Mưu sinh giữa đại dịch

(PLVN) - Khi cả xã hội đang gồng mình chống dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, quán xá đóng cửa để tránh dịch lây lan thì vẫn có những phụ nữ  phải mưu sinh vì gánh nặng cơm áo. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, phụ nữ, trẻ em là những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, Hội Phụ nữ cũng có nhiều động thái hỗ trợ phụ nữ yếu thế.  (Ảnh minh họa)
Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, Hội Phụ nữ cũng có nhiều động thái hỗ trợ phụ nữ yếu thế. (Ảnh minh họa)

Gánh nặng cơm áo

Hà Nội trong bối cảnh cách ly toàn xã hội, đường sá vắng vẻ, người dân chỉ ra đường trong trường hợp thật cần thiết. Thế nhưng, tại các chợ dân sinh, nhiều người phụ nữ vẫn tiếp tục công việc của mình dù họ biết rằng có rất nhiều rủi ro dịch bệnh có thể ập đến bất kỳ lúc nào. 

Chị H, một người phụ nữ bán trứng gà, không quản ngại đến tận cửa nhà khách hàng trên các phố trung tâm để giao trứng. “Có khách mua là mừng rồi, chịu khó vậy chứ ở nhà lấy đâu ra tiền duy trì sinh hoạt gia đình”, chị H nói.

Chị T, một người bán hoa tại khu vực chợ Mai Dịch cho biết, việc bán buôn thời điểm này khá khó khăn. Hoa tươi nếu ế ẩm thì cũng không để được lâu mà phải vứt bỏ; không buôn bán cũng chẳng biết làm gì khác để trang trải chi phí hàng ngày của gia đình. 

Đường vắng vẻ, vòng bánh xe đạp của chị D. thu gom đồng nát không còn bị giật mình loạng choạng bởi những tiếng còi ô tô, xe máy chói tai, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với công việc của chị không còn suôn sẻ nữa. “Trước đây, tôi hay mua vỏ thùng của các cửa hàng, rồi giấy thải, báo cũ của các công sở, nhưng giờ đây đóng cửa hết rồi nên cũng không còn nguồn sống nữa”, người thu mua đồng nát nói. 

Công việc hàng ngày của chị M. trước giai đoạn có dịch Covid-19 là bán rong hoa quả tại khu vực phố cổ Hà Nội. Khách hàng của chị người Việt có, khách du lịch có, ngày chị cũng kiếm được chừng một trăm nghìn tiền lãi.

Thế nhưng, từ khi có dịch bệnh và cách ly xã hội đến nay, không những bán buôn vắng khách, mà chị M cũng dè chừng lực lượng chức năng xử phạt bởi thời điểm này đang cách ly xã hội, những người không cần thiết ra đường được yêu cầu ở nhà. “Kiếm được đồng tiền khổ lắm”, chị than. 

Từ cuộc sống của những người phụ nữ nói trên trong đại dịch Covid-19 có thể thấy, với những người “buôn thúng, bán bưng”, làm việc ở khu vực lao động phi chính thức thì nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống của gia đình họ phụ thuộc phần lớn vào những gánh hàng buôn bán hàng ngày.

Mùa dịch Covid-19, khách mua giảm hẳn, gánh nặng cơm áo càng đè nặng hơn lên vai. Thế nên, vẫn biết trong mùa dịch, việc thường xuyên phải ra đường tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe, nhưng vì miếng cơm, manh áo họ vẫn phải hàng ngày phơi mặt ra đường.

Nguy cơ bất bình đẳng giới trầm trọng hơn

Mới đây, bài viết của Lara Owen- phóng viên mảng phụ nữ của Hãng thông tấn BBC đã nêu ra 5 hình thức mà phụ nữ châu Á đang gánh chịu trước những biến động. Đó là: Đóng cửa trường học làm tăng gánh nặng trên vai phụ nữ có con nhỏ; Bạo lực gia đình, bạo lực giới bùng phát; Phụ nữ là nhân viên chăm sóc tuyến đầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ chiếm 70% lao động trong lĩnh vực y tế và xã hội; Người giúp việc là phụ nữ nhập cư gặp khó khăn, công việc bấp bênh và họ không thể chi trả nổi để mua những vật dụng bảo hộ như khẩu trang và nước rửa tay; Tác động dài hạn về kinh tế gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống khiến cả phụ nữ và nam giới đều phải gánh chịu, tuy nhiên, phụ nữ có thu nhập thấp có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất…

Nhiều hãng thông tấn trên thế giới đã lên tiếng về nạn lạm dụng tình dục trực tuyến phụ nữ và trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát ở khắp mọi nơi trên thế giới. Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA) của Anh cảnh báo, có ít nhất 300.000 người ở Anh lợi dụng từ khóa Coronavirus để tấn công tình dục trẻ em.

Cảnh sát Anh cũng đã đề cập sự gia tăng nạn ấu dâm trong bối cảnh các trường học phải đóng cửa và thanh, thiếu niên dành nhiều thời gian hơn trên internet. Không chỉ trẻ em, phụ nữ cũng là đối tượng mà những kẻ tội phạm tình dục trực tuyến nhắm đến…

Những thực trạng này đã chứng minh cho nhận định của bà Maria Holtsberg - Cố vấn rủi ro nhân đạo và thảm họa tại UN Women Asia và Pacific rằng: “Khủng hoảng luôn khiến sự bất bình đẳng giới trở nên trầm trọng hơn”. 

Ngày 7/4, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã có báo cáo nhanh về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động toàn cầu. Theo đó, cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý hai năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. 

Có tới 81% của lực lượng lao động toàn cầu 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.  

Nhận định này của ILO cũng phù hợp với quan điểm của Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khi cho rằng những người phụ nữ làm công ăn lương hàng ngày, chủ doanh nghiệp nhỏ và những người làm việc ở khu vực phi chính thức là đối tượng chịu tác động lớn nhất.

Mohammad Naciri - Giám đốc khu vực của UN Women Asia và Thái Bình Dương: “Nhu cầu khác biệt giữa phụ nữ và đàn ông trong các nỗ lực phục hồi dài hạn và trung hạn cũng nên được xem xét.

Phụ nữ đang đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh với tư cách là nhân viên y tế, là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, là người vận động xã hội, là người xây dựng và kết nối cộng đồng và là người chăm sóc. Điều cần thiết là đảm bảo tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và công nhận”.

Kristin Kim Bart - Giám đốc Cấp cao về Bình đẳng Giới của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế cho biết: “Ảnh hưởng và tác động của các khủng hoảng toàn cầu như Covid-19 tới mỗi giới là khác nhau rõ rệt. Mặc dù các tác động và nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái đã được truyền thông đề cập nhiều hơn trong những tuần gần đây so với các cuộc khủng hoảng trước đây, song chúng ta vẫn cần phải biến nhận thức này thành các quyết định và hành động khác nhau.

Các nhà hoạch định chính sách không được bỏ qua những khác biệt này khi đưa ra các kế hoạch ứng phó và phải đảm bảo tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được phản ánh ở mọi cấp độ ứng phó. Cần thay đổi ngay từ quá trình thu thập và phân tích dữ liệu, ban hành chính sách và phân bố nguồn lực để phụ nữ và trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau”. 

Đọc thêm