Một đời bảo vệ vùng đất thiêng của Tổ quốc

(PLO) - Hai cột mốc 305 và 306 nằm trên đỉnh núi cao. Đường lên cột mốc toàn là đường rừng núi hiểm trở, dốc nối dốc dựng đứng đến chồn chân, mỏi gối. Người khỏe mạnh đi từ đồn lên mốc phải mất hơn 4 tiếng mới lên được tới nơi, nếu trời nắng ráo thì sẽ kịp về trong ngày. Những ngày mưa có khi phải ngủ lại trong rừng. Vậy mà suốt mấy chục năm qua, ông Lênh đã đặt dấu chân của mình trên con đường này không biết bao nhiêu lần.
Ông Lênh vui vẻ kể về những đổi thay trên quê hương.
Ông Lênh vui vẻ kể về những đổi thay trên quê hương.

3 đời nối nhau bảo vệ đường biên, cột mốc

Chúng tôi gặp ông Thao Văn Lênh (ở bản Pù Mùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) khi trời đã nhập nhoạng tối. Trời phú cho sức khỏe dẻo dai, trí óc minh mẫn nên dù đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Lênh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng. Ông vẫn đi làm nương, trèo đèo, lội suối tới thăm cột mốc biên cương, phối hợp với cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.

Ông Lênh sinh năm 1946, nguyên gốc là người xã Quang Chiểu. Sau này, do yêu cầu công việc, ông chuyển xuống sinh sống ở xã Pù Nhi. Như những người cùng thời, ông lớn lên trong sự thiếu thốn, khắc nghiệt của chiến tranh. Ông Lênh nhớ lại: “Ngày xưa không có đường, không có phương tiện, việc đi lại khu vực biên giới này rất khó khăn và vất vả. Chúng tôi đều gùi hàng trên lưng, trèo đèo, lội suối, băng rừng. Có đợt, cả xã bị đói, chúng tôi phải đi bộ 100km từ xã Pù Nhi ra huyện Quan Hóa nhận quần áo, gạo cứu trợ của Nhà nước cho dân. Mỗi lần đi ra đi vào như thế mất một tuần”.

Gắn bó cả cuộc đời với vùng biên, trải qua bao khó khăn, thăng trầm từ khi đất nước còn chiến tranh, ông Lênh cảm nhận rõ giá trị của hòa bình và từng tấc đất biên cương. Bởi lẽ đó, ông luôn đồng hành cùng những người lính Biên phòng quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Ông chia sẻ: “Biên cương là vùng đất thiêng của Tổ quốc, tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ”.

Với tâm niệm ấy, suốt mấy chục năm qua, ông Lênh cùng người dân bản Pù Mùa đã tự nguyện nhận nhiệm vụ trông coi, bảo vệ mốc 305 và 306 mà không mảy may tính toán, so đo thiệt hơn, cho dù đường lên mốc không hề dễ dàng. Thời trai trẻ, ông thường một mình đi thăm cột mốc. Cũng không ít lần ông cùng các chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra biên giới. Ông Lênh tâm sự: “Tôi thấy mình phải có trách nhiệm nên tự trông coi mốc quốc giới chứ chẳng ai ép buộc cả. Không chỉ riêng tôi mà đa số người dân ở đây đều có ý thức trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Chuẩn bị cho một chuyến lên thăm mốc, ông Lênh thường phải dậy từ sáng tinh mơ, nai nịt gọn gàng, mang cơm nắm theo. Ông cứ vạch rừng mà đi, leo hết dốc này tới dốc khác. Khi đôi chân đã mỏi nhừ, mặt trời lên cao là tới mốc. Ông lại làm các công việc quen thuộc, phát dọn cây dại mọc quanh cột mốc, tự tay lau chùi cột mốc, kiểm tra xem mốc có bị đập phá, xâm hại gì không. Xong xuôi mọi việc, ông quay về nhà là đã hết ngày. “Cả hai cột mốc đều ở trên núi cao, đường đi rất khó khăn nhưng tôi không ngại. Tôi thường đi làm nương rồi lên kiểm tra mốc luôn. Mỗi lần đi sang Lào thăm anh em, tôi cũng phải rẽ tới thăm mốc mới yên tâm được. Mỗi lần đi phải uống hết 2 chai nước mới lên được đến mốc” - ông Lênh kể.

Giúp tôi hình dung được đường lên mốc 305, 306, Thượng tá Phan Văn Thân - Đồn trưởng Đồn BP Pù Nhi miêu tả: “Hai cột mốc này nằm trên đỉnh núi cao. Đường lên cột mốc toàn là đường rừng, núi hiểm trở, dốc nối dốc dựng đứng đến chồn chân, mỏi gối. Người khỏe mạnh đi từ đồn lên mốc phải mất hơn 4 tiếng mới lên được tới nơi, nếu trời nắng ráo thì sẽ kịp về trong ngày. Những ngày mưa có khi phải ngủ lại trong rừng”. Vậy mà suốt mấy chục năm qua, ông Lênh đã đặt dấu chân của mình trên con đường này không biết bao nhiêu lần.

“Bây giờ, đầu gối hết chất nhờn rồi nên thỉnh thoảng tôi mới lên kiểm tra cột mốc và đường biên giới” - ông Lênh cho biết. Do tuổi cao, không thường xuyên lên mốc được, ông Lênh giao cho con trai mình và các cháu tiếp quản công việc cao quý trông nom bảo vệ cột mốc mà ông đã làm mấy chục năm qua.

Gương mẫu thực hiện nếp sống mới

Những người lính Đồn BP Pù Nhi coi ông Lênh như người của đơn vị. Ông  là người chứng kiến sự ra đời của Đồn BP Pù Nhi năm 1963 và thuộc làu tên các đồn trưởng của đồn. Cho tới tận bây giờ, hễ có việc cần là đơn vị lại nhờ tới sự giúp đỡ của ông. Thượng tá Phan Văn Thân cho hay: “Cụ Lênh là người có công lớn đối với dân bản và lực lượng Biên phòng. Với uy tín và trách nhiệm của mình, cụ đã vận động nhiều dân bản không di cư tự do, không vượt biên trái phép, tham gia bảo vệ biên giới”.

Người Mông ở Pù Nhi vẫn nhớ rất rõ, khi họ đang sinh sống bình yên thì có tin đồn nhảm nhí thành lập vương quốc Mông tự trị, vượt biên sang bên kia biên giới sinh sống không cần làm cũng có ăn, cuộc sống sung túc hơn nhiều lần ở nước mình. Những tin đồn nhảm đó khiến cho cuộc sống yên bình ở Pù Nhi bỗng chốc trở nên xáo trộn, bất ổn. Thậm chí, nhiều hộ dân ở bản Pha Đén rục rịch rủ nhau bỏ nhà cửa, nương rẫy đi sang Lào.

Khi biết tin, ông Lênh cùng với cán bộ Biên phòng và chính quyền xã lên ngay đường biên gặp gỡ, vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu, quay trở về nhà. Ông nhỏ to phân tích đúng sai, phải trái cho bà con. Sau nhiều giờ thuyết phục, những lời nói từ ruột gan của ông Lênh đã thức tỉnh hàng chục người Mông đang trong cơn mộng mị về một thiên đường bên kia biên giới, về những điều không có thực. Sau cơn mê ấy, bà con người Mông ở Pha Đén bảo nhau không di cư nữa mà ở lại Pha Đén làm ăn sinh sống yên ổn cho đến bây giờ.

Là người sống qua 2 thế kỷ ở Mường Lát, từng làm Phó Trưởng ban Dân vận  huyện, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, ông Lênh tường tận hơn ai hết từng đổi thay của vùng đất này cũng như cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Bởi lẽ đó, cả buổi tối ngồi trò chuyện cùng tôi, ông nói rất nhiều về cuộc sống của người Mông ở Mường Lát và những thay đổi trên vùng đất quê hương. Ông bảo cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng ở Mường Lát luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ. Hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà, tặng con giống, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, nhờ đó, cuộc sống của dân bản có nhiều đổi thay, tình hình an ninh chính trị, kinh tế - xã hội đều đi lên.

Nhắc tới những đổi thay của quê hương, ông Lênh vui vẻ cho biết: “Năm ngoái, đường đã mở lên tới bản, điện lưới quốc gia nay cũng về tới bản. Chỉ nay mai thôi là cả bản sẽ sáng sủa lên. Bà con dân bản cũng đã bỏ hủ tục tang ma rình rang, tốn kém và mất vệ sinh trước đây mà thực hiện theo nếp sống mới. Bây giờ không ai treo người chết trong nhà đút ăn như người sống nữa. Bà con đều cam kết đưa người chết vào hòm và đem chôn trong vòng 1-2 ngày”.

Cuối câu chuyện, ông Lênh khoe với tôi rằng, đã 7 lần được chính quyền mời đi thăm Lăng Bác Hồ, 4 lần ngồi ở Hội trường Ba Đình. Niềm vui của ông hôm nay là thỉnh thoảng kể lại cho con cháu nghe về những chuyến đi đó và cả những kỷ niệm đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc cùng người lính Biên phòng.

Đọc thêm