Mong Bộ trưởng chi tiền xây cầu…

(PLO) - Hôm 20/3, ông Nghiêm Quang Thực - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Điện Biên -  không quá bất ngờ khi phóng viên Báo PLVN đề cập tới chuyện giáo viên và học sinh ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ phải vượt suốt bằng cách chui vào túi ni lông như báo chí đã đưa tin…
Ông Nghiêm Quang Thực
Ông Nghiêm Quang Thực
Ông nói, chuyện đó ở đây là “quá bình thường” nhưng Sở GTVT tỉnh bất lực vì ngân sách eo hẹp, tỉnh đã nhiều lần có công văn “kêu” lên Bộ nhưng công văn gửi đi rồi mà không có hồi âm. Chuyện Bộ GTVT có công văn hỏa tốc và cấp luôn tiền để xây cầu treo ở bản Sam Lang là trường hợp hy hữu nhưng cũng là thông tin vui với bà con nơi đây. Tỉnh Điện Biên đang cần tới khoảng 290 tỷ đồng để xây 60 cây cầu như vậy.
Theo ông Thực, toàn tỉnh có tới 125 cây cầu treo, trong đó có 21 cây cầu ô tô đi được, còn lại là 104 cây cầu dân sinh dành cho người đi bộ và xe máy. Có tới 60 cây cầu cần cứu chữa kịp thời, nếu không thì tai họa ập đến không biết ngày nào do cầu xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng, mặt cầu bằng gỗ đã mục nát… nhưng địa phương lại không có nguồn vốn để sửa chữa, thay thế. 
Vào tháng 6/2013, Sở GTVT đã có công văn báo cáo gửi Bộ GTVT, mà thực chất là công văn “kêu cứu”, nhưng không thấy phản ứng tích cực nào từ Bộ. “Quỹ Bảo trì đường bộ của tỉnh một năm chỉ thu được khoảng 20 tỷ đồng, trong khi đó xây một cây cầu treo cần từ 3 đến 5 tỷ đồng. Từng đó số tiền thì chúng tôi không thể xoay xở được gì, rồi còn cả chuyện bảo trì đường bộ, cầu cống… Dân ở đây lại quá nghèo, thưa thớt, nói Nhà nước với nhân dân cùng làm, nhưng dân không có tiền thì biết làm sao được. Kêu nhiều rồi, nhưng để có được nguồn vốn rót xuống từ Bộ thì lâu lắm, đành chờ vậy”.
Ông Lò Văn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo - cho biết:  “Toàn huyện có 17 cây cầu, trong đó có 2 cây cầu đã hỏng không sử dụng được. Đa số các cây cầu làm từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong khi nguồn vốn đầu tư bảo dưỡng rất hạn chế, chủ yếu chỉ đủ đáp ứng cho việc đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ. Việc quản lý và khai thác cầu treo, UBND huyện giao trực tiếp cho chính quyền các xã, thị trấn quản lý, trừ khi có sự cố lớn UBND huyện bổ sung nguồn vốn sự nghiệp giao thông và giao cho phòng chức năng kiểm tra, sửa chữa. Tuy nhiên, do cầu treo xây dựng đã lâu, việc quản lý, khai thác của địa phương không sát sao dẫn đến hệ quả là cầu xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông”.
Còn tại huyện Mường Ảng có 9 cây cầu treo thì tình trạng cầu đang cần “cấp cứu khẩn cấp” có tới 6 chiếc. Bà Lâm Thị Thủy - Phó Trưởng phòng Công Thương huyện - thừa nhận: “Do thiếu nguồn vốn nên không có điều kiện để bảo trì, thay thế, sửa chữa, nếu huy động nhân dân thì nhân dân chỉ góp công và những vật liệu thô sơ, nên cầu tạm bợ vẫn là tạm bợ”.
Việc Bộ GTVT chi ngay 3,5 tỷ đồng để xây dựng cầu treo ở bản Sam Lang là một tín hiệu tốt mà theo ông Thực là “may nhờ có báo chí lên tiếng”. Nhưng còn hàng chục cây cầu đang kêu cứu và hàng vạn người dân đang phải tự thân đối phó với hoàn cảnh của mình để vượt sông, vượt suối ở Điện Biên đang cấp thiết mong mỏi Bộ GTVT, Chính phủ quan tâm hơn nữa để thêm nhiều cây cầu được xây mới. Số tiền 290 tỷ đồng là lớn với đồng bào ở đây nhưng vẫn là quá nhỏ so với số vốn mà ngành GTVT rót cho những dự án khác. 
Điện Biên - thành trì của kháng chiến chống Pháp, nơi làm nên chiến thắng  Điện Biên Phủ vẻ vang, dội khắp năm châu - đang cần được quan tâm hơn nữa, mà điều đầu tiền người dân mong muốn là có những cây cầu an toàn. Tại sao những nơi khác xây những cây cầu ngàn tỷ đồng nhanh như vậy mà ở đây xây một cây cầu chỉ 3 tỷ đồng lại lâu vậy? Câu trả lời xin dành cho ngành GTVT và Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Đọc thêm