Mong ước nhỏ bé của người mẹ có con câm điếc bẩm sinh

(PLO) - Trong đợt tình nguyện tại Trường nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, tôi đã gặp một cô bé thật xinh đẹp, hồn nhiên. Ám ảnh tôi là ánh mắt khao khát của em khi tiếng nhạc vang lên. Dường như em điều em muốn là được cất tiếng hát hòa cùng bạn bè mà không thể. 
Mong ước nhỏ bé của người mẹ có con câm điếc bẩm sinh

Mẹ bất cẩn để con chịu câm điếc cả đời 

Trò chuyện với giáo viên trong trường tôi mới biết Yến Nhi, cô bé bị câm điếc bẩm sinh.  Mẹ em – chị Nguyễn Thị Thúy đã kể cho tôi nghe câu chuyện buồn của chị. Năm 2009, chị Thúy và anh Bình, chồng chị sống tại thôn Vệ Linh, xã phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội yêu thương nhau đã quyết định đi tới hôn nhân. Hai người trẻ họ yêu nhau cố gắng cho một mái ấm và chuẩn bị chào đón thành viên mới trong gia đình.

Vì còn quá trẻ anh chị không có kinh nghiệm gì về chuyện tiêm vắc xin phòng bệnh cho bà bầu, thế nên trong ngày mang thai bé Yến Nhi, chị Thúy bị sởi phát ban. Lúc khám kiểm tra lâm sàng dị tật bác sĩ đã có khuyến cáo nhưng vợ chồng chị quyết định giữ con lại. “Sinh cháu Yến Nhi ra gia đình tôi hạnh phúc lắm, nhìn con khỏe mạnh, tay chân đủ đầy, kháu khỉnh, bụ bẫm, cháu lớn lên nhanh nhẹn, có điều chậm nói. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản cháu không có vấn đề gì trẻ con chậm nói là bình thường...” – chị Thúy ngậm ngùi.

Một buổi chiều tháng 6, chị Thúy về nhà sau giờ làm, cứ ngỡ con gái nghe tiếng xe của mẹ về sẽ lao ra đón mẹ, nhưng con gái vẫn quay lưng lại ngồi chơi đồ chơi mặc cho mẹ bấm còi xe rất nhiều lần. Linh cảm có chuyện không hay chị Thúy chạy thẳng xuống bếp lấy cái mâm, đứng sau lưng con gõ thật to nhưng con gái vẫn mải miết nghịch đồ chơi không phản ứng gì. Nước mắt cứ thế trào ra, chị ôm con vào lòng, con gái vẫn ngây ngô nhìn mẹ...

Hai vợ chồng vội vã đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, nhận kết quả của bác sĩ con gái bị câm điếc bẩm sinh chị và chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Bác sĩ nói có thể hỗ trợ phục hồi cho cháu bằng máy trợ thính ngay từ nhỏ để cháu nghe tốt hơn. Ngậm ngùi bồng bế con về, vì số tiền 96 triệu đồng hai vợ chồng chị đâu có nổi. Sau nhiều đêm không ngủ, anh chị quyết định đi vay hai bên nội ngoại gom đủ tiền để mua cho con gái cái máy nghe. Nhìn con gái hồn nhiên, nghe được bình thường nhờ máy hỗ trợ cả hai vợ chồng mừng rơi nước mắt. 

Cuộc sống lặng lẽ trôi đi, hai vợ chồng cặm cụi gom nhặt từng đồng lo trả nợ cho họ hàng. Tưởng là bình yên nhưng éo le cuộc đời chưa dừng ở đó. Con gái chị Thúy ở nhà chơi không may sảy chân ngã xuống ao, người không sao nhưng chiếc máy bị vào nước đã hỏng. Từ ngày đó cho đến bây giờ đã 8 năm trôi qua hai vợ chồng chị vẫn không lo đủ tiền để chữa chạy cho con gái mình.

“Các trung tâm bệnh viện có nói cấy ốc tai, nhưng sáu trăm triệu thì chúng tôi không có nổi. Công việc của hai vợ chồng thu nhập chỉ vỏn vẹn 5 triệu một tháng. Bây giờ, ngoài Yến Nhi còn thêm em gái, gia đình bốn người chi phí sinh hoạt, tất cả trông vào số tiền 5 triệu đó. Nhờ các cô trong trường giúp dạy bảo cho cháu nên cháu học văn hóa cũng nhận biết được, tính toán trong phạm vi cộng trừ, nhận diện được mặt chữ gia đình tôi ai cũng mừng” – chị Thúy cho biết.

Tầm soát trẻ câm điếc bẩm sinh còn nhiều khó khăn

Nhìn từ hoàn cảnh của gia đình chị Thúy và số phận của bé Yến Nhi, chúng ta ai cũng hiểu một điều xã hội cần rất nhiều sự quan tâm đến trẻ em bị câm điếc bẩm sinh. Nếu trẻ được tầm soát phát hiện sớm bị điếc bẩm sinh từ lúc mới sinh ra, việc can thiệp bằng kỹ thuật cấy ốc tai điện tử sẽ giúp trẻ nghe và chức năng nói trở lại bình thường. Tỷ lệ câm điếc của trẻ em ở Việt Nam theo thống kê trong tháng 5/2017, cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng 3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Đây là một tỷ lệ khá lớn, nhưng hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa thực hiện tầm soát một cách đồng bộ đối với trẻ sơ sinh.

Phần lớn, các bệnh viện ở Việt Nam chỉ tầm soát điếc bẩm sinh những trường hợp trẻ sinh ra gặp những bất thường về sức khỏe, phải nằm điều trị ở các khoa, phòng chăm sóc đặc biệt. Như vậy đã bỏ sót một lượng lớn trẻ bị điếc bẩm sinh mà không phát hiện. Một phần khác từ phía gia đình có kinh tế không ổn định đã tước cơ hội của trẻ em câm điếc. Cũng trong cuộc trò chuyện với chị Thúy, chị tâm sự mong mỏi của mình: “Chỉ mong rằng Nhà nước có chính sách hay chương trình giảm chi phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để các cháu câm điếc được chữa trị sớm; hoặc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường học cho các cháu khuyết tật được khang trang hơn”. 

Có lẽ mong mỏi của chị Thúy cũng là điều mà bao người làm cha làm mẹ có con trẻ khuyết tật hi vọng. Xã hội cần những bàn tay góp sức chia sẻ với số phận các trẻ em khuyết tật bẩm sinh nhiều hơn. 

Đọc thêm