Nạn nhân bị cưỡng bức gặp những chấn thương khó gọi thành tên

(PLO) - Nỗi khổ của nạn nhân bị bạo lực tình dục bị nhân lên gấp bội khi một lần nữa họ lại trở thành nạn nhân của sự thiếu nhạy cảm trong việc tiếp cận của cộng đồng, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Hơn vạn lần nỗi đau
Những nhân viên xã hội đã từng tiếp cận với vụ việc bé gái 15 tuổi bị lạm dụng tình dục ở Đồng Nai vài năm trước đây không thể quên sự đau khổ của nạn nhân và gia đình khi bị chính người thân, họ hàng của mình phỉ nhổ, xa lánh chỉ bởi vì em là… nạn nhân của một vụ hiếp dâm mà thủ phạm là hai người ông trẻ. 
Khi công lý thực thi, hai gã ông trẻ bị phạt tù nhưng nụ cười không thể trở lại trên môi bé gái. Bởi từ đó bà ngoại của em sinh lòng thù hằn vì cho rằng vì em mà em trai của bà phải đi tù. 
Hùa theo bà ngoại em, họ hàng và láng giềng đã nhiều lần xỉ vả em là đồ gái lẳng lơ, làm hư hỏng hai người ông trẻ. Phẫn uất, tủi nhục, gia đình em buộc phải rời khỏi quê hương đi nơi khác sinh sống.
Ở một câu chuyện khác, một bé gái bị chính cha đẻ của mình lạm dụng tình dục và nhốt trong nhà để em không thể tiếp cận, kể với ai. 
Không được sự giúp đỡ của người lớn, cuộc đời em gái tiếp tục đối mặt những lần lạm dụng của bố mình cho đến ngày mẹ em ở xa hay tin về giải cứu…
Mặt trái của việc bảo vệ
Kể lại những câu chuyện trên để thấy xưa nay có rất nhiều quan niệm sai lầm về bạo lực tình dục (BLTD). Vấn nạn này hoàn toàn có thể xảy ra ngay tại gia đình hay nơi được cho là an toàn, bình yên. Nhiều người cho rằng cưỡng bức tình dục chỉ do người lạ gây ra và thường để lại những tổn thương về thể xác cho nạn nhân. 
Tuy nhiên, con số đưa ra tại tọa đàm chính sách “Tiếp cận công lý cho phụ nữ bị BLTD ở Việt Nam” diễn ra ngày 8/12 cho thấy một sự thật hoàn toàn khác. Trong 462 vụ việc cưỡng bức và tấn công tình dục thì có tới 86% vụ việc kẻ tình nghi lại có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác. 
Không những thế, 87% phụ nữ bị BLTD thường không tìm đến các cơ quan có thẩm quyền vì họ không hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ. Bởi theo phân tích của bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UN Women thì BLTD thường xuyên bị xã hội che giấu. 
Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng bức, ngay lập tức câu hỏi đặt ra là cô ấy đã làm gì để bị cưỡng bức, phải chăng cô ấy đã đến nhầm một nơi nào đó, vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đứng đắn, vì quan niệm tình dục của nam giới mặc nhiên được coi là bản năng tự nhiên của con người. 
Khi một người phụ nữ hay một bé gái bị xâm hại tình dục, điều đem lại công bằng và công lý cho họ không ai khác đó là hệ thống pháp luật và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện nay theo nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Tú – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Giang, hệ thống hành pháp và tư pháp của Việt Nam vô hình trung đang làm hằn sâu nỗi đau của nạn nhân. 
Ông Tú đưa ra minh chứng, trong vụ hiệu trưởng mua dâm diễn ra ở Hà Giang mấy năm trước, những nạn nhân là các em học sinh nữ đã phải kể đi kể lại nỗi đau của mình, người ít thì 15 lần, người nhiều 50 lần với nhiều cơ quan, tổ chức để phục vụ cho quá trình tố tụng.
“Trong khi đó ở nước ngoài, khi lấy lời khai của nạn nhân BLTD, người ta sẽ thu xếp để một nhà tâm lý trò chuyện và các câu hỏi của cảnh sát, cơ quan bảo vệ nạn nhân đều thông qua nhà tâm lý này. Số lần trò chuyện sẽ hạn chế tối đa để nạn nhân không bị khoét sâu thêm vết thương tâm lý. 
Ở Việt Nam, hệ thống tư pháp, hành pháp khi tiếp cận các vụ BLTD mới chỉ ở góc độ đấu tranh tội phạm chứ chưa ở góc độ bảo vệ quyền, nhân văn” – Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh. 
Cần mở rộng thêm khái niệm về các tội bạo lực tình dục
Ở góc độ xây dựng pháp luật, theo nhận định của ông Chris Batt – Quản lý Văn phòng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề nghiêm trọng. 
Tuy nhiên, đây lại là một trong những loại hình ít bị truy tố nhất thế giới. 
Được biết trong lần sửa đổi vừa qua, Bộ luật Hình sự đã mở rộng khái niệm về xâm hại tình dục, tuy nhiên việc xây dựng một khung pháp lý quy định toàn diện, đầy đủ về các hành vi BLTD và phù hợp với công ước quốc tế vẫn còn là khoảng cách. 
Tới đây, theo đề nghị của các chuyên gia, pháp luật Việt Nam cần mở rộng thêm khái niệm về các tội BLTD như tội BLTD, tội tấn công tình dục, tội đeo bám...; bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về BLTD; sửa đổi các quy định về chứng cứ đối với các tội về BLTD. 

Đọc thêm