chửi thề từ MV ca nhạc nhanh chóng khiến cộng đồng mạng thấy thú vị, và tiếp nạp nó thành ngôn ngữ của mình, như trường hợp bài hát “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của một nhóm rap nổi tiếng. Và rồi cụm từ “anh đếch cần gì nhiều ngoài…” trở thành câu cửa miệng, thành ảnh chế… của giới trẻ trên mạng.

Không thể phủ nhận, sự phát triển của ngôn ngữ mạng xã hội đem lại nhiều thú vị, nó chứa không ít sự sáng tạo, mới mẻ và ở một vài trường hợp đã góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ chính thống.

Thế nhưng, cạnh đó, sự “bôi đen” và làm biến dạng là có thật. Không ít chia sẻ từ phía các giáo viên cho thấy, nhiều em học sinh giờ đây đang viết bài luận theo ngôn ngữ của mạng xã hội. Cách sử dụng ngôn ngữ ấy, như đã nói, lan ra cả trong cách nói chuyện hàng ngày, vào văn chương và cả âm nhạc. Hiện tượng này, thú vị hay thực sự rất đáng lo? 

Đọc thêm