Mua xe máy điện, quyền lợi của dân đang bị “đánh đố”.

(PLO) -  Sau khi quy định đăng ký xe máy điện có hiệu lực, hầu như người dân đến đăng ký đều thiếu giấy tờ nên không đăng ký được. Với giá trị tài sản không phải là nhỏ như vậy nhưng quyền lợi “chính chủ” của người dân đang bị “bỏ rơi”...
Ảnh xe máy điện được bày bán nhưng trên bieenr lại ghi là bán xe đạp điện
Ảnh xe máy điện được bày bán nhưng trên bieenr lại ghi là bán xe đạp điện
Có “đánh đố” người dân?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, đa số người dân thiếu các loại giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của xe máy điện. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chúng tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở công an các địa phương phải tạo mọi điều kiện và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân khi đến cơ sở đăng ký biển số cho xe máy điện.

Nhưng thực tế, khi đăng ký xe máy điện, nhiều người dân đã tỏ ra khá bức xúc vì thủ tục đăng ký quá phức tạp và chẳng biết phải làm như thế nào để đăng ký được chiếc xe của mình?

Bà Hoàng Thị Ninh, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Sau khi biết luật từ 1/6, xe máy điện cũng phải đăng ký như xe máy, tôi đi làm thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, khi đến cơ quan đăng ký xe thì người ta lại bảo là giấy tờ không đầy đủ, không có giấy nhập khẩu và giấy kiểm định chất lượng xe nên không làm thủ tục được. Khi đến cửa hàng mà mình đã mua xe để hỏi về giấy tờ như công an yêu cầu thì nhận được câu trả lời là không có. Giờ tôi cũng chẳng biết là hỏi cơ quan nào để có những giấy tờ mà công an yêu cầu? ”.

"Vì nhu cầu đi lại tôi vẫn phải sử dụng xe, nhưng bây giờ do luật mới nên mới chỉ nhắc nhở, và đi trên đường cũng chẳng có CSGT nào hỏi và kiểm tra giấy tờ nên cũng kệ thôi.  Nhưng đến một thời gian nữa nếu các cơ quan chức năng quản lý chặt xe máy điện, đăng ký xe yêu cầu phải đủ các giấy tờ thủ tục, phía bán xe lại không thể cung cấp được đầy đủ giấy tờ, nếu cảnh sát giao thông phạt, như thế thì thật là khó cho người dân, mà xe của tôi vẫn không đăng ký được thì phải làm như thế nào?" - bà Ninh băn khoăn.

Trong khi đó chị Nguyên Hải Thanh, sinh viên năm 4 trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Xe của tôi mua bằng tiền thật của tôi nhưng chiếc xe này cũng chẳng có tính pháp lý nào chứng minh đó là chiếc xe của mình? Nếu các cơ quan chức năng yêu cầu các cửa hàng hoặc các công ty sản xuất phải thực hiện bắt buộc các loại giấy tờ như xe máy trước khi bán, thì người dân đỡ khổ không? Hiện tại quyền lợi “chính chủ” của tôi về chiếc xe này là không có. Thật “tiến thoái lưỡng nan”?
Khi mua xe đạp điện, xe máy điện, khách hàng chỉ nhận được hóa đơn và phiếu bảo hành
 Khi mua xe đạp điện, xe máy điện, khách hàng chỉ nhận được hóa đơn và phiếu bảo hành

Mất xe, mất cả quyền lợi

Cùng chung quan điểm với chị Thanh, anh Trần Xuân Trịnh, ở Tây Hồ cho biết: “Hiện tại xe máy điện của tôi nếu chẳng may có mất thì tôi cũng chẳng biết làm gì để tìm được. Nếu ra trình báo công an thì phải có giấy tờ xe để chứng minh đó là xe của mình, nhưng khi mua thì không có giấy tờ thì làm sao đi đăng ký được? Nếu nhìn thấy kẻ gian ăn cắp xe của mình mà nó cãi là xe nó thì cũng chẳng biết làm thế nào để chứng minh đó là xe của mình. Hoặc nay mai, nếu CSGT kiểm tra mà không có giấy tờ xe thì có phạt hay thu giữ xe thì cũng đành chịu vậy”.
Việc anh Trịnh nói hoàn toàn có cơ sở, khi chiếc xe máy điện được bán ra mà không có giấy tờ đầy đủ để đi đăng ký, không những khó kiểm soát trong việc tham gia giao thông mà còn khó cho việc đòi lại quyền lợi cho người dân khi bị mất xe. Trong khi hiện nay, đã và đang xảy ra rất nhiều trường hợp mất xe máy điện, xe đạp điện mà “khổ chủ” chẳng biết trình báo công an ra sao, và đành an ủi “của đi thay người”.

Anh Nguyễn Văn Hảo, ở Cầu Giấy vừa mua chiếc xe máy điện 14 triệu cho con trai vừa thi đỗ vào lớp 10. Nhưng chẳng may con trai anh làm mất, nhưng ra công an trình báo thì không biết phải trình báo như thế nào “Đúng là làm khó cho người dân, mua thì không có giấy tờ, cứ như là đi mua xe lậu, mất thì chẳng có gì để chứng minh đó là xe của mình. Quyền lợi của người dân khi mua xe máy điện thì ai chịu trách nhiệm khi số tiền bỏ ra không phải nhỏ để mua được?”. Anh Hảo bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV thì  hiện xe đạp điện, xe máy điện không BKS là “miếng mồi ngon” cho kẻ gian. Chúng lấy cắp, tráo bánh xe này sang bánh xe kia, nhiều xe cùng chủng loại, màu sơn, kiểu dáng giống hệt nhau… thì người mất khó phát hiện đâu là xe của mình nếu không có bằng chứng chính xác. Khi kẻ gian ăn trộm được một chiếc, chúng có thể bán được giá cao hơn và dễ bán hơn một chiếc xe máy, bởi không cần giấy tờ liên quan.

Thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết “Đến lúc này, xe đạp điện, xe máy điện đang là “mồi” cho kẻ gian. Xe máy điện phải có biển kiểm soát, để dễ quản lý trong việc tham gia giao thông và bảo vệ tài sản cho người có phương tiện. Việc có BKS vừa đảm bảo cho người có phương tiện tránh mất cắp, vừa dễ xử lý cho lực lượng chức năng”.

Tuy nhiên, để cấp được BKS cho xe, lại là một điều rất khó khăn. Cái vòng luẩn quẩn này không biết đến bào giờ mới có giải pháp?

Đọc thêm