Nạn....“chặt chém“ ở các điểm du lịch

(PLO) -Mới đây, một nữ doanh nhân sau khi đi Sa Pa về đã có bài cảm nhận trên trang cá nhân của mình, gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh câu chuyện có nên đến Sa Pa hay không? Sự việc này một lần nữa lại khiến người ta có nhiều suy ngẫm về các vấn đề đang tồn tại của Du lịch Việt.
"Sa Pa không còn như trước"
Q.T., một nữ doanh nhân, cũng là một cư dân mạng khá nổi tiếng, sau khi đi Sa pa về đã có một bài cảm nhận trên trang cá nhân của mình. Theo chị Q.T., Sa Pa ngày nay đã không còn như trước. Đầu tiên là câu chuyện “chặt chém”. Du khách lên Sa Pa đối mặt với nạn “hét giá” khắp mọi nơi. Vào quán ăn cá hồi, với lý do “nuôi tại Sa Pa” nên chủ quán tính 800 ngàn/kg , và quy định hai người thì ăn một kí cá (!). 
Ngoài ra, với tốc độ du lịch hóa của Sa Pa, đồng bào dân tộc nơi đây không còn hồn nhiên như xưa. Trẻ em dân tộc hành nghề ăn xin có mặt khắp mọi nơi, mọi dịch vụ tự phát như chụp ảnh cùng trẻ em dân tộc, nghe trai bản thổi kèn, hỏi đường… đều phải trả tiền. Hàng hóa ở chợ được “hét” giá cao hơn 100% giá gốc, “trả bao nhiêu cũng hớ”. 
Để có được tấm ảnh đẹp về trẻ em ở Sa Pa, du khách thường phải đứng xa chụp hoặc trả tiền cho các em
Để có được tấm ảnh đẹp về trẻ em ở Sa Pa, du khách thường phải đứng xa chụp hoặc trả tiền cho các em 
Chia sẻ của chị Q.T. đã nhận được rất nhiều phản hồi lẫn tranh cãi từ phía những người đã và đang có dự định đến Sa Pa du lịch. Nhiều người chia sẻ, cũng từng nếm “quả đắng” vì đi du lịch Sa Pa mà không có sự chuẩn bị trước, không đặt phòng đành ở nhà dân, thiếu tiện nghi với giá của… khách sạn 3 sao. 
Khá nhiều phàn nàn của những người có kinh nghiệm du lịch Sa Pa cho thấy, cách làm du lịch ở Sa Pa đa phần tự phát nên hành xử của đồng bào dân tộc còn rất “hoang dã". Đơn cử, nhiều du khách đã bị “ăn chửi” hoặc bị dọa đánh ở chợ và các quầy hàng vì trả giá mà không mua hàng, hoặc hỏi giá rồi bỏ đi… Nhiều lời khuyên của dân du lịch đó là nên chuyển địa điểm sang Lai Châu và các vùng lân cận, nơi khung cảnh và người dân chưa bị “thương mại hóa” quá mức. Chưa biết thực, hư những phản ánh này thế nào, nhưng trước mắt đã có một số người không nhỏ “chùn chân” vì phàn nàn này và thay đổi kế hoạch du lịch Sa Pa.
Ở Huế, hiện tượng nói thách, thỏa thuận mua bán không được thì chửi bới khách hàng đã được khá nhiều du khách phản ánh, đến mức một số người đi về còn dặn dò bạn bè, người thân: “Nếu thích quá thì mua, chứ đừng đôi co với mấy bà chợ Đông Ba, dữ lắm !”.
Vũng Tàu cũng không tránh khỏi tai tiếng chuyện “hét giá” phòng trọ, nhà nghỉ vào những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ. Trái với quy định của thành phố, một số chủ nhà trọ tự tăng giá lên gấp mấy lần. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, những người đi chơi lễ tại Vũng Tàu được một phen “xanh mặt” với giá dịch vụ tại đây: Giá phòng tăng 3-4 lần (một số nhà trọ bình dân cho thuê đến 6 – 7 trăm ngàn/ngày), gửi xe tắm biển lên đến 10 ngàn/chiếc so với 3-5 ngàn như thường ngày. Giá thuê ghế ngồi bãi biển cũng tăng 2, 3 lần, các dịch vụ khác như thuê dù, mua nước ngọt tắm… cũng bị nâng giá đáng kể.
Hai thành phố “đầu tàu” của cả nước là Hà Nội và TP.HCM cũng không tránh khỏi những hành vi “chặt chém” tự phát, làm phiền lòng du khách nước ngoài, đó là những vụ xích lô, taxi lấy giá chở khách Tây “trên trời” cùng với thái độ hậm hực, dọa nạt khiến du khách phải kiện cáo lên Tổng cục Du lịch. 
Tiếng lành, tiếng dữ đều đồn xa
Ở thời đại công nghệ phát triển, những thông tin phản ảnh rất dễ đến với cộng đồng, cả ở khía cạnh tốt cũng như xấu. Bởi thế, chỉ một lời khen hay một vài thông tin về dịch vụ kém cũng đủ gây nên một làn sóng nhỏ du khách đến hoặc “tẩy chay” một khu du lịch, hoặc một cá nhân cung cấp dịch vụ nào đấy. 
Chèo kéo du khách nước ngoài mua hàng
Chèo kéo du khách nước ngoài mua hàng 
Như một câu chuyện trong năm 2013, một hướng dẫn viên du lịch tên H. ở đảo Bình Ba đã bị mất khách hàng loạt vì một nhóm khách đi về phát hiện anh này gian dối, kê giá cao cho nhiều dịch vụ cũng như kê khống một số mục không có thật như phí bảo vệ môi trường… H. đã bị cộng đồng du lịch tẩy chay, không lựa chọn khi đến đảo Bình Ba nữa. 
Ngoài cộng đồng du lịch Việt, như đã nói, ở nước ngoài có khá nhiều trang điện tử của các du khách tự lập ra, được chia sẻ ở tầm quốc tế, mà khi du khách trước đến một nước, một vùng nào thường lên tham khảo các cảm nhận của những người đã từng đến rồi.
Và bên cạnh những tỉnh, những khu du lịch Việt được du khách đánh giá cao, nhiều trong số các khu du lịch nổi tiếng của chúng ta cũng nhận những lời phàn nàn. Đáng buồn nhất, hầu hết phản ánh của du khách đều khen hết lời về phong cảnh thiên nhiên, về kiến trúc xây dựng của những khu du lịch hoặc danh thắng Việt, nhưng lời chê phần nhiều lại dành cho khâu dịch vụ.
Tất nhiên, với những vùng du lịch đông khách, quá tải thì việc quản lý không phải dễ dàng gì, nhất là với các dịch vụ tự phát. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại thì không ít khu du lịch nổi tiếng, đông đúc nhưng tiếng tăm về “chặt chém”, về chuyện dịch vụ du lịch chưa tốt hầu như không có. Cũng không thể đổ lỗi cho vấn đề con người. Điều quan trọng là các nhà quản lý có định hướng thế nào, quản lý ra sao để những hành vi làm xấu mặt Du lịch Việt không có cơ hội tồn tại từ năm này sang năm khác?
Năm mới sắp đến cũng là mùa du lịch rộn ràng. Đây cũng là lúc để các vùng đất du lịch tự “tiếp thị” mình với du khách trong và ngoài nước. Hy vọng rằng sẽ có những cải tiến mới trong quản lý du lịch, khiến du khách đi về đều khen ngợi, hài lòng và quảng bá giúp cho du lịch Việt. 

Đọc thêm