Mưu trí xử thế Quỷ Cốc Tử: Nghệ thuật 'nắm chắc tình thế mới bày mưu lược'

(PLVN) - Quỷ Cốc Tử có một câu nói nổi tiếng: Không biết rõ sự việc đã hành động thì sẽ gặp điều ngang trái. Không nắm chắc tình thế đã nói sẽ bị sai lệch. Nắm chắc tình thế rồi mới bày mưu lược.
Nhờ tính toán mưu lược trước rồi mới hành động, Lâm Tắc Từ đã dẹp được nạn thuốc phiện tại Quảng Đông
Nhờ tính toán mưu lược trước rồi mới hành động, Lâm Tắc Từ đã dẹp được nạn thuốc phiện tại Quảng Đông

Bình luận: Giải quyết một vấn đề, trước hết phải dò nắm được tình hình chân thực, nắm chắc được tư liệu gốc. Đó là mấu chốt của việc này. Bạn muốn khống chế người khác, cần hiểu rõ tính tình, tâm tư, phẩm hạnh, tố chất của họ, sau đó mới có thể thuyết phục, khống chế họ, phụ họa với họ hoặc lợi dụng họ.

Bạn xử lý một sự việc, cần biết rõ nguyên nhân, kết quả, quá trình biến hóa phát triển của sự việc đó và các điều kiện trong ngoài hữu quan. Có như vậy mỏi có thể tùy theo tình thế mà dẫn dắt, theo ý đồ của mình mà khống chế tình hình, xử lý sự việc.  

Xưa có câu chuyện quân sĩ thời nhà Tống rất thích đấu vật, thường lấy đó làm trò vui, quyết định thứ bậc cao thấp. Một lần có một quân nhân thân hình cao lớn, vai rộng lưng tròn, sức khỏe kinh người, trong hàng quân không có ai là đối thủ, vào đấu với anh ta đều bị thua liểng xiểng.

Lúc đó có một văn nhân ngồi trên hàng ghế quan khách xin được đấu với tráng sĩ đó. Mọi người thấy khách văn nhân dáng người mảnh dẻ, trắng trẻo chẳng có vẻ gì là một đấu sĩ nên đều khuyên ông chớ có đùa nhưng ông không nghe và bước ngay lên sàn đấu.

Chàng võ sĩ căn bản không coi ông vào đâu nhưng khi thấy ông vừa giang cánh tay phải ra đã ngã lăn quay. Trong tiếng hò reo vang dội anh ta cố lồm cồm đứng dậy, lấy hết tinh thần ra đứng tấn lấy thế. Nhưng khi khách văn nhân lại giang tay phải ra thì võ sĩ lại ngã lăn quay. Việc này diễn ra đúng ba lần, công chúng kinh ngạc lắm cho rằng khách văn nhân có ma thuật gì đó.

Khách cười nói: “Vừa rồi tôi dò hỏi các bạn của chàng võ sĩ được biết anh ta rất sợ “xì dầu”, nhìn thấy xì dầu là ngất lịm, vì thế tôi đã vào bếp thủ sẵn một ít xì dầu trong tay”. Nói rồi ông lại giơ tay phải ra, chàng võ sĩ lại ngã lăn quay, công chúng vô cùng thích thú.

Đây chỉ là một chuyện vui mà thôi nhưng qua đó có thể thấy trong đời sống thực tế việc "nắm rõ tình hình” là rất quan trọng đối với việc khống chế người khác và kiểm soát sự việc.

Chuyện lễ vật của Lý Mệnh:

Đậu Hiến là một Đại thần quyền thế thời vua Hòa Đế nhà Đông Hán. Hắn ỷ thế có em gái là Hoàng hậu, tỏ ra ngạo mạn tại chốn triều đình, các quan lớn nhỏ đều phải sợ và phải cung phụng hắn.

Năm đó Đậu Hiến lấy thêm thiếp, các quan đua nhau mang lễ vật đến chúc mừng. Quan Thái thú Quận Hán Trung cũng chuẩn bị lễ vật. Ông có một cấp dưới là Lý Mệnh rất thông minh, làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, biết cách xoay sở. Lý thấy Đậu Hiến chuyên quyền, gây ra nhiều thù oán, rồi có ngày sẽ bị tai họa  mất mạng. Vì vậy Lý khuyên Thái thú không nên đi giao du với hắn. Lý nói: “Trong lịch sử, những kẻ ngoại thích chuyên quyền làm bậy có mấy đứa được yên thân.

Đậu Hiến hiện nay ỷ vào thế mình làm tướng và là Hoàng thân quốc thích, tùy ý làm bừa, rồi sẽ có ngày mạt vận. Xin Quan lớn cứ dốc một lòng thờ phụng Hoàng đế là được, chớ có đi lại giao du với hắn, đừng có mang lễ vật hậu hĩnh cho hắn, sẽ tránh được hậu hoạ”. Thái thú nghe nói thấy rất khó nghĩ, cuối cùng sợ mang tội với Đậu Hiến nên vẫn cho người mang lễ vật đến.

Lý thấy khuyên can không được bèn chủ động nói: “Quan lớn đã cố tình như vậy thì xin để cho bỉ nhân mang đồ lễ tới, xin Quan lớn giao việc này cho bỉ nhân, bảo đảm sẽ làm Quan lớn hài lòng”. Thái thú đồng ý.

Lý mang đồ lễ đi thăm dò tình hình Kinh thành, được biết lúc đó mâu thuẫn giữa bọn ngoại thích và hoạn quan trong triều rất sâu sắc và có tin lan truyền nói Hoàng đế rất oán giận bọn ngoại thích. Dựa theo tình hình đó Lý dự đoán không lâu nữa trong triều sẽ có biến, nên lệnh cho đoàn tùy tùng đi chậm để kéo dài thời gian, chờ xem tình hình diễn biến ra sao, mấy ngày sau, khi họ đi tới Phù Phong thì được tin Đậu Hiến đã tự sát chết.

Thì ra Hán Hoàng Đế năm đó 14 tuổi được biết bọn ngoại thích có ý mưu hại mình nên đã ủng hộ hoạn quan Trịnh Chúng diệt bọn đồng đảng của Đậu Hiến và y phải tự sát chết. Lý được tin này bèn lập tức dẫn đoàn tùy tùng trở về chờ lệnh Thái thú.

Do xảy ra vụ việc Đậu Hiến nên trong đám thân tín và những người đi lại giao du với hắn đã có nhiều người bị tình nghi, bị giết, giam cầm hoặc quản thúc. Duy chỉ có Thái thú Hán Trung được yên thân vì không đi lại giao du với hắn. Qua việc này, Thái thú rất phục tài trí của Lý Mệnh và càng thêm tin dùng Lý.

Chuyện Lâm Tắc Từ tiêu hủy thuốc phiện 

Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, tổng đốc Hồ Quảng là Lâm Tắc Từ sở dĩ làm được việc lớn thiêu huỷ thuốc phiện của phương Tây ở Hổ Môn là do ông đã sớm điều tra nắm rõ tình hình và hành động dũng cảm khiến kẻ thù kinh hoàng mất mật còn dân chúng thì hoan hỉ mừng 

Cuối thập kỷ 30 thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây điên cuồng đưa thuốc phiện vào Trung Quốc, mỗi năm tới trên 3 vạn thùng, kiếm được nhiều bạc trắng của Trung Quốc và làm rã chính quyền thống trị của nhà Thanh. Nhiều người dân Trung Quốc trở thành nghiện thuốc phiện, thậm chí có người trở thành “Ma thuốc phiện”, hại sức khỏe tốn tiền bạc, sức sản xuất của xã hội bị phá hoại. 

Tổng đốc Hồ Quảng Lâm Tắc Từ được cử làm Khâm sai đại thần đến Quảng Đông tra xét cấm thuốc phiện. Lúc đó Quảng Đông là địa điểm tập trung buôn lậu thuốc phiện quan trọng của các nước tư bản phương Tây đối với Trung Quốc.

Lâm biết rõ bọn gian thương nước ngoài, bọn buôn lậu thuốc phiện người Trung Quốc và cả các quan lại địa phương, các lực lượng tuần biển ăn hối lộ đã kết hợp với nhau hình thành một dây buôn lậu thuốc phiện gắn bó chặt chẽ, phá nó không phải chuyện dễ, cần có biện pháp. Lâm bố trí Đại bản doanh của Khâm sai Đại thần tại Thư viện Việt Hoa.

Sau đó ông dùng danh nghĩa Khâm sai Đại thần triệu tập vài trăm thực tập sinh tại các Thư viện Việt Hoa, Áo Tú, Dương Thành ở Quảng Châu, loan tin ông sẽ trực tiếp ra đề thi để kiểm tra thành tích học tập của họ. Trên thực tế, Lâm gài vào các đề thi một mảnh giấy yêu cầu họ viết tất cả những gì họ biết về vấn đề buôn lậu thuốc phiện, như họ tên bọn buôn lậu, địa điểm tàng trữ thuốc phiện, thời gian, con đường, số lượng và thủ đoạn buôn lậu.

Ngoài ra viết cầu ý kiến đề nghị và họ tên bọn đưa hối lộ, nhận hối lộ. Như vậy đã kích thích được tinh thần yêu nước của họ và thu được nhiều tin tức quan trọng.

“Tính toán mưu lược trước rồi mới hành động sẽ thắng, người nào hành động trước rồi mới tính đến mưu lược sẽ thua”. Khi mới cấm thuốc phiện, Lâm Tắc Từ đã cân nhắc thấy bọn gian thương nước ngoài sẽ không dễ dàng từ bỏ buôn bán thuốc phiện và giao nộp hết thuốc phiện.

Chỉ hơi thiếu cẩn trọng là sẽ đánh động bọn chúng, vì vậy ông đã dò nắm tình hình, biết rõ mọi việc rồi hạ quyết tâm lớn, hành động bất ngờ như sét đánh không kịp bưng tai, thu được một số lớn thuốc phiện, đã cấm thuốc phiện thành công.

Chuyện xét án công minh cứu tử tù

Trong binh doanh Hán trung nhà Thanh có một binh sĩ tên là Trịnh Khôi bị kết án tử hình do đã dùng thạch tín cho vào bánh bao không nhân (màn thầu) đầu độc chết người. Người bán thạch tín, người bán bánh và một chị phụ nữ hàng xóm đều ra làm chứng, thế là vụ án được quyết định.

Lúc đó Đặng Diên Trinh làm tri phủ Tây An cảm thấy vụ án này có điều nghi vấn. Đã bí mật cho gọi người bán bánh đến hỏi:

- Mỗi ngày anh bán bao nhiêu bánh?

- Dạ, độ 200 - 300 chiếc.

- Mỗi người mua khoảng mấy chiếc?

- Dạ, 3 - 4 chiếc ạ.

- Như vậy mỗi ngày phải có trên 100 khách mua?

- Vâng ạ.

- Anh có nhớ hình dáng, họ tên và thời gian mua của 100 người đó không?

- Dạ, không nhớ được ạ.

- Thế tại sao anh lại chỉ nhớ được một mình tên đến mua bánh?

Người bán bánh nghe hỏi thất kinh, không biết trả lời thế nào. Đặng căn vặn hỏi thêm, người bán bánh phải khai thực: “Bẩm quan lớn, đúng là con không nhớ được nhưng có nha lại ở huyện bảo con: Huyện đã hỏi cung một tội phạm giết người, hắn đã nhận tội, nay chí còn thiếu người làm chứng bán bánh, vậy anh hãy đứng ra làm chứng”.

Đặng xét lại hỏi người phụ nữ hàng xóm. Chị ta cũng nói nha lại tỉ huyện bảo đứng ra làm chứng, lời khai giống như người bán bánh, chỉ có người bán thạch tín khai là đúng là Trịnh Khôi đã mua thạch tín của anh ta. Thì ra người chết trước đây có hiềm khích với Trịnh Khôi, nha lại ở huyện là thân nhân người chết và chết vì bị chó dại cắn nên miệng môi còn tím tái. Trịnh Khôi mua thạch tín thực nhưng dùng để đánh bả chuột.

Đặng Diên Trinh đã nhìn thấy chỗ khả nghi ở chỗ hình như không đáng nghi, đó là do ông đã chịu khó suy nghĩ, qua hiện tượng mà nhìn thấy bản chất, truy xét những tình tiết không bình thường, do đó nắm rõ được tình hình, làm sáng tỏ vụ án, minh oan cho Trịnh Khôi.

Đọc thêm