Mừng cưới mà “chết đói” vì chờ nhà hàng phô diễn

(PLO) - Tệ nhất đi dự cưới là khách phải chờ đợi các nghi thức rườm rà, vừa đói bụng, vừa bực bội. Nhưng nhiều nhà hàng, khách sạn vẫn không ngừng phô trương các màn biểu diễn, còn gia đình cô dâu, chú rể thì “ráng chịu” vì đã lỡ đặt trọn gói.
Mừng cưới mà “chết đói” vì chờ nhà hàng phô diễn
Khoe món ăn ngon, nhân viên… trẻ khỏe
Cưới đã vào mùa. Các khách sạn nhà hàng chuyên phục vụ đám cưới không ngừng “sáng tạo” các chương trình tổ chức cho phong phú, hấp dẫn. Khách đi cưới, phải “trừ hao” khoảng hai giờ đồng hồ. Người đi trước chờ người đi sau, người đi sau chờ người đi sau nữa. Đến đám 11h30, 12h30 bắt đầu làm lễ, gắp được miếng thức ăn vào miệng đã gần một giờ chiều. Do không chịu được “kiến bò bụng”, nhiều người ra quán ăn phở lót dạ. Có người bực bội bỏ về. Đó là tình trạng chung của nhiều nhiều thực khách đi dự tiệc cưới ở không ít khách sạn, nhà hàng ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Xin được bắt đầu là nghi thức đón dâu ở một nhà hàng nọ. Đây là nhà hàng được coi là hiện đại nhất về công nghệ tiệc cưới ở thành phố biển này. Trước khi làm thủ tục, nhà hàng hú còi để gây sự chú ý mọi người. Tiếng còi thét to như còi tầm công sở làm cho nhiều người phải bịt tai, nhăn mặt khó chịu. Sau hú còi, người dẫn chương trình thông báo mọi người ổn định để tiến hành hôn lễ, mời cô dâu chú rể cùng hai bên gia đình đến cổng hoa của nhà hàng, sau đó là cuộc “phỏng vấn nhanh”. 
Người dẫn chương trình hỏi bố chú rể: “Hôm nay là ngày cưới của con trai ông, ông có nhận xét gì về cách tổ chức của nhà hàng chúng tôi?”. Thật ra cách phỏng vấn ấy chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý của quan khách và đánh bóng, quảng cáo cho nhà hàng, vừa mất thời gian, vừa chẳng ăn nhập gì. Ông bố chú rể buộc lòng phải “khen”: “Nhà hàng chu đáo nhiệt tình, nhân viên trẻ khoẻ, đẹp?!”. 
Xong màn “phỏng vấn”, người dẫn chương trình bước ra giữa sân khấu quảng cáo một thôi, một hồi nào là “nhà hàng có món ăn ngon, có nhân viên đẹp….”. Chờ mãi đến câu “kính mời nhân viên nhà hàng lên làm nghi thức hôn lễ”, tức thì một đoàn nam nữ lễ tân bước đi như trình diễn thời trang, lướt qua sân khấu xuống cổng hoa đón cô dâu, chú rể. Hai nhân vật này lên đến sân khấu, đoàn lễ tân lại quay xuống rước đại diện hai bên. Và mỗi “lễ rước” như thế, nhân viên nhà hàng lại rình rang múa may quay cuồng. Nhà hàng tập trung khoe sự hoành tráng, hai bên gia đình phải làm theo kịch bản, khách thì nóng lòng...
Thay vì màn phỏng vấn “vô duyên” của MC như trên, có nhà hàng “đổi món” bằng tiết mục hát đón dâu khá nỉ non. Ca sĩ V.S chuyên hát rước dâu cho nhà hàng nọ chia sẻ: “Là ca sĩ chạy sô, em phải làm theo ý của nhà hàng thôi, chứ thấy hát vậy “lãng nhách”, chẳng mấy ai nghe. Nhiều khi hát xong thấy xấu hổ, vì mình bị thiếu tôn trọng”.
Riêng màn múa tiệc cưới càng lộn xộn. Những nhà hàng có đội múa chuyên nghiệp thì không nói, có nơi đưa nhân viên lên làm “diễn viên bất đắc dĩ”, nhạc một đằng, múa một nẻo. Thậm chí còn mạo hiểm múa lửa, múa “trèo cột”, ngả ngớn lộ rốn, hở ngực làm thực khách ngồi dưới ngượng chín mặt. “Đi ăn tiệc cưới mà muốn rụng tim bởi nhạc quá lớn. Tôi thấy như ngộp thở khi nhà hàng tắt đèn để múa lửa, cả trăm người dự tiệc mò mẫm trong bóng tối. Phía gia đình tổ chức đám cưới chắc cũng không hình dung được những màn này”, anh Trần Văn Bang - một thực khách chia sẻ.
Đủ các màn biểu diễn trong tiệc cưới.
Đủ các màn biểu diễn trong tiệc cưới. 
Thắp lửa tình yêu, mẹ già té xỉu
Có một thủ tục bị nhiều khách phản đối, đó là thủ tục mẹ chú rể, cô dâu thắp nến vào bánh kem (theo lý giải của nhà hàng là mẹ thắp ngọn lửa tình yêu cho con). Có bà mẹ từ miền Bắc vào mệt mỏi vì tàu xe, khi thắp “ngọn lửa tình yêu” cho con, ngọn lửa bùng lên đột ngột làm bà giật mình té xỉu, tay chọc cả vào nến phải bỏng. Mọi người phải đưa bà cụ vào trong “hậu trường” an ủi động viên.
Do thủ tục quá rườm rà lại không được chuẩn bị kỹ từ trước, nên cô dâu chú rể rất lúng túng trong việc xử lý tình huống. Ngay khi đứng trên xe trượt, thay vì tươi cười giơ tay chào đón khách, cô dâu chú rể còn mải cúi nhìn đường đi kẻo vấp, có cô dâu bị kẹt chân kêu oai oái. Lên sân khấu, cô dâu phải chú ý đứng sao cho chính giữa bục quay hình tròn, vòng quay nâng cao 70cm quay 3 vòng. Nhiều cô dâu hồi hộp, chóng mặt, lảo đảo, hay váy bị kẹt không lôi ra được.  
Một cô dâu vừa bị kẹt váy cưới ở nhà hàng nọ cho biết: “Thật ra em cũng không muốn nâng quay như thế đâu. Nhưng do nhà hàng thiết kế như vậy nên làm theo. Em nghĩ, cách tổ chức tiệc cưới hiện nay theo phong cách nhẹ nhàng, trang nhã, vừa không tốn kém, vừa thấy thoải mái. Đông trong phòng mà nghe tiếng nhạc quá cỡ rất khó chịu. Ngày cưới, đông bạn bè đến chúc mừng, nhưng cũng không thực sự vui khi khách than phiền chờ lâu, muốn nói chuyện phải gào thật to vì nhạc inh tai”.
Tội nghiệp nhất là đám cưới của một cặp vợ chồng nọ, dở khóc dở cười vì khách bỏ về không ăn cỗ cưới. Nguyên nhân do bị chờ quá lâu. Thiệp mời 11h nhưng hơn 12h mới bắt đầu làm lễ. Một số người đói bụng, đã ra ngoài ăn phở lót da, có người bực bội bỏ về, lý do lịch sự hơn là “do có việc gấp, hai em thông cảm”. Có người đến gặp chủ nhà hàng thẳng thắn “đề nghị nhà hàng xem lại thời gian tổ chức, và nghi thức quá rườm rà”.  Hơn 13h khách mới được ăn, cỗ có sang đến mấy ăn cũng không ngon vì quá bữa. Hơn nữa tâm lý khách rất nặng nề vì phải chờ đợi quá lâu.
Đám cưới hôm ấy, 45 mâm cỗ cưới, chỉ ăn hết 35 mâm, thừa 10 mâm, chưa tính mâm “sơ cua”. Cô dâu chú rể mặt tái mét, phải vận động bạn bè thân quen mang cỗ thừa về ăn giùm. Chị Thái Thị Hải, bức xúc nói: “Đi cưới ở nhà hàng sợ nhất nghi thức quá rườm rà, mất thời gian. Nên tổ chức ngắn gọn, nhẹ nhàng, trang trọng và tiết kiệm. Nếu cứ đi dự tiệc cưới kiểu này thì thà ở nhà còn thấy vui hơn”.

Đọc thêm