Mưu sinh cùng cha mẹ, con học được những gì?

(PLVN) - Cuộc sống khó khăn, có không ít đứa trẻ phải theo cha mẹ mưu sinh khắp nơi. Và trên những chặng đường “vào đời sớm”, trẻ sẽ học được những gì, sẽ trở thành con người như thế nào?

Những đứa trẻ bôn ba 

Người Sài Gòn thường quen với hình ảnh những đứa trẻ cùng mẹ lang thang trên những chặng đường mưu sinh, bất chấp mưa nắng. Đó hình ảnh những cô cậu bé “ngủ quên” trên chiếc xe ba gác máy của cha, ngủ quên trong quang gánh của mẹ. Những đứa trẻ còn nhỏ nhưng đã là những lao động không kém phần quan trọng trong gia đình, hỗ trợ cha mẹ trên bước đường mưu sinh. 

Chị Nguyễn Thị Thơm, 36 tuổi quê gốc Quảng Ngãi, vào TP.HCM cách đây 3 năm. Chị làm nghề nhặt ve chai ở khu vực chợ Thủ Đức, TP.HCM. Chị thuê một căn nhà nhỏ xíu, nơi mẹ con chị chui ra, chui vào mỗi ngày. Hơn ba năm trước, chồng mất đột ngột do một tai nạn lao động, không biết sinh sống làm sao ở quê, chị mới dắt díu con trai, lúc đó mới 4 tuổi, vào Sài Gòn tìm cách mưu sinh. Tay trắng, không nghề nghiệp, chị gia nhập đội quân đồng nát.

Không có tiền để gửi con, chị luôn dắt thằng nhỏ theo khi đi nhặt, đi thu mua ve chai. Mua lại, cũng hàng đồng nát chiếc xe đạp cũ có vài trăm ngàn, sau lưng chở thêm con, chị rong ruổi khắp nơi. Nhưng cái bất tiện là vì có con nhỏ, chị cũng không chở được nhiều thứ trên xe, nên cứ phải chạy tới chạy lui nhiều lần. Nhưng được cái thằng bé khỏe mạnh, lanh lợi, theo mẹ đi dãi nắng dầm mưa mà không mấy khi ốm đau. Không chỉ thế, cậu nhóc là cánh tay “đắc lực” phụ việc cùng mẹ khuân vác đồ đạc.

Có biết bao nhiều đứa trẻ như thế trong thành phố này, ngày đêm lặn lội mưu sinh cùng cha mẹ. Có đứa nhỏ mới hơn một tuổi theo mẹ bán vé số, có đứa hai, ba tuổi theo mẹ bán hàng rong. Những cậu bé phụ việc cùng cha ở nơi bơm vá xe ven đường. Hay như hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây về anh tài xế xe công nghệ, đi giao hàng nhưng địu con trước ngực, chở con theo vì không có nơi nhận trông nom trẻ con trong mùa dịch. 

Đi cùng cha mẹ trên những chặng đường bôn ba như thế, hẳn nhiên lũ trẻ mất mát rất nhiều thứ. Có em, may mắn vẫn được cha mẹ cho học hành, thời gian mưu sinh là tranh thủ. Nhưng cũng không ít em đã phải từ giã lớp học. Ở tuổi ấy, thay vì học hành, vui chơi cùng bạn bè, các em đã phải tiếp xúc quá sớm với đồng tiền, với chuyện bòn mót từng đồng tiền để lo miếng ăn hàng ngày cho gia đình.

Nếu không may mắn, cha mẹ mưu sinh bằng những công việc bất chính, hay dạy con kiếm sống lươn lẹo, các em sẽ bị nhuộm đen tâm hồn, bắt đầu bước chân vào vũng bùn khi còn ở tuổi ngây thơ.

Trên đường mưu sinh cùng mẹ.
 Trên đường mưu sinh cùng mẹ.

Đừng bắt trẻ phải láu cá

Có một cảnh tượng không khá thường gặp trên mọi nẻo đường thành phố. Đó là hình ảnh những đứa trẻ theo người lớn đi ăn xin, bán vé số. Những người cha người mẹ ấy đem con theo trong cuộc mưu sinh không phải là bất đắc dĩ, mà họ hiểu, với hình ảnh những đứa trẻ tội nghiệp bên cạnh, họ dễ dàng lấy được lòng thương của mọi người, dễ kiếm tiền hơn. Bởi, người ta có thể dễ dàng từ chối những chèo kéo hàng rong, vé số, xin tiền của người lớn, nhưng khó lòng làm điều đó khi nhìn vào ánh mắt van nài của trẻ con, những đứa trẻ xơ xác đói nghèo trước mắt mình.

Ấy là chưa kể tình trạng thường thấy tại những công viên, nhiều nơi công cộng trong thành phố: Trẻ con dắt nhau thành đoàn bán vé số, xin ăn, đánh giày. Nhưng núp chung quanh đó, đang ngồi chơi, giết thì giờ là những người cha, người mẹ đem con đến, thả con vào cuộc mưu sinh.

Đáng trách hơn, có cả đám cha mẹ đưa con thả vào nơi công cộng, bản thân tìm chỗ tụ tập đánh bài, chờ bọn trẻ kiếm tiền về “nộp”. Bọn trẻ cũng được dạy “chiêu” kiếm tiền bằng mọi cách: Có đứa năn nỉ, van nài, than nghèo kể khổ, có đứa khóc sụt sùi, đứa thì quỳ hẳn xuống van xin. Cũng không ít đứa tranh thủ vừa nài khách, vừa tìm sơ hở là “thó” đồ.

Nguyễn Văn Tuấn M, 15 tuổi đang ở Thủ Đức. Em có thân hình nhỏ choắt, gương mặt đen đúa và già trước tuổi. Cách đó vài năm, em từng gia nhập đội ngũ đánh giày ở quận 1. Nhưng đánh giày là phụ, chủ yếu là “thó” giày xịn, bóp ví, điện thoại của khách, đặc biệt khách Tây. Em dấn thân vào cái nghề ấy theo sự hướng dẫn của cha em, một tên giang hồ vặt cũng chuyên bày trò láu cá tiếp cận tiền để lừa lọc du khách.

Có một lần, khi hai cha con đang “hành nghề” thì bị bắt. Em vào trại giáo dưỡng một thời gian thì ra ngoài, còn cha em ở trong ấy chắc cũng nhiều năm nữa. Em ra đời, không nghề nghiệp, không biết làm gì, đến nương nhờ một người họ hàng xa ở chợ Thủ Đức, ngày ngày ngày phụ họ bán cơm tấm. Nhưng em cũng sắp phải ra đường, vì người họ hàng không muốn giữ em nữa. Trước mắt, em chưa biết phải làm gì.

Còn biết bao nhiêu đứa trẻ như em, bị cha mẹ đưa vào con đường phạm tội như thế? Vì mưu sinh, hay vì sự tham lam, biếng nhác và ích kỉ của người lớn? Mỗi một số phận, xuất phát điểm khác nhau, sự khốn khổ của các em cũng khác nhau, nhưng một khi bị động bước vào con đường ấy, tương lai phía trước của các em sẽ mịt mù lắm.

Giữ thiện lương cho con trong gian khó

Trên con đường nhỏ cắt ngang giữa Nam Kì Khởi Nghĩa và Cách Mạng tháng 8, quận 3 có một quầy nước nhỏ ven đường. Đây là khu vực nhiều nhân viên văn phòng, nên quán nước ấy tuy chỉ có vài cái bàn, cái ghế di động nhưng cũng luôn có khách lai rai. Khách vào, có khi thấy người mẹ đem nước, thu tiền, nhưng cũng có khi là một em trai tầm hơn 11 tuổi. Em ấy là con của chị chủ quán nước.

Cậu bé rất đắc lực, khi thì hỏi khách dùng gì, bê đồ, dọn dẹp, khi vắng khách thì quét tước khu vực chung quanh. Nhiều khi, em còn mặc nguyên bộ đồng phục học sinh cấp 1, hóa ra em mới đi học về là ra phụ mẹ ngay. Người mẹ sức khỏe không được tốt, nhờ có em mà được đỡ đần rất nhiều. Nhiều hôm còn có em bé gái 5 tuổi ra quán nước, khi ấy, em còn kiêm thêm nhiệm vụ trông em.

Chị kể, gia cảnh khá khó khăn, một mình nuôi hai con nhỏ. May mà được người thân thương tình giúp cho mở quán nước nhỏ này kiếm sống qua ngày. “Thằng nhỏ còn nhỏ mà siêng năng, hiểu chuyện lắm. Con người ta tuổi đó còn ham ăn, ham chơi, đòi mẹ thứ này thứ nọ, chứ nó cứ đi học về là phụ mẹ trông em, rồi giúp mẹ bán quán. Có nó ở đây người ta cũng thương, hay ghé, mua thêm cái này cái nọ. Nhưng tui cũng luôn dặn con, có khó khăn gì thì khó, không được bỏ học, mẹ sẽ ráng nuôi con ăn học tới cùng, việc này chỉ là phụ giúp mẹ thêm thôi”. 

Cách đây khá lâu, có một câu chuyện được một người qua đường phản ánh lại đã khiến dư luận cảm động. Tại một công viên ở trung tâm TP, một đám trẻ con đi dã ngoại, tụ tập nhau trên tấm bạt, ăn uống vui chơi. Có một cậu bé 4 tuổi, con một chị nhặt ve chai, theo mẹ đi nhặt ve chai ở khu vực này thấy vậy đã lặng lẽ đến, nhặt rác bỏ đúng nơi, âm thầm xếp những đôi dép mà các em nhỏ lúc ham vui đã vứt mỗi nơi một chiếc lại thật ngay ngắn, ngăn nắp.

Cậu bé nhặt ve chai xếp dép cho các bạn nhỏ.
Cậu bé nhặt ve chai xếp dép cho các bạn nhỏ. 

Người chụp những bức hình trên đã chia sẻ, vẫn thường gặp em theo mẹ đi làm việc ở khu vực này. Tuy mới 4 tuổi, gia cảnh khó khăn như thế, không được đi học, nhưng em rất gia giáo, nề nếp và lễ độ, rất đáng yêu. Bản thân người chụp ảnh sau đó đã quyết định giúp đỡ để em bé có thể đi học.

Không phải đứa trẻ nào theo cha mẹ đi kiếm sống cũng phải lấm lem bụi đời. Đây đó, vẫn có thể bắt gặp những hình ảnh rất đẹp cha mẹ chăm chút, bảo bọc cho con, lo cho con điều tốt nhất có thể, kể cả trong cuộc mưu sinh gian khó. Vẫn không khó để gặp những em nhỏ chịu thương, chịu khó, giúp đỡ mẹ cha, giúp đỡ người chung quanh, lại thật thà, tốt bụng. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, những người cha, người mẹ lao động cần cù, dù khó khăn, bất đắc dĩ phải đưa con theo kiếm sống, nhưng đồng thời cũng đã dạy con những bài học làm người đầu tiên.

Đọc thêm